Hỗ trợ và kháng cự
Đức Nguyễn
FX Strategist
Trong phân tích kỹ thuật, hỗ trợ được hiểu đơn giản là khu vực có nhiều lực mua, và giá thường bật tăng tại đây; ngược lại, kháng cự là khu vực có nhiều lực bán, và giá thường giảm tại đây.
Hỗ trợ và kháng cự là gì?
Hỗ trợ và kháng cự là công cụ phân tích xu hướng giá tiếp theo
Hỗ trợ và kháng cự là một trong những trường phái phân tích kỹ thuật được sử dụng rộng rãi nhất trên thị trường tài chính nhằm xác định ba yếu tố quan trọng: hướng đi của thị trường, thời điểm vào và đóng lệnh.
Để xác định các hỗ trợ và kháng cự, ta cần nối các điểm dừng trong quá trình giá tăng hoặc giảm. Sau đó, quan sát xem liệu giá có dừng lại và/hoặc đảo chiều khi đạt đến các mức giá đó hay không. Các mốc hỗ trợ và kháng cự xuất hiện ở khoảng thời gian càng dài thì càng quan trọng.
Có thể nói, nếu ta coi biến động giá là một căn phòng, thì hỗ trợ chính là sàn nhà và kháng cự là trần nhà.
Hỗ trợ là vùng giá có lực mua lớn
Hỗ trợ (support level) là một khu vực trên biểu đồ với lực mua lớn, thường khiến giá đảo chiều tăng sau một xu hướng tăng. Đây có thể là dấu hiệu phe mua thấy giá đã giảm xuống mức phù hợp để mua vào, hoặc phe bán thoát vị thế.
Tuy nhiên, nếu lực bán đủ lớn, giá có thể xuyên qua khu vực này, và hỗ trợ trở thành kháng cự.
Hỗ trợ giá vàng tại khu vực $1,815/20
Kháng cự là vùng giá có lực bán lớn
Kháng cự (resistance level) là một khu vực trên biểu đồ với lực bán lớn, thường khiến giá đảo chiều giảm sau một xu hướng tăng. Đây có thể là dấu hiệu phe mua chốt lời, hoặc phe bán bắt đầu triển khai vị thế short.
Tuy nhiên, khi giá phá qua vùng kháng cự này thì nó có thể trở thành một ngưỡng hỗ trợ mới.
AUD/USD và một số kháng cự
Chiến lược giao dịch với hỗ trợ và kháng cự
Có 4 chiến lược giao dịch với hỗ trợ và kháng cự phổ biến nhất trong phân tích kỹ thuật, bao gồm: giao dịch trong biên độ, giao dịch phá vỡ, giao dịch theo đường xu hướng và sử dụng chỉ báo kỹ thuật như dải Bollinger và Kênh Donchian.
Giao dịch trong biên độ (range trading): thường được sử dụng khi thị trường đi ngang, tức không có xu hướng (sideway). Khi đó giá chỉ biến động trong một phạm vi hỗ trợ và kháng cự nhất định, các nhà đầu tư sẽ tiến hành canh mua ở các mức hỗ trợ và bán ra ở các vùng kháng cự.
Hỗ trợ và kháng cự thường được tạo ra từ các mức giá trong lịch sử, do đó nó không hẳn là ngưỡng chuẩn để giới hạn phạm vi biến động giá. Để phòng ngừa rủi ro, các traders nên cân nhắc đặt các điểm dừng lỗ dưới đường hỗ trợ với vị thế mua và trên đường kháng cự với vị thế bán.
Giao dịch phá vỡ (breakout): thường được sử dụng khi giá bứt phá và dần hình thành xu hướng mới sau khi liên tục đi ngang, nếu lực mua/bán đủ mạnh. Một khi giá đã breakout thì nó sẽ đi rất nhanh và mạnh theo hướng đã phá vỡ. Vì vậy, các trader thường chọn điểm này để vào lệnh.
Nếu giá phá vỡ các vùng hỗ trợ để giảm sâu hơn, kháng cự mới sẽ được hình thành từ hỗ trợ cũ. Khi đó, phe bán có thể tiến hành short để thu lời. Ngược lại, khi giá xuyên thủng các mức kháng cự để tăng mạnh hơn, kháng cự sẽ biến thành hỗ trợ mới. Khi đó, phe mua có thể tiến hành long để chờ thời cơ bán ra với giá cao hơn.
Tuy nhiên, để đề phòng các cú “false break”, các nhà đầu tư sẽ đợi giá điều chỉnh nhẹ (pullback - đợi giá thoái lui và kiểm tra lại hỗ trợ hay kháng cự) rồi mới tiến hành vào lệnh.
Giao dịch theo xu hướng (trend trading): là chiến lược sử dụng các đường xu hướng làm hỗ trợ hay kháng cự chính. Các đường này được tạo ra từ việc nối từ ít nhất từ 2-3 đỉnh (đỉnh trước cao hơn đỉnh sau) trong một xu hướng giảm hoặc 2-3 đáy (đáy trước thấp hơn đáy sau) trong một xu hướng tăng.
Trong một xu hướng mạnh, giá sẽ bật lại và tiếp tục di chuyển theo xu hướng chính khi chạm tới các đường trendline. Cụ thể:
- Nếu đang trong trend giảm, giá sẽ bật lại và tiếp tục xu hướng giảm khi chạm vào đường trendline (hỗ trợ). Đây là thời điểm bên bán có thể tiến hành vào lệnh.
- Nếu đang trong trend tăng, giá sẽ bật lại và tiếp tục xu hướng tăng khi chạm vào đường trendline (kháng cự). Đây là thời điểm bên mua có thể tiến hành vào lệnh.
Kênh xu hướng (kênh giá) sẽ được tạo ra khi hai đường trendline song song với nhau. Các đường này đóng vai trò như vùng hỗ trợ hoặc kháng cự quan trọng để các traders xác định điểm mua/bán quan trọng theo đúng xu hướng. Kênh giá tăng bao trọn gần như toàn bộ giá trong một xu hướng chính, cho đến khi nó bị phá vỡ
Giao dịch sử dụng dải Bollinger (Bollinger band): Dải Bollinger được tạo thành bởi đường SMA 20, đường band trên như một ngưỡng kháng cự và đường band dưới như một ngưỡng hỗ trợ (lần lượt tính bằng trục giữa 2 lần độ lệch chuẩn), do giá thường biến động bên trong dải Bollinger.
Các nhà đầu tư sẽ tiến hành bán ra khi giá chạm band trên và mua vào khi giá chạm band dưới của dải Bollinger. Ngoài ra, đường SMA 20 cũng được coi như một ngưỡng hỗ trợ/kháng cự động. Khi thị trường xuất hiện dấu hiệu pullback tại các đường SMA 20 thì traders có thể tiến hành vào lệnh chính tại các khu vực này.
Hiện tượng “nút thắt cổ chai” (Bollinger Band Squeeze) xuất hiện khi giá giảm xuống thấp và giao dịch với biên độ hẹp trong một khoảng thời gian dài, theo sau đó sẽ là giai đoạn biến động mạnh mẽ. Nhìn trên biểu đồ, dải Bollinger band thu hẹp này có hình giống một nút cổ chai là lý do hình thành tên gọi này.
Các nhà đầu tư có thể tiến hành vào lệnh mua khi các cây nến bắt đầu bung ra khỏi band trên hoặc bán ra khi các cây nến dần bung ra khỏi band dưới.
Giao dịch sử dụng Kênh Donchian: giống như dải Bollinger, kênh Donchian cũng là một dải với ba đường riêng biệt: đường kháng cự trên và đường hỗ trợ dưới lần lượt nối các mức giá cao nhất và thấp nhất, trong khi đường trung tâm là đường trung bình của hai đường kháng cự và hỗ trợ trên.
Như vậy, tín hiệu mua vào sẽ xuất hiện khi các cây nến vượt ra khỏi đường kháng cự trên và tín hiệu bán ra là khi xuất hiện các cây nến vượt ra khỏi đường hỗ trợ dưới. Tương tự, các nhà đầu tư cũng có thể thiết lập các vị thế giao dịch chính xung quanh đường trung tâm - đóng vai trò như một đường kháng cự/hỗ trợ phụ.
dubaotiente.com