IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, cảnh báo rủi ro gia tăng
Huyền Trần
Junior Analyst
Dù các ngân hàng trung ương đã kiểm soát lạm phát mà không gây suy thoái, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều thách thức như bất ổn địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ, và áp lực nợ công.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm tới và cảnh báo về những rủi ro gia tăng từ chiến tranh và chủ nghĩa bảo hộ, dù ghi nhận các ngân hàng trung ương đã kiểm soát lạm phát mà không gây ra suy thoái.
IMF dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ là 3.2% vào năm tới, giảm 0.1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 7, trong khi dự báo tăng trưởng năm nay vẫn ở mức 3.2%. Lạm phát dự kiến giảm xuống còn 4.3% vào năm 2025, so với 5.8% trong năm 2024.
IMF đã nhiều lần cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức yếu trong trung hạn, không đủ để các quốc gia có thể giải quyết các vấn đề như giảm nghèo và chống biến đổi khí hậu.
IMF dự báo sản lượng năm 2025
“Kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều rủi ro hơn, và mức độ bất ổn ngày càng lớn,” Nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, cho biết. Ông cũng lưu ý rằng nguy cơ leo thang các cuộc xung đột khu vực có thể ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa, cùng với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và các rào cản thương mại, sẽ làm giảm hoạt động kinh tế toàn cầu.
Dù báo cáo không đề cập trực tiếp đến cuộc bầu cử ở Mỹ, nhưng sự kiện này vẫn là tâm điểm trong bối cảnh các bộ trưởng bộ tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương từ gần 200 quốc gia sẽ tham dự các cuộc họp tại trụ sở IMF và Ngân hàng Thế giới ở Washington, chỉ cách Nhà Trắng vài dãy nhà.
Một phân tích trước đó của Bloomberg chỉ ra rằng, nếu Donald Trump thực hiện lời hứa áp thuế 60% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% với các nước khác, lạm phát sẽ tăng cao hơn và tạo áp lực buộc Fed phải tiếp tục tăng lãi suất.
Tuần trước, IMF đã cảnh báo về nợ công toàn cầu, dự kiến sẽ đạt 100 nghìn tỷ USD, tương đương 93% GDP toàn cầu vào cuối năm nay, chủ yếu do Mỹ và Trung Quốc gây ra. Quỹ khuyến nghị các chính phủ đưa ra các quyết định khó khăn để kiểm soát nợ công. Tuy nhiên, khi phải đối mặt với áp lực chi tiêu cho năng lượng sạch, dân số già và an ninh quốc gia, việc cắt giảm chi tiêu vẫn là một thách thức lớn.
Dự báo tăng trưởng của khu vực đồng euro cho năm tới đã bị IMF hạ xuống còn1.2%, giảm 0.3% so với dự đoán hồi tháng 7, do sự yếu kém kéo dài trong ngành sản xuất của Đức và Ý.
Mexico cũng chịu sự điều chỉnh lớn nhất, với dự báo tăng trưởng trong năm nay và năm tới đều bị cắt giảm, do tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Tăng trưởng của Trung Quốc năm nay bị hạ xuống còn 4.8% (so với 5% trước đó) vì thị trường bất động sản yếu và niềm tin tiêu dùng thấp, trong khi dự báo năm 2025 vẫn giữ ở mức 4.5%.
Mặt khác, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ lên 2.8% trong năm nay và 2.2% vào năm sau, nhờ tiêu dùng mạnh mẽ.
Dự báo tăng trưởng của IMF
IMF cũng ca ngợi nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong việc kiểm soát lạm phát mà không gây suy thoái kinh tế, đây là một "thành tựu lớn" theo lời của chuyên gia kinh tế Pierre-Olivier Gourinchas, khi nhìn lại những bước đi cần thiết được dự đoán vài năm trước để giảm lạm phát.
Tuy nhiên, thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, từ việc chính sách tiền tệ có thể làm tăng trưởng chậm lại hơn dự kiến, đến áp lực nợ công ngày càng lớn ở các nước đang phát triển và các cú sốc về giá lương thực, năng lượng do biến đổi khí hậu, chiến tranh và căng thẳng địa chính trị.
Bloomberg