Kịch tính hệt như phim trinh thám! "Sherlock Holmes" thị trường vào cuộc truy tìm manh mối về hoạt động can thiệp của Nhật Bản
Thành Duy
Junior editor
Dữ liệu mới nhất về các tài khoản của Fed hé lộ hai manh mối tiềm tàng về cách thức mà các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản có thể đã sử dụng để hỗ trợ đồng Yên đang suy yếu trong tuần qua bằng các hoạt động can thiệp ngoại hối.
Manh mối thứ nhất: Chương trình RRP ngoại hối. Theo số liệu của Fed, số dư RRP ngoại hối tính đến ngày 01/05 đã giảm khoảng 8 tỷ USD so với một tuần trước đó, xuống còn 360 tỷ USD. Đây là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 4. Đồng thời, một tài khoản tiền mặt riêng biệt dành cho các NHTW cũng giảm mạnh khoảng 17.8 tỷ USD.
Manh mối thứ hai: Biến động tỷ giá đồng Yên. Trong tuần qua, thị trường ghi nhận hai sự kiện mà các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản có khả năng đã vào cuộc để hỗ trợ đồng Yên - đồng tiền yếu nhất G10.
- Thứ Hai: Trong ngày nghỉ lễ tại Nhật Bản, tỷ giá USD/JPY đã tăng lên mức cao nhất 34 năm là 160.17 trước khi giảm mạnh trở lại ngay trong phiên giao dịch với thanh khoản teo tóp này.
- Thứ Tư: Sau khi kết thúc cuộc họp chính sách hai ngày của Fed, tỷ giá USD/JPY bất ngờ sụt mạnh hơn 3% vào cuối phiên Mỹ.
Mặc dù Bộ Tài chính Nhật Bản không chính thức xác nhận các hoạt động can thiệp, nhưng phân tích của Bloomberg về tài khoản của BoJ cho thấy khả năng cao điều này đã xảy ra. Phân tích ước tính các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản có thể đã chi khoảng 9 nghìn tỷ Yên (tương đương gần 60 tỷ USD) trong tuần qua để hỗ trợ đồng nội tệ, tương đương với mức độ can thiệp hồi năm 2022.
"Họ đã che giấu hoạt động can thiệp rất tinh vi," Gennadiy Goldberg, Trưởng bộ phận Chiến lược lãi suất Mỹ tại TD Securities nhận định. "Họ chắc chắn đã chuẩn bị từ trước bằng cách không gia hạn một số RRP ngoại hối và trữ lượng tiền mặt dồi dào."
Chú thích của người dịch: Chương trình RRP ngoại hối (hay còn gọi là Hợp đồng Repo nghịch đảo nhưng ở đây là dành cho các NHTW nên xuất hiện thêm từ "ngoại hối") là một chương trình của Fed cho phép các NHTW gửi tiền qua đêm để hưởng lãi suất thị trường. Nói cách khác, bạn gửi tiền cho Fed vào ban đêm và nhận lại tiền vào sáng hôm sau kèm theo lãi suất. Lãi suất này được xác định bởi thị trường và thường dao động theo nhu cầu vay mượn tiền của các ngân hàng. Tóm lại, cách thức ở đây đều có thể quy cụm về bán USD và mua Yên, qua đó đẩy giá trị đồng Yên lên. Nhật Bản họ rút USD ra là để có thêm nguồn tài trợ cho hoạt động này và họ ngầm thực hiện qua các kênh này để che giấu hành động can thiệp, tránh tác động mạnh đến thị trường nếu suy đoán của ngài "Sherlock Holmes" là chính xác.
Dự trữ ngoại hối và động thái tiếp theo
- Dự trữ ngoại hối của Nhật Bản đạt 1.15 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3, tăng 4.6 tỷ USD so với tháng trước.
- Khoảng 155 tỷ USD được gửi tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và các NHTW nước ngoài khác.
Những điểm lưu ý khác
- Trước khi can thiệp vào tháng 10/2022, các NHTW đã liên tục tăng lượng tiền gửi thông qua RRP ngoại hối lên mức kỷ lục 333 tỷ USD vào thời điểm đó. Số dư sau đó giảm mạnh nhất trong 5 tháng sau đó.
- Tuy nhiên, các quan chức Nhật Bản đã không sử dụng RRP ngoại hối của Fed trong đợt can thiệp tiền tệ trước đó vào năm 2022 và phần lớn số tiền này không được đụng đến trong một thập kỷ. Các nhà phân tích chiến lược của Citigroup dự đoán Nhật Bản có thể bán TPCP Mỹ kỳ hạn ngắn hoặc các trái phiếu coupon khác nếu họ tiếp tục có ý định can thiệp.
Tỷ giá USD/JPY
Bloomberg