Ichimoku - Giao dịch cùng những đám mây
Đức Nguyễn
FX Strategist
Mây Ichimoku là một tập hợp các chỉ báo kỹ thuật giúp các nhà giao dịch có thể nhìn thấy gần như tất cả các xu hướng và tín hiệu trên biểu đồ nến. Mây Ichimoku có
Mây Ichimoku là một cụm chỉ báo kỹ thuật độc lập và hoàn chỉnh
Mây Ichimoku (Ichimoku Cloud) có tên đầy đủ là “Ichimoku Kinko Hyo”. Khi chiết tự theo nghĩa Hán Việt: “Ichi” (nhất) nghĩa là một; “Moku” (mục) là cái nhìn hay ánh mắt; “Kinko” là cân bằng và “Hyo” là đồ trong đồ thị.
Khi ghép lại, ta có thể hiểu Ichimoku Kinko Hyo là một đồ thị cân bằng tất cả các thông tin quan trọng và có thể được nắm bắt nhanh chóng thông qua một cái nhìn tổng quan, bao gồm: xu hướng chính của thị trường, sức mạnh và động lực của xu hướng, mức hỗ trợ/kháng cự của giá, và các điểm vào lệnh lý tưởng.
Giá vàng cùng hệ thống mây Ichimoku
Bởi vậy, mây Ichimoku được xem là một hệ thống giao dịch nâng cao gần như độc lập, hoàn chỉnh và khiến nó khác biệt hẳn so với các công cụ giao dịch khác. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư lần đầu tiên tiếp xúc với Ichimoku này đều e ngại trước sự phức tạp của hệ thống này.
Mây Ichimoku mất tới 30 năm để phát triển và hoàn thiện
Hệ thống mây Ichimoku được ra đời vào cuối những năm 1930 bởi một nhà báo người Nhật tên là Goichi Hosoda, làm việc tại mảng Tin tức và Phân tích biểu đồ hàng ngày về chứng khoán và ngoại hối, thuộc tờ báo Miyako (nay là Tokyo) - tờ báo tài chính - kinh tế nổi tiếng nhất tại Nhật Bản thời bấy giờ.
Ý tưởng về hệ thống mây Ichimoku được ra đời do niềm đam mê của ông Hosoda đối với phân tích chứng khoán và muốn phát triển một công cụ toàn diện để hỗ trợ các nhà giao dịch nhìn thấy toàn cảnh bức tranh thị trường.
Nhưng phải mất đến 30 năm ông Hosoda mới có thể hoàn thiện ý tưởng của mình. Đầu tiên, ông hợp tác với một nhóm sinh viên người Nhật để giúp mình tiến hành tính toán và kiểm tra các công thức khác nhau nhằm tìm ra “sự tối ưu của thị trường dựa trên các chu kỳ tuân theo quy luật của thời gian”.
Cuối cùng đến năm 1969, mây Ichimoku mới chính thức được chia sẻ với công chúng thông qua 1 bộ sách và trở nên phổ biến tại Nhật Bản, đặc biệt là trong cộng đồng những nhà giao dịch và nhà đầu tư đánh giá cao tính linh hoạt và khả năng hiển thị nhiều điểm dữ liệu trên một biểu đồ của mô hình này.
Đến nay, mây Ichimoku vẫn là hệ thống giao dịch yêu thích của rất nhiều trader chuyên nghiệp trên nhiều thị trường tài chính khác nhau như chứng khoán, forex, tiền điện tử…
Mây Ichimoku hoạt động tốt nhất như một chỉ báo xu hướng
Trong phân tích kỹ thuật, mây Ichimoku hoạt động tốt nhất như một chỉ báo xu hướng. Điều này là do các thành phần của hệ thống mây Ichimoku được hình thành tương tự các đường MA và diễn biến theo xu hướng thị trường (trend-following).
Tuy nhiên, khác với các đường MA truyền thống được hình thành từ việc lấy tổng các mức giá đóng cửa chia cho tổng số khung nến. Các chỉ báo thành phần trong mây Ichimoku được tính toán dựa trên phạm vi giao động của khung nến (tức là giá trị trung bình các mức cao và mức thấp nhất của nến trong một khoảng thời gian).
Do đó, đường MA Ichimoku sẽ khác với đường MA truyền thống, ngay cả khi sử dụng cùng số kỳ. Tuy nhiên, không có chỉ báo nào hiệu quả hơn chỉ báo nào bởi vì mỗi loại sẽ phục vụ cho các mục đích khác nhau.
Ví dụ, đường SMA 9 ngày và đường Tenkan-sen (đường cơ sở) (9 phiên gần nhất) đều mang hướng di chuyển giống nhau, tuy nhiên vẫn có những khác biệt tại mỗi vị trí nhất định.
Đường chuyển đổi của mây Ichimoku (màu xanh lam) và đường MA 9 ngày (màu nâu)
Mây Ichimoku bao gồm 5 đường chính
Mây Ichimoku là một hệ thống giao dịch nhiều thành phần với những ý nghĩa và hiệu quả hoạt động khác nhau, bao gồm: 1 đường cơ sở, 1 đường tín hiệu, 2 chỉ báo sớm tạo ra các vùng hỗ trợ/kháng cự quan trọng và 1 chỉ báo trễ đóng vai trò như thước đo xác nhận tín hiệu giao dịch.
Đường Kijun-sen (Standard/Base Line): đường tiêu chuẩn hay đường cơ sở, nối các mức giá trung bình dựa trên phạm vi dao động của các cây nến trong 26 phiên gần nhất:
(Giá cao nhất + Giá thấp nhất)/2 và được tính cho 26 phiên
Đường cơ sở trên đồ thị giá vàng
Do phương hướng tính toán của đường Kijun-sen tương tự đường SMA 26 nên nó được coi như đường MA trong trung hạn phản ánh xu hướng thị trường. Nếu chỉ nhìn Kijun-sen, ta sẽ bỏ lỡ đoạn đầu của xu hướng do phải đợi giá chạy để hình thành xu hướng.
- Xu hướng thị trường đang là tăng nếu giá nằm trên đường Kijun-sen
- Xu hướng thị trường đang là giảm nếu giá nằm dưới đường Kijun-sen
Ngoài ra, ta có thể nhận biết được động lực và sức mạnh của thị trường thông qua độ dốc của đường Kijun-sen. Nếu trong một vài phiên gần nhất, đường Kijun-sen đi ngang thì chứng tỏ giá trong 26 phiên trước biến động không nhiều. Ngược lại, đường Kijun-sen càng dốc thì chứng tỏ xu hướng giá gần đây đang biến động rất mạnh.
Đường Tenkan-sen (Signal/Conversion Line): đường tín hiệu hay đường chuyển đổi, nối các mức giá trung bình dựa trên phạm vi dao động của các cây nến trong 9 phiên gần nhất:
(Giá cao nhất + Giá thấp nhất)/2 và được tính cho 9 phiên
Đường chuyển đổi (màu xanh lam) và đường cơ sở (màu đỏ)
Do công thức tính toán của đường Tenkan-sen tương tự đường SMA 9 nên nó được coi như đường trung bình động ngắn hạn báo hiệu sớm về xu hướng thị trường. Nếu chỉ nhìn Tenkan-sen, ta có thể biết được xu hướng thị trường sớm hơn Kijun-sen, nhưng sẽ không tránh khỏi việc đó chỉ là nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn. Tương tự:
- Xu hướng trong ngắn hạn là tăng nếu giá nằm trên đường Kensan-sen
- Xu hướng trong ngắn hạn là giảm nếu giá nằm dưới đường Kensan-sen
Khi các cây nến cắt qua Tenkan-sen nhưng không thể chạm đến Kijun-sen, đây được coi là nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn và giá sẽ trở lại xu hướng ban đầu. Mặt khác, khi giá sẽ cắt qua cả 2 đường này nhưng ngược chiều xu hướng chủ đạo, đây thường là tín hiệu đảo chiều hoặc giá hồi mạnh lại để di chuyển theo xu hướng cũ.
Sự giao cắt của 2 đường Tenkan-sen và Kijun-sen thường là tín hiệu giao dịch ưa thích của các trader vì đó có thể là tín hiệu sớm của việc đảo chiều xu hướng, nhưng vẫn cần được xác nhận bởi các thành phần khác của mây Ichimoku.
- Khi Tenkan-sen cắt lên phía trên Kijun-sen, đây là sẽ tín hiệu mua tương đối tốt
- Ngược lại, khi Tenkan-sen cắt xuống phía dưới Kijun-sen, các nhà giao dịch có thể cân nhắc vào lệnh bán.
Đường Chikou-span (Lagging Line): hay còn gọi là đường giá chậm. Đây là chỉ báo trễ được dùng để xác nhận xu hướng và cho phép các nhà đầu tư so sánh giá đóng cửa hiện tại với giá đóng cửa của 26 phiên trước đó do nó được vẽ lùi lại 26 phiên.
Đường trễ (màu xanh lá) cùng 2 đường chuyển đổi và cơ sở đã nói trên
- Khi Chikou-span cắt lên trên đường giá, đây là bằng chứng cho thấy đà giảm sắp chững lại và sẽ sớm hình thành xu hướng tăng mới.
- Ngược lại, khi Chikou-span cắt xuống dưới đường giá, đây là bằng chứng cho thấy đà tăng sắp chững lại và sẽ sớm hình thành xu hướng giảm mới.
Đặc biệt khi giá cùng cắt lên phía trên/dưới cả 3 đường Tenkan-sen, Kijun-sen và Chikou-span thì đây là tín hiệu Buy/Sell rất mạnh.
Đường Senkou-span A (Leading Line A): đường dẫn A là một chỉ báo sớm và là đường trung bình của Tenkan-sen và Kijun-sen, được vẽ đẩy về phía trước 26 phiên.
Đường dẫn A (màu xanh lá nhạt hơn) cùng các thành phần khác
Đường Senkou-span B (Leading Line B): đường dẫn B là một chỉ báo sớm được hình thành từ giá trị trung bình của phạm vi giá trong 52 phiên gần nhất, cũng được vẽ đẩy về phía trước 26 phiên. Cụ thể:
(Giá cao nhất + Giá thấp nhất)/2 và được tính cho 52 phiên
Đường dẫn B (màu đỏ nhạt hơn) cùng các thành phần khác
Khoảng cách giữa hai đường Senkou-span A và Senkou-span B sẽ tạo ra đám mây Kumo - bộ phận quan trọng nhất trong hệ thống mây Ichimoku. Do mây Kumo được hình thành từ 2 chỉ báo sớm nên nó sẽ chạy trước hành động giá.
Thứ nhất, mây Kumo cung cấp một cái nhìn tổng quan nhất về xu hướng giá. Nếu đường Senkou-span A nằm phía trên đường Senkou-span B, đám mây sẽ có màu xanh và được gọi là mây tăng. Ngược lại, nếu đường Senkou-span A nằm phía dưới đường Senkou-span B, đám mây sẽ có màu đỏ và được gọi là mây giảm.
- Khi mây chuyển từ xanh sang đỏ, tức là đường Senkou-span A cắt đường Senkou-span B từ trên xuống: báo hiệu khả năng giá tăng.
- Khi mây chuyển từ đỏ sang xanh, tức là đường Senkou-span A cắt đường Senkou-span B từ dưới lên: báo hiệu khả năng giá giảm.
Thứ hai, mây Kumo hoạt động như vùng hỗ trợ hoặc kháng cự quan trọng.
Nếu các cây nến di chuyển phía trên mây Kumo: xu hướng giá đang là tăng và lực tăng vẫn còn mạnh. Lúc này mây Kumo có vai trò như một vùng hỗ trợ. Giá sẽ bật lại khi chạm đến các vùng hỗ trợ này, nhưng nếu lực bán đủ mạnh khiến các cây nến xuyên thủng hỗ trợ này thì giá sẽ đảo chiều giảm, tức mây Kumo sẽ chuyển từ xanh sang đỏ.
Nếu các cây nến di chuyển phía dưới mây Kumo: xu hướng giá đang là giảm và đà giảm vẫn còn mạnh. Lúc này mây Kumo có vai trò như một kháng cự. Giá sẽ bật lại khi chạm đến các kháng cự này, nhưng nếu lực mua đủ mạnh khiến các cây nến xuyên thủng vùng này thì giá sẽ đảo chiều tăng, tức mây Kumo sẽ chuyển từ đỏ sang xanh.
Mặt khác, nếu các cây nến di chuyển bên trong mây Kumo: thị trường đang không có xu hướng và các nhà giao dịch nên chờ xem giá tiếp theo sẽ break lên phía trên hay phía dưới đám mây để phân tích thị trường.
Thứ ba, độ dày của mây Kumo cũng là một tín hiệu về mức độ giao động của giá.
Nếu mây càng dày, tức là thị trường đang giao dịch càng sôi nổi, tâm lý thị trường càng vững vàng và đây sẽ là một hỗ trợ/kháng cự quan trọng do giá khó có thể phá vỡ. Ngược lại, nếu mây càng mỏng thì thị trường giao dịch càng ảm đạm, xu hướng hiện tại không còn đủ an toàn và có thể thay đổi bất cứ khi nào.
Kết hợp các chỉ báo trong hệ thống mây Ichimoku để tiến hành vào lệnh
Khi sử dụng mây Ichimoku, các nhà đầu tư có thể kết hợp 2 hay nhiều chỉ báo trong hệ thống để tìm ra các điểm vào lệnh hợp lý.
Thứ nhất, thông qua sự giao cắt của hai đường Tenkan-sen và Kijun-sen, ta có thể cân nhắc:
- Vào lệnh Sell: Khi đường Tenkan-sen (xanh) cắt đường Kijun-sen (đỏ) từ trên xuống và điểm giao cắt nằm phía trên mây Mumo. Điểm Stop Loss sẽ đặt tại đỉnh hoặc kháng cự cứng gần nhất, với tỷ lệ Take profit nên ít nhất là 1:2.
- Vào lệnh Buy: Khi đường Tenkan-sen (xanh) cắt đường Kijun-sen (đỏ) từ dưới lên và điểm giao cắt nằm phía dưới mây Mumo. Điểm Stop Loss sẽ đặt tại đáy hoặc hỗ trợ cứng gần nhất, với tỷ lệ Take profit nên ít nhất là 1:2.
Thứ hai, thông qua hướng chuyển động của đường Chikou-span, ta có thể cân nhắc:
- Vào lệnh Sell: khi đường Chikou-span (màu xanh lá) cắt xuống dưới đường giá và sau tín hiệu giao cắt, đường Chikou-span di chuyển ra xa khỏi các cây nến. Điểm Stop Loss sẽ đặt tại đỉnh hoặc kháng cự cứng gần nhất, với tỷ lệ Take profit nên ít nhất là 1:1.
- Vào lệnh Buy: khi đường Chikou-span (màu xanh lá) cắt lên trên đường giá và và sau tín hiệu giao cắt, đường Chikou-span di chuyển ra xa khỏi các cây nến. Điểm Stop Loss sẽ đặt tại đáy hoặc hỗ trợ cứng gần nhất, với tỷ lệ Take profit nên ít nhất là 1:1.
Thứ ba, thông qua sự giao cắt của hai đường Senkou-span A và Senkou-span B trong một xu hướng mạnh, ta có thể cân nhắc:
- Vào lệnh Sell: khi xu hướng chính đang là giảm và mây Kumo chuyển từ xanh sang đỏ, tức là đường Senkou-span A cắt đường Senkou-span B từ trên xuống. Điểm Stop Loss sẽ đặt tại kháng cự cứng gần nhất
- Vào lệnh Buy: khi xu hướng chính đang là tăng và mây Kumo chuyển từ đỏ sang xanh, tức là đường Senkou-span A cắt đường Senkou-span B từ dưới lên. Điểm Stop Loss sẽ đặt tại hỗ trợ cứng gần nhất.
Thứ tư, chiến lược giao dịch Breakout với mây Kumo.
Trong trường hợp các cây nến đã di chuyển phía trên mây Kumo trong một khoảng thời gian dài (xu hướng tăng mạnh), nhưng đà tăng suy yếu so phe bán lấy lại quyền kiểm soát khiến giá break qua mây Kumo từ trên xuống, đây sẽ là thời điểm lý tưởng để vào lệnh Sell và thu được một khoản lợi nhuận lớn.
Ngược lại, nếu các cây nến đã di chuyển phía dưới mây Kumo trong một khoảng thời gian dài (xu hướng giảm mạnh), nhưng đà giảm suy yếu do phe mua lấy lại quyền kiểm soát khiến giá break qua mây Kumo từ dưới lên, đây sẽ là thời điểm lý tưởng để vào lệnh Buy và thu được một khoản lợi nhuận lớn.
dubaotiente.com