Lệnh cấm bán khống trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc đưa phe bán tới thị trường tương lai
Hoàng Thế Vinh
Junior Analyst
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc đang gặp nhiều biến động hơn khi các nhà đầu tư đánh xuống các hợp đồng tương lai chứng khoán đơn lẻ - hậu quả không lường trước được của lệnh cấm bán khống vào tháng trước.
Hợp đồng tương lai của một số công ty Hàn Quốc đang có mức chiết khấu tới 6% so với giá giao ngay khi các nhà đầu tư phòng hộ rủi ro. Động thái này có nguy cơ làm gia tăng biến động trên thị trường, đồng thời tạo thêm thách thức cho các nhà đầu tư đang hướng tới lợi nhuận ổn định sau lệnh cấm bán khống.
Nhà phân tích Sanghyun Park của Clepsydra Capital cho biết mức chiết khấu trên thị trường tương lai "có thể truy ra từ việc hấp thụ nhu cầu bán khống. Chúng tôi dự báo sẽ có nhiều giao dịch arbitrage liên quan đến hợp đồng tương lai/giao ngay, góp phần làm tăng biến động giá trên thị trường giao ngay.”
Các quỹ nước ngoài đang thúc đẩy đợt bán tháo hợp đồng tương lai cổ phiếu đơn lẻ, bán ra 185 tỷ won (142 triệu USD) kể từ lệnh cấm. Một số hợp đồng đang được giao dịch với giá chiết khấu cũng là mục tiêu của phe short, chủ yếu bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài.
Hợp đồng tương lai cổ phiếu của BGF Retail Co. và Posco DX Co. đáo hạn vào tháng 12 có chiết khấu 10% so với giá giao ngay vào đầu tháng này trước khi giảm xuống 6% tính đến ngày 21/11. Trước lệnh cấm bán khống, chỉ có Hanwha Ocean Co. giảm mạnh trong bối cảnh đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Chính phủ đã cấm bán khống để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân trước cuộc bầu cử năm tới. Biến động của chỉ số Kospi Index tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2020 sau động thái này, làm dấy lên lo ngại về sức hấp dẫn của quốc gia này đối với các nhà đầu tư toàn cầu và nỗ lực nâng hạng lên thị trường phát triển trong các chỉ số của MSCI Inc. Biến động đã giảm bớt nhưng cao hơn hầu hết các chỉ số tương tự.
Lee Hyo Seob, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thị trường vốn Hàn Quốc, cho biết: “Có khả năng biến động gia tăng trên thị trường giao ngay vào ngày đáo hạn hợp đồng tương lai vì có thể có một lượng lớn lệnh bán.”
Một số nhà phân tích cảnh báo rằng việc sử dụng hợp đồng tương lai để phòng hộ không phải lúc nào cũng là lựa chọn lý tưởng cho các quỹ đang tìm kiếm giải pháp thay thế trong thời gian cấm bán khống vì nó đi kèm với chi phí cao hơn cùng nhiều rủi ro khác.
Nhà phân tích Jun Gyun của Samsung Securities Co. cho biết: “Có rất nhiều rủi ro mất tiền. Quyền chọn cổ phiếu đơn lẻ sẽ là lựa chọn tốt hơn so với việc bán hợp đồng tương lai."
Bloomberg