Khi cơn sốt vàng bùng lên, nhu cầu dành cho vàng thỏi 100 Oz tăng cao đột biến!
Đạt Nguyễn
Currency Analyst
Cùng nhìn lại diễn biến giá vàng sau khi tiếp tục trải qua thêm một tuần biến động đầy khủng khiếp.
Hiếm có chương đoạn nào của Thị trường tài chính trở nên đảo lộn một cách ngoạn mục, hoặc có thể nói là lạ kỳ trong đại dịch Covid-19 giống như các giao dịch vàng hiện nay.
Giá vàng có vẻ đang mất dần uy tín để trở thành một tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ dịch bệnh này do mức biến động quá lớn, giá tăng nóng trong chốc lát rồi nhanh chóng sụp đổ sau đó. Thêm vào đó, với việc các chuỗi cung ứng dành cho vàng vật chất bị gián đoạn - điều mà cực hiếm khi xảy ra đã thổi bùng lên cơn sốt săn lùng vàng thỏi vật chất.
Tâm điểm giữa cơn bão này là các nhóm nhỏ những nhà giao dịch trong nhiều năm đã thực hiện một thứ giao dịch mà họ luôn chắc chắn: bán khống Hợp đồng tương lai vàng ở New York và mua vào vàng vật chất ở London. Thông thường, các giao dịch sẽ được giữ cho đến khi kết thúc hợp đồng, và khi đó các nhà giao dịch đó có một vài lựa chọn để đóng trạng thái mà ít có rủi ro thua lỗ.
Nhưng virus Corona và tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu của nó đã làm biến dạng khủng khiếp giá vàng và trực tiếp đe dọa đến quyền lợi của các nhà giao dịch kể trên. Cụ thể, họ bất ngờ phải đối mặt với nguy cơ phải giao vàng miếng vật chất cho những người mua hợp đồng khi đáo hạn.
Hiện tại, tình hình đang cực kỳ xấu đối với những người bán khống. Để có lời từ các hợp đồng đáo hạn, họ phải chuyển vàng vật chất đến từ nhiều địa điểm khác nhau. Tuy nhiên, với việc virus Corona khiến cho các hoạt động hàng không trên toàn cầu buộc phải dừng lại, việc tìm được một chuyến bay để vận chuyển vàng là điều gần như không thể.
Trong trường hợp họ vẫn tìm được một chuyến bay chở hàng hóa, thì lại phát sinh thêm vấn đề khác. Hợp đồng tương lai tại New York quy định về các thỏi vàng khuôn 100 ounce. Số vàng vận chuyển gấp từ nước ngoài đại đa số luôn có khuôn kích thước khác so với quy định. Hậu quả là những người bán khống phải trả thêm tiền cho bên tinh luyện kim loại để đúc lại số vàng được vận chuyển trên thành các khuôn mẫu được hợp lệ trên quy định hợp đồng. Nhưng đen đủi thay, Covid-19 lại tác động lần nữa: Một số nhà máy tinh luyện, gồm có ba công ty lớn nhất thế giới tại Thụy Sĩ, đã ngừng hoạt động.
Dấu hiệu căng thẳng về thanh khoản vàng vật chất được đẩy lên vào phiên giao dịch thứ Sáu ngày 20/3, khi chi phí để hoán đổi Hợp đồng tương lai tại New York và vàng vật chất tại London- thị trường lớn nhất thế giới - đã tăng lên khoảng 2 đô la. Thông thường, khoản chênh lệch này không đáng là bao. Sau khi kết thúc phiên tiếp theo vào thứ Hai, phí chênh lệch đó đã tăng vọt lên $6.75.
Bước vào phiên Á ngày thứ Ba sau đó, không có nhiều người bán vàng, rồi đột nhiên mọi người đổ xô đi mua vàng bằng mọi giá. Đến phiên London, phần lớn thị trường đóng băng và rơi vào tình trạng ‘trắng bên bán’.
Ông Tai Tai Wong, Giám đốc phòng giao dịch phái sinh kim loại tại BMO Capital Market ở New York, cho biết hôm thứ ba rằng “tôi đã lường trước hôm nay sẽ là một ngày cực kỳ biến động đối với giá vàng. Chúng tôi đã chứng kiến sự hoảng loạn này gia tăng theo đúng nghĩa đen trong suốt 12 giờ. Nhìn thấy thị trường mất cân bằng trầm trọng, bạn sẽ nhận ra rằng cơn cuồng loạn này sẽ không thể kéo dài mãi được, nhưng đồng thời bạn cũng không biết khi nào nó sẽ kết thúc".
Vào thời điểm cơn sốt cuối cùng đã lắng xuống vào tối thứ ba, đó là khi các nhà đầu tư tổ chức và các trader kinh nghiệm hàng chục năm đã quay cuồng. Đỉnh điểm của ‘cơn bão’, tổng thiệt hại ước tính lên tới 1 tỷ USD, theo những người tham gia thị trường lúc đó. Mặc dù số người tham gia trực tiếp vào giao dịch chiếm chưa đến 4% tổng số hợp đồng mở (Open Interest) - hay nói cách khác, số lượng hợp đồng chưa thanh toán.
Theo một vài chuyên gia trong ngành, nhu cầu dành cho vàng vật chất còn tăng cao đến mức các nhà giao dịch phải gọi điện cho từng người nắm giữ vàng vật chất để níu kéo chút hy vọng là họ có loại vàng được chấp nhận giao dịch theo hợp đồng. Một số nhà đầu tư còn trả lượng phí lớn khổng lồ để các nhà máy tinh luyện hoạt động trở lại nhằm đúc các thỏi vàng mới.
Sự chênh lệch giữa Hợp đồng tương lai tháng 4 và tháng 6 vào thứ ba (24/3) đã tăng lên $20/oz, có nghĩa là chi phí mua kim loại trong tháng 4 sẽ cao hơn từng đó so với hai tháng sau đó. Điều đó cảnh báo rằng nhu cầu mua vàng vật chất trong ngắn hạn đang nhiều hơn và cần sớm có nguồn cung vật lý trong tay.
Tuy nhiên đến cuối tuần, tình hình đã đảo lộn. Hợp đồng tháng 6 có giá cao hơn gần $30 so với hợp đồng tháng 4, cho thấy lượng cầu đối với vàng vật chất đã giảm xuống bớt ở thời điểm hiện tại.