Lãi suất - Vaccine "cứu" nền kinh tế?
Nguyễn Phan Bảo Giang
FX G7 Director
Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân
FED vừa hạ 50 điểm lãi suất. Điều bất ngờ không phải là mức độ, mà là thời gian hành động. Không ai nghĩ FED nhanh tay như vậy, càng không nghĩ rằng Powell lại có bước đi khó đoán đến thế. Trong những năm làm Thống đốc, tôi thấy ông này thường có "định hướng chính sách" (forward guidance) rất cụ thể, luôn có tín hiệu để dẫn dắt thị trường trước khi hành động thực sự. Lần này thì khác.
"Act as appropriate" - Hành động thích hợp - là cụm từ được mọi người nhắc đi nhắc lại rất nhiều, bởi nó phản ánh một Powell rất khác. Cách ông trấn an thị trường lần này cũng tạo một tiền lệ chưa từng có. Có phải chăng TTCK Mỹ đã "đánh hơi" được điều này nên phiên đầu tháng tăng kỷ lục gần 5%? Tôi không rõ, nhưng mức tăng này rất đáng để đặt câu hỏi là dựa trên điều gì mà phi mã đến thế.
Quay lại câu chuyện về "cuộc chiến" chống virus Corona mà các NHTW đang đương đầu. Theo tôi, đây là điều bất cân xứng về nhiều mặt. Như Dubaotiente.com đã có bài viết phân tích (xem thêm tại đây), giảm lãi suất không thúc đẩy nhu cầu chi tiêu hơn, cũng chẳng hỗ trợ doanh nghiệp giải ngân để sản xuất. Nguyên liệu không có, nhân lực không có, thì chính sách tiền tệ hỗ trợ điều gì?
Chúng ta đang chứng kiến chỉ số PMI thấp kỷ lục trên toàn cầu, đối mặt với khủng hoảng nguồn cung khi cả thế giới đều phụ thuộc không ít thì nhiều vào Trung Quốc. Việc các NHTW lớn nhóm G7 bắt tay nhau đồng loạt giảm lãi suất chỉ hỗ trợ cung tiền ra thị trường nhưng không giải quyết được vấn đề sâu bên trong nó. Mặt khác, nguồn tiền dư thừa với lãi suất rẻ sẽ chạy vào đâu? Điển hình cơ bản thôi, ở Việt Nam những năm lãi suất cho vay rẻ, thị trường nào hưởng lợi?
Liệu lãi suất thấp tại Mỹ thúc đẩy chi tiêu và đầu tư, hay lại tạo ra bong bóng tài sản khi chi phí vay mua nhà giảm?
Chính sách tiền tệ mấy năm nay xoay quanh nới lỏng nhưng vẫn chưa đủ để vực dậy tăng trưởng, thì có thêm gói kích thích hơn nữa liệu đã đủ? Tôi nghĩ cần có sự kết hợp chính sách tài khóa phù hợp (Gov spending and Tax cut - Chi tiêu công và Giảm thuế), nhưng đó là điều khó tìm được sự phối hợp thống nhất giữa các nước.
Suy cho cùng, chính sách tiền tệ dường như là cứu cánh cho tất cả. Nhưng liệu đây có phải "vaccine" trị đúng bệnh hay chỉ là liều giảm đau thì còn phụ thuộc vào nhiều thứ lắm!