Lạm phát là gì?

Lạm phát là gì?

Đức Nguyễn

Đức Nguyễn

FX Strategist

14:38 25/10/2023

Lạm phát (inflation) là hiện tượng mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế tăng lên theo thời gian. Khi giá hàng hóa tăng, với cùng một lượng tiền tệ, ta mua được ít hàng hóa hơn so với trước, do đó, lạm phát cũng phản ánh sự mất giá của đồng tiền. 

Lạm phát là gì?

Lạm phát (inflation) là hiện tượng mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế tăng lên theo thời gian. Khi giá hàng hóa tăng, với cùng một lượng tiền tệ, ta mua được ít hàng hóa hơn so với trước, do đó, lạm phát cũng phản ánh sự mất giá của đồng tiền. 

Một ví dụ đơn giản về lạm phát ta vẫn thường thấy là giá một bát phở. Vào năm 2004, chỉ cần 10,000 VNĐ ta đã có thể mua một bát phở. Tuy nhiên, đến năm 2023, con số này đã tăng lên không dưới 50,000 VNĐ.

Lạm phát được tính bằng tỷ lệ lạm phát

Tỷ lệ lạm phát là thay đổi theo phần trăm của mặt bằng giá trong nền kinh tế. Tỷ lệ lạm phát sẽ được tính dựa vào thay đổi trong các rổ chỉ số giá cả (CPI, PPI) hoặc chỉ số giảm phát GDP.

Hiểu đơn giản, tỷ lệ lạm phát phản ánh sức mua của đồng tiền đã giảm bao nhiêu phần trăm so với một thời điểm trong quá khứ. 

Tỷ lệ lạm phát có thể được tính theo tháng (MoM), quý (QoQ) hoặc năm (YoY). Số liệu tính theo tháng và quý phản ánh giá cả đã tăng bao nhiêu so với tháng hoặc quý ngay trước đó, số liệu tính theo năm phản ánh giá cả đã tăng bao nhiêu so với cùng kỳ năm trước.

Ví dụ, trong tháng 6/2023, tỷ lệ lạm phát CPI đạt 0.5% MoM và 5% YoY, tức là, so với tháng 5/2023, CPI tháng 6 đã tăng 0.5%, còn so với tháng 6/2022, CPI đã tăng 5%. Do vậy, có thể nói lạm phát vừa là 0.5%, cũng vừa là 5%.


Tỷ lệ lạm phát YoY của Việt Nam

Nguyên nhân gây ra lạm phát

Lạm phát có thể đến từ phía nhu cầu (lạm phát cầu kéo)


Đồ thị biểu thị đơn giản lạm phát cầu kéo

Lạm phát cầu kéo xảy ra khi tổng cầu hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế vượt nguồn cung. Điều này gây ra hiện tượng có quá nhiều tiền để tiêu nhưng lại có quá ít hàng hóa.

Lạm phát cầu kéo xảy ra khi:

  • Chi tiêu và đầu tư doanh nghiệp tăng 
  • Xuất khẩu tăng do mất giá đồng tiền
  • Chi tiêu chính phủ tăng 
  • Cung tiền tăng
  • Dân số tăng, dẫn tới việc có nhiều người theo đuổi cùng một lượng hàng hóa

Giai đoạn lạm phát 2021-2023 tại các nước phát triển được gây ra bởi lạm phát cầu kéo, với lượng tiền khổng lồ được các ngân hàng trung ương bơm ra cho nền kinh tế, tuy nhiên lượng hàng hóa sản xuất không thể theo kịp với tăng trưởng cung tiền. Gián đoạn chuỗi cung ứng sau đó còn nghiêm trọng hóa hơn vấn đề lạm phát. 

Lạm phát cũng có thể đến từ phía nguồn cung (lạm phát chi phí đẩy)


Đồ thị biểu thị đơn giản lạm phát chi phí đẩy

Lạm phát chi phí đẩy xảy ra khi giá hàng hóa thiết yếu tăng cao nhưng không thể tìm được hàng hóa thay thế. Trước áp lực giá đầu vào, các doanh nghiệp buộc phải tăng giá thành phẩm đầu ra.

Ví dụ rõ nhất của lạm phát chi phí đẩy là giai đoạn giá xăng tăng cao tại Việt Nam. Sau khi Nga tấn công Ukraine, giá dầu tăng mạnh do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn, khiến giá thành phẩm tăng khi các nhà máy lọc dầu chịu áp lực chi phí đầu vào. Có thời điểm giá xăng tại Việt Nam đã vượt mức 33,000 VNĐ/lít, trước khi tình hình ổn định lại.

Lạm phát được đo lường thế nào?

Lạm phát thường được đo lường bằng các chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và sản xuất (PPI). Đây là chỉ số phản ánh rõ ràng nhất áp lực lạm phát lên người tiêu dùng và doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng có một số chỉ số lạm phát khác như giảm phát GDP, PCE, HICP. Lạm phát cũng được chia ra thành lạm phát toàn phần và lạm phát lõi.

Chỉ số CPI là thước đo giá tiêu dùng

Chỉ số CPI đo lường thay đổi giá cả người tiêu dùng phải trả cho một rổ hàng hóa đại diện cho toàn bộ hàng tiêu dùng, từ thực phẩm, năng lượng, đến đồ gia dụng, chi phí nhà ở,... Do vậy, thay đổi trong CPI chỉ mang tính tương đối.

Phần trăm thay đổi trong CPI sẽ là lạm phát CPI. Công thức tính lạm phát CPI như sau:

Lạm phát CPI = CPI mới - CPI trước đó CPI trước đó * 100%

Số liệu CPI trước đó được sử dụng có thể là của tháng trước (MoM), quý trước (QoQ), hoặc cùng kỳ năm trước (YoY).

Giả sử, chỉ số CPI của tháng 6/2023 là 110 điểm, còn chỉ số CPI của tháng 5/2023 là 100 điểm, lạm phát CPI MoM của tháng 6 sẽ được tính như sau:

Lạm phát CPI MoM tháng 6 = (110 - 100) / 100 * 100% = 10%

Nếu CPI của tháng 6/2022 là 95 điểm, lạm phát YoY sẽ được tính như sau:

Lạm phát CPI YoY tháng 6 = 110 - 95 95 * 100%  15.79%

Đa phần các quốc gia sử dụng CPI làm mục tiêu lạm phát, vì đây là biểu hiện rõ nhất về áp lực lạm phát người dân phải gánh chịu. 

Tại Mỹ, trong giai đoạn lạm phát cao 2021-2023, CPI là một trong những báo cáo gây biến động mạnh nhất, ngang ngửa với bảng lương phi nông nghiệp, do đây là báo cáo chi phối kỳ vọng và quyết định chính sách tiền tệ. Trước giai đoạn đó, các báo cáo về lạm phát hầu như không gây biến động, vì lạm phát tại Mỹ hiếm khi vượt 2%.

Chỉ số PPI là thước đo giá sản xuất

PPI gần giống với CPI, nhưng thay vì theo dõi giá tiêu dùng, chỉ số theo dõi giá các nhà sản xuất phải trả. PPI có thể là chỉ báo sớm cho CPI, vì nếu lạm phát sản xuất tăng cao, nhà sản xuất có thể chuyển phần giá tăng đó sang cho người tiêu dùng.

Công thức tính PPI cũng tương tự CPI.

Lạm phát PPI = PPI mới - PPI trước đó PPI trước đó * 100%

Chỉ số PCE là thước đo lạm phát mục tiêu của Fed

Chỉ số chi phí tiêu dùng cá nhân (Personal Consumption Expenditures) là chỉ số thống kê giá cả cho tất cả các khoản chi tiêu tiêu dùng cá nhân. Hiểu đơn giản, chỉ số PCE theo dõi các hàng hóa và dịch vụ hướng tới cho cá nhân sử dụng, và được cá nhân sử dụng. Fed sử dụng chỉ số PCE làm mục tiêu lạm phát (2%), thay vì chỉ số CPI.

PCE khác với CPI ở một số điểm, cụ thể:

  • Công thức và trọng số tính khác nhau
  • Tầm bao quát khác nhau: PCE theo dõi chi tiêu bởi và thay mặt cho người tiêu dùng cá nhân, bao gồm cả hộ gia đình và các định chế phi lợi nhuận phục vụ các hộ gia đình. CPI theo dõi giá người gia đình tự trả bằng tiền của mình
  • Một số khác biệt về tính thời vụ, mức giá,...

Chỉ số HICP là thước đo lạm phát mục tiêu của ECB

Chỉ số giá tiêu dùng đã cân đối (Harmonised Index of Consumer Prices) là chỉ số CPI được thống kê dựa trên phương pháp được cân đối trên khắp các quốc gia EU. 

Mỗi quốc gia sẽ thống kê riêng một chỉ số HICP được công bố song song với CPI. HICP của toàn thể Eurozone là con số bình quân gia quyền của các chỉ số HICP mỗi quốc gia sử dụng đồng Euro. Mục tiêu lạm phát và bình ổn giá của ECB là giữ cho lạm phát HICP dưới 2% YoY trong trung hạn.

Trong các thước đo lạm phát, sẽ có một chỉ số lạm phát lõi

Lạm phát lõi (core inflation) là thước đo giá cả bỏ qua biến động của các sản phẩm biến động mạnh như thực phẩm và năng lượng. Với lý do này, số liệu lạm phát lõi phản ánh rõ nét hơn về tình hình lạm phát thực trong nền kinh tế.

Tất cả các báo cáo lạm phát sẽ đi kèm với một số liệu lạm phát lõi cùng số liệu lạm phát toàn phần (headline inflation - gọi như vậy vì đây là số liệu các tờ báo ghi ở tiêu đề).

Ảnh hưởng của lạm phát

Nhìn chung, lạm phát có những tác động tích cực nhất định tới nền kinh tế, như kích thích tiêu dùng, đầu tư, hạn chế nắm giữ tiền mặt, giúp cho kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, khi lạm phát tăng quá cao, nhiều vấn đề sẽ nảy sinh.

Lạm phát có những ảnh hưởng tốt lên nền kinh tế

Lạm phát ở mức vừa phải sẽ kích thích tiêu dùng và đầu tư, qua đó hỗ trợ mở rộng nền kinh tế. 

Ở cách hiểu đơn giản nhất, lạm phát khiến đồng tiền mất giá, do đó người tiêu dùng sẽ muốn tiêu tiền hơn thay vì giữ lại tiền, vì họ tin rằng giá cả sẽ tăng, kích thích nhu cầu, và sản xuất.

Ngược lại, trong môi trường giảm phát (lạm phát dưới 0), người tiêu dùng sẽ tin rằng giá còn giảm nữa, do đó giữ tiền, không đầu tư/tiêu dùng. Nhu cầu thấp dẫn đến sản xuất thấp, và nền kinh tế đi xuống.

Ngoài ra, lạm phát cũng khiến việc vay nợ dễ dàng gơn, do giá trị nợ trong tương lai thấp hơn tại thời điểm vay. Điều này cũng kích thích hoạt động cho vay, và cũng góp phần vào chi tiêu.

Nhưng lạm phát cao không bao giờ là điều tốt

Ngoài việc khiến đồng tiền mất giá quá nhanh, lạm phát cao còn gây ra sự không chắc chắn, dẫn đến đầu tư ít hơn. Các quốc gia có lạm phát cao dai dẳng thường có tỷ lệ đầu tư và tăng trưởng kinh tế thấp hơn.

Lạm phát cao hơn dẫn đến khả năng cạnh tranh quốc tế thấp hơn, siết chặt xuất khẩu và làm suy giảm cán cân vãng lai.

Lạm phát có thể làm giảm giá trị thực của tiền tiết kiệm, điều này đặc biệt ảnh hưởng đến những người già sống bằng tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, vấn đề phụ thuộc vào việc liệu lãi suất có cao hơn lạm phát hay không. Ví dụ, nếu lãi suất tiền gửi là 7% còn lạm phát là 5%, ta vẫn được hưởng 2% lợi suất thực.

Siêu lạm phát có thể phá hủy một nền kinh tế. Nếu lạm phát vượt quá tầm kiểm soát, một vòng xoáy tử thần sẽ xảy ra, khi lạm phát tăng cao, kỳ vọng lạm phát cùng tăng theo, từ đó đẩy giá cả lên cao hơn nữa.

Cuối cùng, chi phí để kiềm chế lạm phát có thể rất cao. Ngân hàng trung ương, có thể cả chính phủ, phải áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, hạn chế cung tiền, qua đó dẫn đến nhu cầu thấp hơn. Nếu làm quá tay, suy thoái là điều khó tránh khỏi.

dubaotiente.com

Broker listing

Thư mục bài viết