Hồng Kông có còn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư?
Liệu Hồng Kông có còn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư khi bị Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn? Sự lo ngại này là một phần nguyên nhân khiến chỉ số Hang Seng giảm mạnh 5.6% vào thứ Sáu vừa qua, và nhiều nhà đầu tư đã nói lời tạm biệt với trung tâm tài chính này.
Đóng cửa hôm thứ 6 vừa qua, chỉ số Hang Seng-Index giảm 5.6% xuống 22,930.14 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2015 ngay sau khi Trung Quốc cho biết rằng họ dự định đưa ra một đạo luật an ninh quốc gia nhằm mục đích xử lý các hoạt động khủng bố, ly khai và ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài. Động thái này đã gây phẫn nộ cho các nhà lập pháp phe dân chủ tại Hồng Kông cũng như Hoa Kỳ bởi lo ngại nó sẽ đe dọa mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Các nhà phân tích cho biết, mô hình này không chỉ đảm bảo quyền tự chủ của Hong Kông, mà còn củng cố sự phát triển của trung tâm tài chính nổi tiếng châu Á này.
Chỉ số Hang Seng đã bị vùi dập bởi một chuỗi dài các tin xấu, bao gồm các cuộc biểu tình dân chủ, thiệt hại do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây ra và gần đây nhất là đại dịch coronavirus. Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu cú lao dốc của chỉ số Hang Sheng vào thứ Sáu chỉ là một phản ứng sốc tạm thời hay bắt đầu một thời kì suy giảm lâu hơn, được kích hoạt lại bởi sự áp đặt và tham vọng muốn biến Hồng Kông thành một cửa ngõ tài chính của Trung Quốc.
Các nhà đầu tư đang trong tâm trạng lo lắng
Hồng Kông lâu nay được biết đến với tư cách là một thành phố bán tự trị của Trung Quốc, có nền tư pháp độc lập, luật pháp linh động, các rào cản tài chính và thương mại thấp. Nhưng ngày càng có nhiều người tin rằng bất kỳ hành động xung đột nào giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm tăng nguy cơ Mỹ đình chỉ vị thế kinh tế đặc biệt của Hong Kông, làm tổn hại vị thế là một trung tâm tài chính toàn cầu của thành phố này. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư thì lo ngại rằng cuộc chiến giữa các siêu cường có thể chấm dứt vị thế quan trọng của Hong Kông- là cầu nối giữa nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ là Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.
Fred Hu, một nhà đầu tư nổi tiếng và cựu chủ tịch của quỹ Greater China bày tỏ: “Dù thế nào đi chăng nữa, họ cần duy trì trạng thái độc lập cho Hồng Kông… Điều này không chỉ quan trọng đối với tương lai Hồng Kông, mà còn thực sự đối với cả Trung Quốc”. Công ty đầu tư của ông, Primavera Capital Group, đã đầu tư hàng tỷ đô la vào Trung Quốc trong những năm qua.
Nếu dự luật an ninh mới được áp dụng, hàng chục tỷ đô la giao dịch thương mại sẽ đột nhiên phải chịu thuế và là nạn nhân của cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng giữa Washington và Bắc Kinh. Các quan chức Mỹ có thể hạn chế việc đi lại từ Hồng Kông và khiến người dân ở đây khó có được thị thực lao động Mỹ hơn. Hồng Kông cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc mua công nghệ, một vấn đề được coi là nhạy cảm của Washington. Khả năng chuyển đổi tự do giữa tiền tệ của Hồng Kông với đồng đô la Mỹ cũng có thể bị đe dọa.
Một số nhà đầu tư đã nói lời tạm biệt với Hồng Kông. Mùa hè năm ngoái, dòng tiền bắt đầu chảy ra khỏi thành phố này, và điểm đến mới chính là Singapore, một thiên đường an toàn của khu vực. Dòng tiền dường như đã bắt đầu chảy ra khỏi Hồng Kông một lần nữa trong năm nay. Tính đến tháng 3, lượng tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng nội địa và quốc tế hoạt động tại Singapore đã tăng gần gấp đôi kể từ tháng 7 năm 2019, với tổng giá trị 15 tỷ USD. Dữ liệu không cho chúng ta biết tiền đến từ đâu, nhưng nhiều nhà kinh tế nghi ngờ chúng đến từ Hồng Kông.