JPY - Đồng Yên Nhật Bản
Đức Nguyễn
FX Strategist
Đồng Yên Nhật (JPY) là đơn vị tiền tệ quốc gia chính thức của Nhật Bản. Biểu tượng của đồng tiền này có dạng hình chữ Y và hai dấu gạch ngang đi qua tâm: ¥. JPY là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ ba trên thị trường ngoại hối toàn cầu, chỉ sau đồng USD và đồng EUR.
JPY là gì?
JPY là đơn vị tiền tệ chính thức của Nhật Bản
JPY, tên viết tắt của đồng Yên Nhật, là đơn vị tiền tệ quốc gia chính thức của Nhật Bản. Tên quốc tế của đồng JPY là “Japanese Yen” và được Việt hóa thành đồng Yên Nhật. Biểu tượng của đồng tiền này có dạng hình chữ Y và hai dấu gạch ngang đi qua tâm: ¥.
Đồng JPY ban đầu được chính phủ thời Minh Trị giới thiệu như một biện pháp để hiện đại hóa nền kinh tế đất nước. Cho đến hiện tại, đồng JPY đã trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều thứ ba trên thị trường ngoại hối toàn cầu, chỉ sau đồng USD và đồng EUR.
Ngoài ra, đồng JPY cũng được biết đến như một đồng tiền dự trữ phổ biến, đứng sau đồng USD, EUR và GBP.
JPY có 2 loại là tiền kim loại và tiền giấy
Đồng Yên Nhật hiện được lưu thông dưới hai dạng chính là tiền kim loại (tiền xu) và tiền giấy.
Tiền kim loại được làm từ vật liệu chính là đồng hoặc thép và có thể tồn tại nhiều thập kỷ. Đồng tiền kim loại thường được sử dụng với mệnh giá thấp và thích hợp cho những hoạt động mua báo trao đổi nhỏ lẻ, gồm 1 yên, 5 yên, 10 yên, 50 yên, 100 yên và 500 yên.
Tiền giấy được sử dụng nhiều hơn tiền xu với mệnh giá cao. Tiền giấy được thiết kế kèm theo hình ảnh vĩ nhân hoặc danh lam thắng cảnh của đất nước. Tiền giấy gồm các mệnh giá chính là 1,000 yên, 2,000 yên, 5,000 yên, 10,000 yên. Trong đó tờ 2,000 yên được sử dụng ít hơn các mệnh giá khác.
Tiền xu JPY được sử dụng trong các chuyến xe tàu điện ngầm, trong các cửa hàng tạp hóa bán lẻ. Tiền giấy JPY được dùng phổ biến để trao đổi, mua bán hàng hóa lớn. Riêng tờ 2,000 yên được thiết kế đẹp mắt nên thường dùng làm quà lưu niệm cho các du khách nước ngoài.
JPY là đồng tiền trú ẩn
Giống như CHF, JPY được các nhà đầu tư và các định chế tài chính coi là đồng tiền trú ẩn an toàn. Mặc dù có giá trị tương đối nhỏ so với các đồng tiền lớn khác trên thế giới, JPY vẫn thường tăng giá trị trong những thời điểm bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.
Ví dụ trong cuộc đại suy thoái diễn ra năm 2008, đồng JPY đã đạt được mức cao nhất trong 13 năm, ở mức khoảng 90 JPY cho 1 USD. Hay trong đợt bất ổn xung quanh cuộc bầu cử ở Ý vào năm 2013, JPY đã tăng 5% chỉ trong một ngày so với đồng EUR, và 4% so với USD.
Vị thế đồng tiền trú ẩn của JPY có thể lý giải là do sự ổn định và bền vững của nền kinh tế Nhật Bản - một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, và cũng là một trong những nước có giá trị xuất khẩu lớn nhất toàn cầu. Đặc biệt là trong những cuộc khủng hoảng, Nhật Bản đã chứng minh cho thế giới thấy khả năng kiểm soát tình hình của mình.
Tiêu biểu là cuộc khủng hoảng ngân hàng cuối những năm 1990 cùng với sự sụp đổ thị trường chứng khoán, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) là người đi tiên phong trong việc đưa tung ra các chính sách tiền tệ phi truyền thống như nới lỏng định lượng, và hạ lãi suất ở mức gần bằng 0 để vực dậy nền kinh tế.
Hiện nay, JPY vẫn giữ được vai trò trú ẩn của mình trong bối cảnh bất ổn. Minh chứng là trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine gần đây, khối lượng giao dịch nhiều cặp tiền JPY tăng một cách đột biến.
JPY được điều hành bởi Bộ Tài chính
Việc can thiệp vào thị trường ngoại hối của Nhật Bản sẽ được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính và BoJ sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm thi hành can thiệp với tư cách đại diện của Bộ Tài chính.
BOJ sẽ mua JPY trên bằng USD hoặc các đồng tiền tệ dự trữ. Việc này sẽ làm giảm cung tiền của đồng JPY trên thị trường, từ đó khiến đồng JPY tăng giá.
Bằng cách đó, BOJ có thể thực hiện can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp. Can thiệp trực tiếp là khi BOJ mua đồng JPY trên thị trường hoặc thông qua cuộc giao dịch swap với các ngân hàng thương mại. Can thiệp gián tiếp là khi BOJ mua các tài sản tài, chẳng hạn như trái phiếu Chính phủ Nhật Bản.
BOJ thường sẽ công bố kế hoạch can thiệp trước khi thực hiện. Điều này nhằm mục đích gửi tín hiệu cho thị trường về ý định của BOJ trong việc ngăn chặn đà mất giá của đồng JPY.
Lịch sử hình thành và phát triển của JPY
Năm 1871, đồng Yên Nhật chính thức ra đời
Trước thời kỳ Minh Trị Duy Tân, tất cả các lãnh thổ phong kiến ở Nhật Bản đều phát hành đồng tiền riêng cho họ với các bộ mệnh giá không nhất quán. Tuy nhiên, chúng đã bị loại bỏ dần bởi Đạo luật tiền tệ mới và sau đó đồng Yên Nhật chính thức được thông qua vào năm 1871, thay thế cho tiền tệ của thời đại Tokugawa trước đó.
Ý tưởng về đồng Yên Nhật là một phần của chính sách hiện đại hóa nền kinh tế Nhật Bản được hình thành bởi Chính phủ Minh Trị, để Yên Nhật được thiết kế dựa trên Hệ thống tiền tệ thập phân Châu Âu.
Bên cạnh đó, từ “Yên” vốn mang nghĩa là “hình tròn” hoặc “vật thể tròn”, chính vì vậy, sự ra đời của đồng Yên Nhật được gắn với hy vọng ổn định tiền tệ của đất nước vào thời điểm lúc bấy giờ.
Từ năm 1949 - năm 1973, đồng Yên Nhật được neo giá với USD
Kể từ Thế chiến thứ hai, giá trị đồng Yên Nhật đã bị giảm rất nhiều so với trước chiến tranh. Để cân bằng nền kinh tế Nhật Bản, tỷ giá hối đoái đồng Yên Nhật đã được thiết lập ở mức 360 JPY/USD như một phần của thỏa thuận Bretton Woods. Tỷ giá hối đoái này được duy trì cho đến năm 1971, khi Hệ thống Bretton Woods sụp đổ.
Sau khi Hoa Kỳ từ bỏ chế độ bản vị vàng vào mùa hè năm 1971, chính phủ Nhật Bản đã đồng ý với tỷ giá hối đoái cố định mới như một phần của Thỏa thuận Smithsonian, được ký vào cuối năm. Thỏa thuận này đặt tỷ giá hối đoái ở mức 308 JPY/USD.
Từ năm 1973 - nay, đồng Yên Nhật được thả nổi
Tỷ giá cố định mới của Thỏa thuận Smithsonian rất khó duy trì khi đối mặt với áp lực cung và cầu trên thị trường ngoại hối. Đầu năm 1973, tỷ giá cố định đã bị loại bỏ, đồng Yên bị mất giá và trở thành đồng tiền thả nổi sau đó.
Đến năm 1985, đồng Yên Nhật có một sự thay đổi mạnh mẽ, khi các quan chức tài chính từ các quốc gia lớn đã ký một thỏa thuận - Hiệp định Plaza, khẳng định rằng đồng USD đã được định giá quá cao. Thỏa thuận này và thay đổi áp lực cung - cầu trên thị trường, dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng giá trị của đồng Yên Nhật.
Từ mức trung bình 239 JPY/USD năm 1985, đồng JPY đã tăng lên mức cao nhất là 128 JPY/USD vào năm 1988, gần như tăng gấp đôi giá trị so với đồng USD. Sau khi giảm đi phần nào vào năm 1989 và 1990, đồng JPY đạt mức cao nhất dưới 80 JPY/USD vào tháng 4 năm 1995, tạm thời khiến nền kinh tế Nhật Bản ngang bằng quy mô của Mỹ.
Đến giai đoạn khủng hoảng năm 2008, đồng Yên Nhật bị mất vị thế. Mặc dù Nhật Bản đã tung ra chính sách lãi suất 0, sau đó là lãi suất âp, nhưng cũng không thể khuyến khích đầu tư bằng đồng nội tệ, do đó tiếp tục đẩy đồng tiền nước này giảm xuống. Vào tháng 2 năm 2007, JPY mất giá hơn 15% so với USD và 40% so với đồng EUR.
Tuy nhiên, xu hướng này đã đảo ngược sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Các loại tiền tệ chính khác, ngoại trừ đồng Franc Thụy Sĩ, đã giảm so với đồng Yên Nhật. Và cho đến hiện nay, đồng Yên Nhật vẫn giữ được vị thế là một đồng tiền mạnh trong thị trường ngoại hối toàn cầu.
Hiện tại, việc BoJ duy trì chính sách lãi suất âm và kiểm soát lợi suất trong nước, trong khi lãi suất đã tăng đáng kể ở các khu vực khác, đang khiến đồng Yên mất giá trầm trọng so với các đồng tiền chính. Đáng chú ý nhất, USDJPY từng có thời điểm chạm mức 152 vào cuối năm 2022, buộc Bộ Tài chính phải can thiệp.
dubaotiente.com