MACD là gì?

MACD là gì?

Đức Nguyễn

Đức Nguyễn

FX Strategist

15:05 08/11/2023

MACD là một chỉ báo động lượng được sử dụng phổ biến trong phân tích kỹ thuật để đo lường tốc độ thay đổi của xu hướng giá. Chỉ báo này gồm 4 thành phần chính: đường MACD, đường tín hiệu, biểu đồ Histogram và trục 0.

MACD là chỉ báo động lượng đánh giá sức mạnh của một xu hướng giá

Đường trung bình động hội tụ phân kỳ (Moving Average Convergence Divergence) là chỉ báo động lượng được sử dụng phổ biến trong phân tích kỹ thuật để xác định điểm vào lệnh hợp lý thông qua việc đánh giá sức mạnh của phe mua hoặc phe bán đối với một loại tài sản trong một khoảng thời gian nhất định. 

Thông qua MACD, các trader có thể nắm bắt được tín hiệu về xu hướng giá tiếp theo và xác định các vùng quá mua/quá bán - nơi mà giá có khả năng sẽ sớm đảo chiều.

MACD được phát triển vào năm 1979 bởi Gerald Appel - một nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp với hơn 35 năm kinh nghiệm. Ngoài việc là một cố vấn đầu tư , ông còn là tác giả hoặc đồng tác giả của 17 cuốn sách đầu tư được dịch sang nhiều thứ tiếng, cũng như nhiều bài báo, liên quan đến chiến lược đầu tư. 

Chỉ báo MACD có 4 thành phần chính

Để hiểu được cách Đường trung bình động hội tụ phân kỳ vận hành, ta cần nắm được các thành phần cấu tạo và công thức tính chỉ báo MACD, bao gồm 4 thành phần chính: đường MACD (màu xanh), đường tín hiệu Signal (màu cam), biểu đồ Histogram (màu trắng) trục 0 được phản ánh phía dưới biểu đồ giá.

Đường MACD (MACD Line): hiệu của hai đường MA lũy thừa (EMA) trong 2 khoảng thời gian nhất định, thường là 12 và 26 phiên gần nhất. Cụ thể:

MACD = EMA (12) - EMA (26)

Trong đó: 

  • MACD > 0:  giá trị trung bình động lũy thừa của 12 phiên gần nhất lớn hơn giá trị trung bình động lũy thừa của 26 phiên gần nhất, tức là đường EMA 12 sẽ nằm trên đường EMA 26.
  • MACD < 0: giá trị trung bình động lũy thừa của 12 phiên gần nhất lớn hơn giá trị trung bình động lũy thừa của 26 phiên gần nhất, , tức là đường EMA 12 sẽ nằm trên đường EMA 26.

Đường tín hiệu (Signal Line): đường SMA 9 của đường MACD. Khi MACD cắt đường tín hiệu từ trên xuống thì xu hướng thị trường đang là giảm. Ngược lại, khi MACD cắt đường tín hiệu từ dưới lên, tức là xu hướng thị trường đang là tăng.

Biểu đồ Histogram (Histogram Chart): là hiệu của đường MACD và đường tín hiệu (Signal).

Trong đó:

  • Histogram > 0: Histogram nằm phía trên trục 0, biểu thị đường MACD sẽ nằm phía trên đường Signal và khoảng cách giữa 2 đường càng xa thì cột Histogram càng cao. 
  • Histogram < 0:  Histogram nằm phía dưới trục 0, biểu thị đường MACD sẽ nằm phía dưới đường Signal và khoảng cách giữa 2 đường càng gần thì cột Histogram càng thấp. 
  • Histogram ~ 0: báo hiệu sự giao cắt giữa 2 đường MACD và đường tín hiệu, tuy nhiên sẽ có một độ trễ nhất định.

Như vậy, khi Histogram chuyển từ dương sang âm, tức là đường MACD cắt đường tín hiệu từ trên xuống thường sẽ báo hiệu xu hướng giảm sắp diễn ra. Ngược lại, khi Histogram chuyển từ âm sang dương, tức là đường MACD cắt đường tín hiệu từ dưới lên thường sẽ báo hiệu xu hướng tăng sắp diễn ra.

Trục 0 (Zero Line): một trục nằm ngang đóng vai trò là đường tham chiếu giúp các nhà đầu tư đánh giá sức mạnh của xu hướng đang là mạnh hay yếu. Khi chỉ báo cắt qua trục 0 và đi lên (MACD > 0), thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Ngược lại, nếu cắt qua trục 0 và đi xuống (MACD < 0) thì tức là đà giảm vẫn còn mạnh. 

Kết hợp MACD với các chỉ báo khác để tìm ra các điểm vào lệnh tiềm năng

Nếu chỉ dùng MACD với ý nghĩa đơn độc là tín hiệu đảo chiều xu hướng thì chỉ báo này sẽ không phát huy tối đa hiệu quả. Vì vậy, cần có sự kết hợp giữa phân tích cơ bản, phân tích hành động giá và một số chỉ báo kỹ thuật khác như RSI, Stochastic,... để xác định các điểm vào lệnh hợp lý.

Thứ nhất, sự kết hợp giữa RSI và MACD.

Chỉ số sức mạnh tương đối RSI cũng là một chỉ báo động lượng cho biết xu hướng giá sức mạnh thị trường gần đây, thường là 14 phiên gần nhất. 

Thông qua RSI, ta có thể xác định được các vùng quá mua và quá bán, được hiểu là các vùng mà giá đã biến động rất mạnh nhưng không có nhiều nhịp điều chỉnh đáng kể. Khi RSI nhỏ hơn 30 tức là thị trường đang ở trong trạng thái quá bán, ngược lại khi RSI tiến lên trên vùng 70 tức là thị trường đang ở trạng thái quá mua.

Ví dụ, trên khung D1 của chỉ số DXY, RSI đã tiến vào vùng quá mua vào cuối tháng 9/2021. Sau đó một vài phiên, ta thấy MACD cắt xuống dưới đường tín hiệu cho thấy giá sắp đảo chiều từ tăng sang giảm. Sự xuất hiện của mô hình nến sao hôm (Evening Star) càng củng cố thêm cho kịch bản này, ngay khi RSI cắt xuống dưới trục 70.

Mặc dù trong quá trình thành xu hướng mới, giá có những nhịp điều chỉnh tăng trong ngắn hạn nhưng các đỉnh mới được tạo ra ngày càng thấp hơn, cho thấy phe mua đã thất bại trong việc lấy lại ưu thế.

Các nhà đầu tư có thể cân nhắc: 

  • Vào lệnh Sell tại vị trí đóng cửa của cây nến thứ 3 trong mô hình nến sao hôm, hoặc để chắc chắn có thể chờ thêm 1-2 cây nến đỏ khác rồi mới tiến hành vào lệnh. 
  • Vào lệnh Stop loss tại kháng cự gần nhất.
  • Vào lệnh Take Profit có thể đặt ở hỗ trợ gần nhất hoặc với tỷ lệ R:R (Risk-Reward) 1:2.

Thứ hai, sự kết hợp giữa hai chỉ báo MACD và Stochastic. 

Stochastic là một chỉ báo dao động được sử dụng để đo lường tốc độ biến động (nhanh chậm) của tài sản.Tức là, so sánh mức giá hiện tại với phạm vi giá trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 14 phiên gần nhất), từ đó tính toán tốc độ thay đổi của giá so với kỳ vọng hay giá trị thực tế. 

Thông qua chỉ báo Stochastic, ta cũng có thể xác định được các vùng quá mua và quá bán. Stochastic được hình thành từ 2 đường %K và %D. Do đường %D được tính toán dựa trên đường SM3 của đường %K nên sẽ có độ trễ nhất định về mặt thời gian. 

  • Vùng quá mua: đường Stochastics sẽ cắt qua trục 80 và đi lên 
  • Vùng quá bán: đường Stochastics sẽ cắt qua trục 20 và đi xuống 

Ví dụ, trên khung D1 của Hợp đồng tương lai dầu thô, sau khi Stochastic cắt xuống phía dưới trục 20 và duy trì trong vùng quá bán từ 5-6 phiên, đường MACD đã cắt lên phía trên đường tín hiệu cho thấy giá sắp đảo chiều từ giảm sang tăng. Sự xuất hiện của mô hình nến búa (Hammer) càng củng cố xu hướng tăng mới, ngay khi Stochastic cắt lên trên trục 20. 

Mặc dù trong quá trình thành xu hướng mới, giá có những nhịp điều chỉnh giảm trong ngắn hạn nhưng các đáy mới được tạo ra ngày càng cao hơn, cho thấy phe bán đã thất bại trong việc lấy lại quyền kiểm soát. 

Các nhà đầu tư có thể cân nhắc: 

  • Vào lệnh Buy tại vị trí đóng cửa của cây nến búa hoặc để chắc chắn có thể chờ thêm 1-2 cây nến đỏ khác rồi mới tiến hành vào lệnh. 
  • Vào lệnh Stop loss tại hỗ trợ gần nhất.
  • Vào lệnh Take Profit có thể đặt ở kháng cự gần nhất hoặc với tỷ lệ R:R (Risk-Reward) 1:2.

Thứ ba, sử dụng phân kỳ MACD.

Phân kỳ âm: Tín hiệu phân kỳ âm xuất hiện khi trong một xu hướng tăng, giá tạo đỉnh cao hơn nhưng MACD không tạo đỉnh cao hơn. Đây là tín hiệu lực mua đã cạn kiệt và một pha đảo chiều sắp diễn ra, và nhà đầu tư có thể đóng vị thế mua, chuyển sang vị thế bán.


Phân kỳ âm MACD trên đồ thị VN-Index

Phân kỳ dương: Tín hiệu phân kỳ dương xuất hiện khi trong một xu hướng giảm, giá tạo đáy thấp hơn nhưng MACD không tạo đáy thấp hơn. Đây là tín hiệu lực bán đã cạn kiệt và một pha đảo chiều sắp diễn ra, và nhà đầu tư có thể chuyển sang vị thế mua.


Phân kỳ dương trên đồ thị giá vàng

dubaotiente.com

Broker listing

Thư mục bài viết