Góc nhìn Liên thị trường 05/05: Tâm lý lo ngại rủi ro tăng lên khi căng thẳng thương mại leo thang.
Tùng Trịnh
CEO
Tâm lý lo ngại rủi ro có dấu hiệu tăng trở lại khi vừa mới đây ông Trump đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nếu không tiếp tục mua hàng hóa Mỹ.
Số liệu kinh tế:
Trong tuần vừa qua dữ liệu GDP quý 1 của Mỹ được công bố giảm 4.8%, thấp hơn mức -4% dự báo, mặc dù đã được đánh giá tác động của Covid-19 lên nền kinh tế là rất lớn. Cũng trong tuần vừa rồi ghi nhận thêm gần 4 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, nâng tổng số người thất nghiệp do dịch bệnh lên đến hơn 30 triệu người.
Tính đến ngày 04/05 số người nhiễm Covid-19 tại Mỹ đã lên đến 1,188,122 người, số người tử vong đã lên đến 27,348 người. Và hiện tại tỷ lệ số người nhiễm trong ngày vẫn chưa có dấu hiệu giảm, mặc dù trong vài ngày trước đó tỷ lệ lây nhiễm đã có dấu hiệu giảm.
Số liệu sản xuất của Mỹ có dấu hiệu tốt lên khi một số ngành sản xuất đã quay trở lại, việc mở cửa các hoạt động kinh tế có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng và sản xuất phục hồi nhanh hơn.
Chính sách tiền tệ, tài khóa:
Trong tuần vừa qua FED giữ nguyên chính sách tiền tệ, và trong cuộc họp FED công bố giảm dần chương trình QE không giới hạn xuống 8 tỷ USD/ngày. Hiện tại chính FED vẫn giữ lập trường chưa vội sử dụng đến công cụ lãi suất âm, vì đây có thể sẽ là công cụ chính sách cuối cùng mà FED có thể sử dụng. Trước tình hình tác động của dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát và tiếp tục lây lan rộng hơn đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Mỹ và thế giới.
Bộ trưởng tài chính Mỹ: Mnuchin cho biết chính phủ cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ cho nền kinh tế sau đại dịch nếu cần thiết, bên cạnh đó ông Trump cần tập trung vào sự thay đổi các chính sách thuế nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp và kích thích du lịch trở lại. Cũng trong phát biểu này ông kỳ vọng Mỹ-Trung sẽ có một thỏa thuận thương mại tương đối tốt với Mỹ hoặc nếu không hậu quả Trung Quốc sẽ phải gánh là vô cùng nặng nề.
Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh với nền kinh tế toàn cầu là rất lớn, nếu như căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang trong giai đoạn này rất có thể hậu quả với kinh tế Trung Quốc là không thể lường trước được. Do vậy với tình thế hiện nay rất nhiều khả năng Trung Quốc sẽ nhượng bộ để tránh những hậu quả nặng nề hơn với nền kinh tế.
Diễn biến tâm lý thị trường trong những ngày qua phản ánh qua thị trường trái phiếu và chứng khoán Mỹ theo hình dưới đây.
Lợi suất trái phiếu các kỳ hạn 2 và 5 năm đều đã giảm về mức thấp nhất kể từ trước đến nay. Trong khi đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đi ngang trong suốt nhiều ngày qua. Diễn biến tâm lý lo ngại rủi ro thể hiện rất rõ trong bức tranh lợi suất trái phiếu.
Hơn nữa các nhà đầu tư đang có xu hướng thoái vốn khỏi các kênh đầu tư mạo hiểm, cụ thể: thị trường chứng khoán đã có 2 phiên giảm liên tiếp khi lo ngại căng thẳng thương mại leo thang.
Trên biểu đồ các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều đã giảm và có dấu hiệu sẽ phá vỡ đường hỗ trợ ngắn hạn. Như vậy, tâm lý lo ngại rủi ro đang thể hiện rất rõ trong những phiên vừa qua và rất có thể lịch sử ‘Sell in may and go away” sẽ được lặp lại.
Điều này hiện hữu hơn khi tác động của Covid-19 và căng thẳng thương mại diễn ra trong giai đoạn này. Chỉ số VIX đã tăng lên lại 36 và đang có dấu hiệu sẽ tiếp tục tăng.
Bối cảnh bây giờ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã lên đến hơn 30 triệu, con số này vẫn chưa dừng lại. Rất có thể trong báo cáo lao động cuối tuần này số liệu sẽ tương đối ảm đạm. Dự báo này sẽ khiến tâm lý thị trường tiếp tục xấu đi.
Giá vàng:
Vàng đã đứng vững ở mốc trên 1680$/oz, dù suốt hơn một tháng qua thị trường chứng khoán phục hồi.
Trên biểu đồ phân tích kỹ thuật: giá vàng hiện tại vẫn đứng vững trong xu hướng tăng, tâm lý lo ngại rủi ro tăng cao trở lại, bên cạnh đó việc FED bơm vào nền kinh tế lượng tiền rất lớn đã khiến mối lo ngại lạm phát tăng lên.
Những điều trên đang hỗ trợ dự báo của tôi trong thời gian tới vàng vẫn sẽ là kênh trú ẩn an toàn, tránh rủi ro lạm phát. Dự báo Khả năng vàng sẽ phá vỡ đường kháng cự phía trên và tiếp tục một xu hướng tăng tiếp diễn.
Chỉ số DXY:
Trên biểu đồ phân tích kỹ thuật: DXY đã phá vỡ mức hỗ trợ quan trọng trong mô hình tiếp diễn ngắn hạn. Do vậy rất có thể các thông tin xấu kinh tế Mỹ được công bố vừa qua sẽ khiến cho đồng USD tiếp tục xu hướng giảm trở lại hoàn thành mô hình tiếp diễn ở trên.
Nhận xét: Kỳ vọng của tôi trong tháng 5 này vẫn duy trì xu hướng giảm của đồng USD và tác động của dịch bệnh Covid-19 sẽ phản ảnh lên tâm lý thị trường, lo ngại rủi ro và lạm phát tăng cao. Hơn hết, các chiến lược giao dịch sẽ bám sát diễn biến theo từng thời điểm.