Liệu các đồng tiền kỹ thuật số của NHTW có thay thế các đồng tiền điện tử khu vực tư nhân?
Linh Đặng
Investment Analyst
Năm nay, Bitcoin đã thu hút nhiều nhà đầu tư. Bitcoin đã tăng giá gấp đôi, sau khi tăng gấp ba lần vào năm 2020; những KOL như Elon Musk đã ủng hộ - tuần trước, ông tweet rằng xe Tesla sẽ được bán bằng Bitcoin. Citigroup hiện cho rằng Bitcoin “có thể trở thành loại tiền tệ toàn cầu được ưa thích trong thương mại” ở tương lai, một vai trò hiện nay do đồng đô la nắm giữ.
Trong khi điều này đang thu hút sự chú ý, câu chuyện xoay quanh tiền điện tử khác đang diễn ra mà ít người chú ý hơn: chính là các thử nghiệm của ngân hàng trung ương. Tuần trước, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã tổ chức một hội nghị “đổi mới”, tại đó Jay Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, giải thích rằng các quan chức Fed đang làm việc với Viện Công nghệ Massachusetts để tìm hiểu tính khả thi đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương dựa trên đồng đô la.
Về cơ bản, tiền điện tử của các ngân hàng trung ương (Central bank digital currency – CBDC) cho phép người tiêu dùng sử dụng mã máy tính như “tiền”, do đó lặp lại một số tính năng của Bitcoin, hoặc loại tiền điện tử đang được Facebook phát triển. Nhưng mã máy tính này sẽ được tạo ra và kiểm soát bởi Fed - không phải Facebook hay những “thợ đào” Bitcoin vô danh. Powell nhấn mạnh rằng đồng đô la kỹ thuật số này sẽ không xuất hiện nhanh chóng, hay “không cần phải vội vàng”. Nhưng nó phản ánh một sự thay đổi tinh tế và đáng chú ý trong thái độ của các cơ quan quản lý.
Khi Bitcoin và fintech lần đầu tiên xuất hiện trong thế kỷ này, nhiều ngân hàng trung ương đã bác bỏ hoặc chê bai chúng. Họ vẫn như vậy: Tuần này, Powell cho rằng Bitcoin chủ yếu là một sự thay thế đầu tư cho vàng, không phải cho đồng đô la; Agustín Carstens, người đứng đầu BIS, cảnh báo rằng nó chủ yếu được sử dụng cho hoạt động kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage).
Nhưng điều mà các nhà điều hành ngân hàng trung ương đang nhận ra một cách muộn màng chính là lý do mà những đổi mới đó xuất hiện, các doanh nhân đang phản ứng với hai lỗ hổng lớn trong nền tài chính hiện đại.
Vấn đề xoay quanh điều mà các ngân hàng trung ương dường như không muốn hoặc không thể giải quyết: Rủi ro đồng tiền pháp định bị giảm giá trong tương lai do nguồn cung quá mức, tức là nới lỏng định lượng. Vấn đề còn lại là điều mà các ngân hàng trung ương muốn giải quyết: bản chất khó hiểu của hệ thống thanh toán hiện đại. Như Powell đã quan sát gần đây: “Khủng hoảng Covid tập trung sâu sắc hơn vào nhu cầu giải quyết những hạn chế trong thanh toán xuyên biên giới.”
Do đó, những gì Fed và những người khác hiện đang cố gắng làm là một phiên bản nhẹ nhàng của chiến lược “nếu bạn không thể đánh bại họ, hãy tham gia cùng”: thay vì bỏ qua các thử nghiệm của Bitcoin hoặc Facebook, họ hy vọng khai thác một số ý tưởng đằng sau những đổi mới như blockchain theo các điều kiện của riêng họ.
Điều này sẽ hoạt động có hiệu quả? Có những lý do để hoài nghi. Một vấn đề là: yêu cầu các ngân hàng trung ương ngoan cố chấp nhận loại hình sáng tạo trong fintech (giống như yêu cầu ông nội nghe rap). Một vấn đề khác, thậm chí còn khó khăn hơn, là CBDCs tạo ra những vấn đề lớn về chính sách, chẳng hạn như vai trò trong tương lai của các ngân hàng khu vực tư nhân.
Các ngân hàng thương mại hiện nay thu phí bằng cách “tạo ra” tiền cho người tiêu dùng (cho vay), bằng cách sử dụng tiền do ngân hàng trung ương cung cấp (hoặc tạo ra). Tuy nhiên, CBDCs sẽ cung cấp cho người tiêu dùng tiền (mã số hóa) được ghi trên điện toán đám mây của các ngân hàng trung ương. Jens Weidmann, người đứng đầu ngân hàng Bundesbank, nói với BIS rằng điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng do doanh thu bị suy giảm. Nếu khu vực đồng euro tạo ra CBDCs, có thể cần một hệ thống phân phối hai cấp để giữ các ngân hàng tham gia.
Sau đó là các vấn đề về dữ liệu, quyền riêng tư và trách nhiệm pháp lý. Các ngân hàng trung ương có thể không muốn giữ dữ liệu người tiêu dùng trên sổ cái của họ.
Một giải pháp khả thi là CBDCs có thể cùng tồn tại với tiền mặt, đó là điều mà Powell mong đợi. Nhưng khuôn khổ pháp lý cho điều này có thể gây khó khăn, đặc biệt khi một cuộc khảo sát BIS gần đây cho thấy chỉ một phần tư ngân hàng trung ương trên thế giới có thẩm quyền pháp lý rõ ràng để tạo ra một loại tiền tệ như vậy.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng sẽ không có gì xảy ra, chỉ vì công việc hậu cần có vẻ khó khăn. Cuộc khảo sát tương tự của BIS cho thấy 60% ngân hàng trung ương đang xem xét CBDCs và 14% đang thực hiện các thử nghiệm thí điểm. “Đại dịch Covid-19 đã tạo thêm động lực. Mặc dù hầu hết các ngân hàng trung ương không có kế hoạch phát hành CBDCs trong tương lai gần, các ngân hàng trung ương đại diện cho một phần năm dân số thế giới có khả năng tung ra CBDC bán lẻ trong ba năm tới.”
Lấy Bahamas làm một ví dụ khi đã có một CBDC, được gọi là sand dollar. Đáng chú ý hơn, Trung Quốc hiện đang chạy đua để tạo ra đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, làm dấy lên sự giận dữ của Mỹ về các mối đe dọa cạnh tranh đối với đồng đô la. Điều này có thể giải thích tại sao Fed bất ngờ hợp tác với MIT.
Điều này có thể không ly kỳ như một tweet của Musk, nhưng điểm mấu chốt là nếu những sáng kiến như vậy cuối cùng thành công, chúng có thể thay thế cho các dự án tiền điện tử của khu vực tư nhân.
Financial Times