Hệ thống thanh toán CIPS là gì?

Hệ thống thanh toán CIPS là gì?

Trần Vân Anh

Trần Vân Anh

Junior Editor

08:49 13/03/2024

Hệ thống thanh toán xuyên biên giới (CIPS) được ra đời để phục vụ nhu cầu giao dịch thanh toán bù trừ bằng đồng nhân dân tệ xuyên biên giới trực tiếp trong nước, thay vì thông qua các ngân hàng thanh toán bù trừ ở các trung tâm nhân dân tệ ở nước ngoài.

CIPS là hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc

Hệ thống thanh toán xuyên biên giới (China’s Cross-Border Interbank Payment System - CIPS) được ra đời để phục vụ nhu cầu giao dịch thanh toán bù trừ bằng đồng nhân dân tệ xuyên biên giới trực tiếp trong nước, thay vì thông qua các ngân hàng thanh toán bù trừ ở các trung tâm nhân dân tệ ở nước ngoài.

CIPS có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch Nhân dân tệ giữa các tổ chức của Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông, nhưng cần có một bên trung gian thứ ba là Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) làm cầu nối liên lạc với các tổ chức tài chính quốc tế.

Hệ thống này có phần tương đồng với Hệ thống thanh toán bù trừ liên ngân hàng Hoa Kỳ (United States’ Clearing House Interbank Payments System - CHIPS), nhưng áp dụng cho các giao dịch bằng đồng USD. 

Có rất nhiều ngân hàng lớn trên toàn cầu đã trở thành cổ đông của CIPS, bao gồm: HSBC, Standard Chartered, Ngân hàng Đông Á, DBS, Citi, BNP Paribas, Úc và New Zealand Banking Group. Trong đó, Standard Chartered Hồng Kông là ngân hàng nước ngoài đầu tiên đủ điều kiện tham gia mạng lưới CIPS vào ngày 14/2/2022.

Trong tháng 9/2023, 4 tổ chức tài chính đã được kết nạp là bên tham gia trực tiếp của CIPS. 12 tổ chức tài chính đã được thừa nhận là bên tham gia gián tiếp của CIPS. Trong đó có 1 tổ chức ở Trung Quốc đại lục và 11 tổ chức ở nước ngoài. Các khách hàng cá nhân chủ yếu đến từ châu Á với 1,018 tổ chức, trong đó có 564 từ Trung Quốc.  

CIPS đã xử lý 4.004 triệu giao dịch thanh toán có tổng giá trị khoảng 96.7 nghìn tỷ nhân dân tệ (12.68 tỷ USD), tăng 75% so với một năm trước tính đến năm 2021.

Theo khảo sát của tờ Nikkei năm 2019, trong số 1,280 tổ chức tài chính tham gia CIPS có 30 ngân hàng ở Nhật Bản, 23 ngân hàng ở Nga và 31 ngân hàng từ các quốc gia châu Phi nhận tiền bằng nhân dân tệ thông qua các dự án cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

CIPS khó có thể đe dọa vị thế của SWIFT

SWIFT được ra lâu đời hơn vào năm 1977 và vượt xa CIPS về mặt quy mô để đảm bảo thông tin liên lạc an toàn giữa các tổ chức tài chính toàn cầu. Có tới hơn 11,000 tổ chức thuộc 200 quốc gia trên thế giới tham gia hệ thống SWIFT. Trong khi đó mãi đến năm 2015, CIPS mới được thành lập chỉ với hơn 4,300 tổ chức ngân hàng tại 182 quốc gia.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa CIPS và SWIFT đến từ sự khác biệt giữa chức năng hoạt động. Nếu SWIFT đóng vai trò là mạng lưới thông điệp chính mà qua đó các hoạt động thanh toán quốc tế được thực hiện và không luân chuyển dòng tiền thì CIPS là một cơ chế thanh toán và thanh toán bù trừ giúp di chuyển đồng nhân tệ tệ trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, điều mà các nhà đầu tư nên để mắt tới là sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài vào CIPS. Càng nhiều tổ chức tài chính tham gia CIPS càng gia tăng mức độ chấp nhận của hệ thống này trên thị trường quốc tế. Mặc dù cho đến nay, số lượng tham gia của các tổ chức trên toàn cầu nhìn chung là không đáng kể.

Ngay cả khi Trung Quốc cung cấp các gói cứu trợ cho Nga thông qua CIPS cũng không thể xoa dịu nỗi đau của Nga trước sự trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Chỉ khi Nga và Trung Quốc giải quyết thương mại trực tiếp bằng Nhân dân tệ và ngày càng nhiều các các bên liên quan tham gia mạng lưới thì CIPS mới thực sự hữu ích cho Nga.

Trong khi đó, Nhân dân tệ chỉ chiếm 6.3% tổng thanh toán song phương Nga-Trung trong năm 2020. Do đó về lâu dài, CIPS sẽ chỉ mang lại lợi ích đáng kể cho Nga nếu đồng Nhân dân tệ trở thành một loại tiền tệ được nội địa hóa hơn nhiều. 

CIPS không phải là động lực quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ

Mặc dù được hậu thuẫn bởi PBoC và nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nhưng CIPS vẫn khó được coi là động lực để quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ cho đến khi Trung Quốc chấp nhận tự do hóa tài khoản vốn, tức là cho phép dòng vốn tự do luân chuyển xuyên biên giới. 

Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải chấp nhận lãi suất thả nổi do thị trường quyết định và linh hoạt hơn với biến động tỷ giá. Đồng thời, Trung Quốc cũng sẽ phải nới lỏng các quy định kinh tế và quan điểm chính trị để tạo thuận lợi cho khả năng chuyển đổi dòng vốn, nếu không sẽ khó thu hút được nhiều dòng vốn nước ngoài.

Bởi vậy, CIPS rất khó để có thể vượt mặt và trở thành đối thủ tiềm năng của SWIFT mặc dù đây một kênh tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch Nhân dân tệ. Nhưng hệ thống này sẽ chỉ phát huy tối đa hiệu quả nếu Nhân dân tệ đủ hấp dẫn để những người tham gia thị trường sử dụng để giao dịch, đầu tư, vay và lập hóa đơn.

Mở rộng hoạt động CIPS là hướng đi tối ưu chống lại các lệnh trừng phạt từ Mỹ

Kể từ đầu năm 2022, Nhân dân tệ ngày càng được các ngân hàng trung ương và doanh nghiệp của nhiều quốc gia dự trữ như một loại tiền tệ thanh toán thay thế cho USD nhờ sức mạnh khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc và sự xa lánh của các quốc gia khác khi Mỹ vũ khí hóa USD để đối phó với Nga.

Một trong số các biện pháp trừng phạt của Mỹ áp đặt lên Nga là loại bỏ nước này khỏi khỏi các giao dịch toàn cầu dựa trên đồng tiền này, bao gồm cả nền tảng liên ngân hàng SWIFT, nhưng điều này đã vô hình chung tạo điều kiện thuận lợi cho CIPS trở nên phổ biến trên toàn thế giới. 

Đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ vừa trải qua một cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng sau khi Fed thực hiện một chu kỳ tăng lãi suất lịch sử với hơn 500bp trong hơn 1 năm qua đang kéo dòng vốn bằng USD trở lại quốc gia này và gây hại cho các quốc gia đang phát triển trước đó đã vay quá nhiều USD để mở rộng nền kinh tế.

Không chỉ Nga mà các quốc gia đang phát triển có chủ quyền trên toàn thế giới tại Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và Trung Đông cũng đang giảm dần sự phụ thuộc vào USD bằng cách đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ của quốc gia mình, một biện pháp nhằm giảm thiểu các biện pháp trừng phạt kinh tế của chính phủ Hoa Kỳ.

Trong thực tế, Argentina và Brazil gần đây đã đạt được thỏa thuận thanh toán cho hàng nhập khẩu của Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ thay vì USD. Nhân dân tệ đã trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất tại Nga với tỷ trọng hàng nhập khẩu Nga được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ đã tăng từ 4% lên 23% vào năm 2021.

Bởi vậy, sự ra đời của CIPS với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ để sử dụng toàn cầu, hỗ trợ thanh toán thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, đầu tư xuyên biên giới, tài chính và chuyển tiền cá nhân sẽ là hướng đi mới để bảo vệ hoạt động ngoại thương của Trung Quốc nói riêng và an ninh kinh tế toàn diện của thế giới nói chung. 

Theo một báo cáo từ BOC International cho biết các ngân hàng và doanh nghiệp nội địa có thể dùng CIPS như một hệ thống liên lạc thông tin mà không có nguy cơ bị tiết lộ thông tin giao dịch cho Hoa Kỳ.

dubaotiente.com

Broker listing

Thư mục bài viết