Hội nghị Toàn thể lần thứ 3: Định hướng tương lai kinh tế Trung Quốc
Thái Linh
Junior Editor
Các quan chức cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tập hợp trong tháng này để tham dự một trong những cuộc họp chính sách thường niên lớn nhất, thảo luận về nhiều vấn đề từ công nghệ chip đến cải cách ruộng đất và cải cách nguồn thuế lớn nhất quốc gia. Tuy nhiên, thị trường lại không mong đợi các xoay trục chính sách thường thấy trong quá khứ
Hội nghị Toàn thể lần thứ ba của Trung Quốc quy tụ khoảng 400 quan chức cấp cao của chính phủ, các lãnh đạo quân sự, các lãnh đạo cấp tỉnh và các học giả ở Bắc Kinh nhằm quyết định đường lối chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, các nhà đầu tư năm nay không kỳ vọng nhiều vào những cải cách lớn có thể vực dậy tâm lý thị trường. Một loạt các thông tin, bài báo và bài xã luận chính thức trên truyền thông nhà nước trong những tuần qua báo hiệu sự củng cố các mục tiêu dài hạn của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Xin-Yao Ng, giám đốc đầu tư tại Abrdn, cho biết: “Do có kỳ vọng thấp nên các chính sách trong cuộc họp sắp tới sẽ không gây ra quá nhiều những cú sốc tiêu cực. Tôi không đủ tự tin để đặt cược vào bất kỳ chính sách kích thích kinh tế lớn nào."
Chỉ số chứng khoán quan trọng tại Trung Quốc MSCI đã tiến vào đợt điều chỉnh kỹ thuật vào tuần trước, trong khi thước đo khác của Bloomberg về cổ phiếu xây dựng đã giảm 29% so với mức đỉnh trong tháng 5. Lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc giảm xuống mức đáy trong hơn hai thập kỷ do tăng trưởng kinh tế và nhu cầu vay yếu.
Bộ Chính trị gồm 24 thành viên, do ông Tập Cận Bình đứng đầu, hôm thứ 5 đã đưa ra manh mối lớn về chương trình nghị sự, thông báo rằng “nghị quyết về cải cách sâu rộng toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc” sẽ được đệ trình để giới tinh hoa thông qua. Mục tiêu là xây dựng đất nước thành “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trình độ cao” vào năm 2035.
Các nhà kinh tế của JPMorgan Chase & Co bao gồm Haibin Zhu đã chỉ ra trong một lưu ý vào tuần trước rằng việc đổi mới chính sách tại các phiên họp trong những thập kỷ qua luôn trùng hợp với sự thay đổi trong ban lãnh đạo cấp cao, tuy nhiên, lần này sẽ không phải như vậy.
Tuy vậy, vẫn có thể có những chỉ báo cho thấy triết lý tăng trưởng dựa trên đổi mới, phòng ngừa rủi ro và thịnh vượng chung của ông Tập Cận Bình sẽ ảnh hưởng đến các quyết định chính thức trong những tháng tới. Bất kỳ gợi ý nào về việc giải quyết những khó khăn kinh tế như sự suy thoái bất động sản, căng thẳng tài chính tại chính quyền địa phương và nhu cầu trong nước suy yếu sẽ tác động đến thị trường.
Dưới đây là các chính sách chính mà các nhà giao dịch và nhà phân tích mong đợi cuộc họp sẽ làm sáng tỏ:
Đảm bảo liền mạch chuỗi cung ứng
Trung Quốc đang thúc đẩy và tìm kiếm sự đột phá trong các công nghệ cốt lõi để đảm bảo liền mạch chuỗi cung ứng khi Mỹ và các đồng minh thắt chặt lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm quan trọng như chất bán dẫn tiên tiến sang quốc gia châu Á này. Bắc Kinh cũng coi việc đổi mới công nghệ là một động lực tăng trưởng dài hạn mới có thể giúp thoát khỏi hướng đi cũ là đầu tư cơ sở hạ tầng dựa vào trái phiếu.
Việc phát triển công nghệ và hiện đại hóa ngành công nghiệp này đang được ưu tiên trong danh sách nhiệm vụ của chính phủ và Đảng những năm gần đây nhằm thúc đẩy mục tiêu phát triển chất lượng cao của ông Tập Cận Bình. Trong một bài báo đăng đầu tháng này trên tạp chí Qiushi, hay Seeking Truth, Han Wenxiu, phó Chánh Văn phòng Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương, đã kêu gọi cải cách sâu rộng giáo dục, khoa học và công nghệ và thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo để xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại.
Các nhà kinh tế của Morgan Stanley bao gồm Robin Xing đã viết trong một ghi chú ngày 26 tháng 6: “Hội nghị Toàn thể có thể sẽ duy trì khuôn khổ kinh tế đã hình thành trong những năm gần đây: ưu tiên giải quyết các điểm nghẽn trong hiệu suất của chuỗi cung ứng và đổi mới công nghệ”.
Đô thị hóa & Cải cách nông thôn
Bất chấp nhiều thập kỷ phát triển, chỉ có khoảng 66% tổng dân số Trung Quốc sống ở các thành phố, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hơn 80% ở nhiều nước phát triển. Điều đó có nghĩa là đô thị hóa sẽ vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và chính phủ sẽ cần giải quyết một loạt vấn đề mà quá trình này sẽ tạo ra.
Việc thêm hàng triệu nông dân di cư đến làm việc ở các thành phố trong bối cảnh thúc đẩy Thịnh vượng chung của chủ tịch Tập Cận Bình đã củng cố nhu cầu mở rộng mạng lưới an toàn xã hội và các dịch vụ công cộng. Điều đó sẽ đòi hỏi phải nới lỏng hơn nữa các hạn chế liên quan đến hệ thống hộ khẩu – hệ thống đăng ký từng hộ gia đình và xác định nơi mọi người có thể sống, làm việc, đi học và nhận trợ cấp.
Cải cách đất đai nông thôn, đã được thảo luận tại Hội nghị trước đây, có thể sẽ được đẩy nhanh. Các nhà phân tích của JPMorgan viết trong báo cáo rằng việc cho phép mua bán nhà ở nông thôn sẽ giải phóng nguồn tiền để cấp vốn cho nhà ở công cộng và mạng lưới an toàn xã hội, đồng thời các hộ gia đình và chính quyền địa phương có thể có thêm doanh thu từ việc bất động sản tăng giá trị trong cải cách đất đai.
Những biện pháp này sẽ phù hợp với mục tiêu của chính quyền là cho phép thị trường đóng vai trò then chốt trong việc phân bổ nguồn lực. Việc triển khai thành công các sản phẩm này cũng có thể từ từ thúc đẩy sức chi tiêu của người tiêu dùng nhằm giúp tái cân bằng nền kinh tế.
Cải cách tài chính/thuế
Trong nhiều thập kỷ, chính quyền địa phương của Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy chi tiêu cơ sở hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng. Con số này có thể đã đạt đến giới hạn sau khi dẫn đến một khoản nợ khổng lồ, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn do sự suy thoái bất động sản.
Các nhà kinh tế đã kêu gọi chính quyền Trung Ương tăng cường chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng và điều chỉnh lại hệ thống thuế để cung cấp cho chính quyền địa phương dòng thu nhập bền vững hơn. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại một cuộc họp kinh tế vào tháng 12 cho biết đang dự tính một “vòng cải cách tài chính và thuế mới”, làm dấy lên hy vọng rằng các chi tiết có thể được công bố tại hội nghị toàn thể.
Một số người kỳ vọng việc cải cách thuế tiêu dùng sẽ mở rộng nguồn thu nhập của chính quyền địa phương, cũng như cải cách hơn nữa thuế giá trị gia tăng, nguồn thu thuế lớn nhất ở Trung Quốc.
Theo các nhà kinh tế của Goldman Sachs Group, trong đó có Lisheng Wang, về lâu dài, Trung Quốc có thể áp dụng thuế bất động sản và thuế thừa kế, thúc đẩy hoạt động chuyển lợi nhuận và chia cổ tức hơn cho các doanh nghiệp nhà nước. Họ viết trong một ghi chú ngày 27 tháng 6 rằng các biện pháp như vậy nên được thực hiện “một cách thận trọng”, và cần phải đánh giá tốc độ phục hồi và xây dựng lại niềm tin của Trung Quốc.
Kinh tế tư nhân
Hội nghị sắp tới có thể cũng sẽ thảo luận về vai trò của các công ty tư nhân, sau khi ông Tập Cận Bình gặp đại diện của một số công ty trong và ngoài nước tại một hội nghị chuyên đề ở tỉnh Sơn Đông vào cuối tháng 5, nơi ông nhấn mạnh bất động sản, việc làm và chăm sóc trẻ em là những lĩnh vực cần thay đổi.
Tâm lý khu vực tư nhân đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc đàn áp của chủ tịch Tập Cận Bình đối với các công ty bất động sản và công nghệ khoảng ba năm trước. Bắc Kinh đã chuyển sang ủng hộ doanh nghiệp hơn kể từ khi chính phủ tìm cách thúc đẩy quá trình phục hồi sau Covid-19, tuy nhiên khu vực tư nhân không được đầu tư nhiều và cũng không nhận được nhiều hỗ trợ cụ thể
Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết, sự hoài nghi về mức độ hiệu quả của các chính sách được hứa hẹn là một lý do khác khiến kỳ vọng của nhà đầu tư đối với hội nghị Toàn thể thấp, ví dụ như những lời hứa về việc đối xử công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và các công ty tư nhân nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước, hoặc các gói hỗ trợ suy thoái bất động sản.
Họ viết trong ghi chú: “Việc trình bày lại các chính sách ủng hộ thị trường hoặc ủng hộ cải cách được hoan nghênh, nhưng việc nói mà không làm sẽ chỉ gây thêm thất vọng cho người dân Trung Quốc”.
Bloomberg