Lạm phát Tokyo tăng trong tháng 5, củng cố kịch bản BoJ tăng lãi suất
Trần Phương Thảo
Junior Analyst
Lạm phát Tokyo tăng nhanh trong tháng 5, khiến BoJ có thể cân nhắc việc tăng lãi suất trong những tháng tới ngay cả khi nền kinh tế tiếp tục có dấu hiệu suy yếu
Dữ liệu của Bộ Nội vụ cho thấy CPI không bao gồm thực phẩm tươi sống đã tăng 1.9% trong tháng 5. Kết quả này phù hợp với ước tính của các nhà kinh tế, phần lớn là do chi phí liên quan đến năng lượng tái tạo.
Lạm phát tại Tokyo tăng trở lại trong tháng 5
Lạm phát ở Tokyo thường đóng vai trò là chỉ báo sớm cho lạm phát Nhật Bản. Do đó, khả năng tương tự có thể xảy ra khi số liệu trên toàn quốc được công bố vào tháng tới. Lạm phát Tokyo hiện thấp hơn lạm phát toàn Nhật Bản chủ yếu là do các biện pháp hỗ trợ giáo dục do chính quyền thành phố đưa ra.
Mari Iwashita, nhà kinh tế trưởng tại Daiwa Securities, cho biết: “Khi việc cắt giảm thuế bắt đầu vào tháng 6 và các khoản trợ cấp của chính phủ kết thúc, chúng ta cần xem điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá cả và tiêu dùng. Dù JPY suy yếu, tôi vẫn kỳ vọng BoJ sẽ thực hiện động thái tăng lãi suất vào tháng 10 và tôi tin rằng không việc gì phải vội vàng.”
Các số liệu được công bố hôm thứ Sáu cho thấy sản lượng công nghiệp yếu hơn dự kiến trong tháng 4. Trên thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp giữ ổn định ở mức 2.6% trong khi tỷ lệ việc làm còn trống trên số người tìm việc giảm. Thị trường lao động vẫn tương đối chặt chẽ, điều này có thể dẫn tới mức lương và giá cả cao hơn trong tương lai.
Dữ liệu được công bố trong bối cảnh thị trường đang quan tâm đến thời điểm có thể xảy ra động thái tiếp theo của BoJ sau khi chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 3. Bằng chứng bổ sung về lạm phát có thể thuyết phục ngân hàng rằng vòng xoáy tăng trưởng tiền lương - giá cả đã xuất hiện, khuyến khích các nhà hoạch định chính sách xem xét tăng lãi suất lần thứ hai trong năm nay.
Thống đốc BoJ Kazuo Ueda hôm thứ Hai chỉ ra rằng có khả năng tăng dần lãi suất. Hội đồng Thống đốc ngân hàng sẽ đưa ra quyết định chính sách tiếp theo vào ngày 14 tháng 6.
Nhà kinh tế Taro Kimura cho biết: “Dữ liệu của Tokyo cho thấy CPI lõi toàn quốc sẽ tăng gần 3% trong tháng 5. Điều đó sẽ củng cố quyết tâm bình thường hóa chính sách của BoJ.”
CPI loại bỏ giá thực phẩm tươi sống và năng lượng giảm 1.7%, giảm mạnh hơn so với ước tính 1.8%. Giá dịch vụ tăng 0.7%, so với 0.8% của tháng trước do trợ cấp giáo dục ở thủ đô.
Các dữ liệu khác được công bố hôm thứ Sáu đưa ra những tín hiệu trái chiều cho nền kinh tế. Bộ kinh tế cho biết doanh số bán lẻ đã tăng 1.2% so với cùng kỳ tháng trước, cao hơn so với mức dự báo 0.6%. Mặt khác, sản lượng của nhà máy giảm 0.1% so với tháng 3, thấp hơn mức tăng trưởng ước tính 1.5%.
Các số liệu sản xuất yếu phù hợp với bức tranh về tình trạng chắp vá đang diễn ra trong hoạt động của nền kinh tế. Trong báo cáo đánh giá hàng tháng hôm thứ Hai, chính phủ vẫn giữ quan điểm rằng nền kinh tế đang phục hồi với tốc độ vừa phải, mặc dù vẫn còn một số điểm yếu.
Đồng thời, số liệu lạm phát của Nhật Bản ngày càng khó giải mã. Việc loại bỏ dần một số trợ cấp năng lượng và tăng thuế năng lượng tái tạo đối với giá điện là một trong những yếu tố chính sách sẽ tiếp tục che giấu sức mạnh thực sự của lạm phát.
Chính phủ đang loại bỏ dần các biện pháp trợ cấp hóa đơn điện và gas tiêu dùng lên tới 20%. Các nhà kinh tế nhận thấy việc chấm dứt trợ cấp sẽ đẩy lạm phát lên tới 3% trong mùa hè.
Chính phủ cũng đã tăng phụ phí năng lượng tái tạo khoảng 2.5 lần lên 3.49 JPY/kWh bắt đầu từ tháng 5. Đó là nguyên nhân chính khiến giá điện tăng 13% so với một năm trước.
Một rủi ro khác là JPY tiếp tục suy yếu. USDJPY đã chạm mức 160.00 lần đầu tiên sau 34 năm vào tháng trước, làm dấy lên lo ngại đà lao dốc của đồng tiền sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu. Trước 17:00 hôm nay, Nhật Bản sẽ công bố dữ liệu can thiệp ngoại hối.
Sau cuộc gặp hồi đầu tháng này với Thủ tướng Fumio Kishida, Thống đốc BoJ đã nhấn mạnh việc sẵn sàng hành động nếu đà lao dốc ảnh hưởng đến lạm phát.
Áp lực tăng giá có thể vẫn còn trong thời gian tới, do các doanh nghiệp sẽ sớm bắt đầu kết chuyển chi phí lao động sang cho khách hàng thông qua việc tăng giá.
Một số công nhân Nhật Bản đã giành được mức tăng lương hơn 5% trong các cuộc đàm phán năm nay giữa các công ty và công đoàn. Đó sẽ là mức tăng lớn nhất trong khoảng 30 năm.
Yoshiki Shinke, nhà kinh tế điều hành cấp cao tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life cho biết: “Nhìn chung, dữ liệu ngày hôm nay có thể sẽ không thay đổi đánh giá của BoJ về nền kinh tế và lạm phát. Các số liệu không đáng khích lệ lắm nhưng cũng không quá đáng thất vọng. BoJ có thể sẽ nghĩ rằng cần nhiều dữ liệu hơn để kiểm tra tình trạng của nền kinh tế.”
Bloomberg