Liệu Nhật Bản có thể "đứng dậy" sau suy thoái? BOJ sẽ làm gì để cứu lấy nền kinh tế?
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Nhật Bản đã chính thức bị Đức "vượt mặt", mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, sau khi rơi vào suy thoái. Điều đáng nói, thị trường chứng khoán Nhật Bản đang tiệm cận mức đỉnh lịch sử năm 1989, càng khiến BoJ khó khăn hơn trong việc quyết định thời điểm tăng lãi suất, vốn được kỳ vọng sẽ giúp đồng yên phục hồi trở lại.
1. Do đâu Nhật Bản rơi vào suy thoái?
Lạm phát cao và kéo dài trong nhiều thập kỷ ảnh hưởng đến nhu cầu chi tiêu của các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Chi tiêu tiêu dùng giảm trong 3 quý liên tiếp do thu nhập từ lương không theo kịp mức tăng giá cả.
Mặc dù lạm phát ổn định là mục tiêu của BoJ, nhưng tác động tiêu cực của lạm phát đối với tiêu dùng nội địa đang vượt trội hơn tốc độ tăng trưởng chi tiêu của khách du lịch nước ngoài và nhu cầu xuất khẩu.
2. Nguyên nhân giúp chứng khoán Nhật Bản tăng trưởng bất chấp suy thoái?
Có vẻ nghịch lý là thị trường chứng khoán Nhật Bản lại hoạt động rất tốt trong khi nền kinh tế nước này đang bị ảnh hưởng. Điều này cho thấy thị trường dường như tập trung hơn vào triển vọng lạm phát tại Nhật Bản khi chỉ số Nikkei 225 tiệm cận mức đỉnh kỷ lục của những năm 1980.
Những thay đổi về quản trị doanh nghiệp, kết quả kinh doanh mạnh mẽ, triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc và sự trở lại của lạm phát là một trong những yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư tham gia vào thị trường Nhật Bản.
Đồng yên suy yếu cũng là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp và giá cổ phiếu của các nhà xuất khẩu lớn.
3. Ảnh hưởng của suy thoái đến kế hoạch xoay trục của BoJ?
Cuộc suy thoái bất ngờ khiến cho Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn việc tăng lãi suất.
Mặc dù các nhà hoạch định chính sách thường tránh tăng lãi suất khi nền kinh tế suy thoái, Ueda dường như chú trọng hơn vào xu hướng lạm phát trong dài hạn và tiền lương, thay vì số liệu tăng trưởng kinh tế hàng quý.
Khảo sát từ Bloomberg vào tháng 1/2024 dự báo rằng BoJ sẽ tăng lãi suất vào tháng 4. Suy thoái có thể không đủ để ngăn BOJ thực hiện mục tiêu này.
Ueda cho biết các điều kiện tài chính sẽ vẫn thuận lợi ngay cả khi ông loại bỏ lãi suất âm cuối cùng trên thế giới. Việc tăng lãi suất có thể vẫn giữ lãi suất ở mức 0%.
4. Ueda cần điều gì để bắt đầu tăng lãi suất?
Ueda muốn chứng kiến một giai đoạn bùng nổ của sự kết hợp giữa tăng lương và tăng giá. BoJ từ lâu đã lập luận rằng tăng lương là cần thiết để tạo ra lạm phát ổn định và tăng trưởng kinh tế.
Có khả năng Thống đốc BoJ đang kỳ vọng các cuộc đàm phán lương giữa các công ty và liên đoàn lao động sẽ đưa ra mức tăng cao hơn so với năm ngoái.
Rengo, liên đoàn lao động lớn nhất của nước này, dự kiến sẽ công bố mức tăng lương đầu tiên vào giữa tháng 3 và sẽ cập nhật kết quả liên tục trước khi thống kê cuối cùng vào tháng 7. Ueda đã cho biết ông không cần phải đợi đến khi kết quả cuối cùng này công bố.
Các lãnh đạo Nhật Bản đã kêu gọi tăng lương vượt qua mức năm ngoái, Thủ tướng Fumio Kishida đã tạo thêm áp lực lên các công ty bằng lời kêu gọi tăng lương cao hơn lạm phát.
5. Liệu Nhật Bản có lấy lại được vị trí nền kinh tế lớn thứ 3?
Điều đó có vẻ khó xảy ra. Việc Nhật Bản tụt hạng xuống dưới Đức về quy mô kinh tế tính theo USD phần lớn là do đồng yên suy yếu, cùng với xu hướng già hóa và thu hẹp dân số của nước này.
Tuy nhiên, sức mạnh nền kinh tế của Đức cũng không được đánh giá cao. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo cả hai nền kinh tế này sẽ bị Ấn Độ vượt mặt trong 3 năm tới. Mặc dù cả Nhật Bản và Đức đều có GDP vượt xa Ấn Độ, nhưng họ lại thua xa về tốc độ tăng trưởng dân số và tiềm năng thị trường nội địa.
Bloomberg