Ngôn từ bất lực, USD/JPY vẫn neo gần mốc 160.00 và thị trường có lẽ chỉ hành động khi chính phủ Nhật Bản thực sự vào cuộc
Phạm Phương Anh
Junior Editor
Sáng nay ngày 24/06, chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ can thiệp bất cứ lúc nào nếu cần thiết nhưng tác động đến USD/JPY là không đáng kể. Cặp tiền này vẫn đang dao động gần mốc 160.00 tại thời điểm viết bài.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Masato Kanda, tuyên bố hôm thứ Hai rằng ông sẽ có biện pháp thích hợp nếu có biến động quá mức trên thị trường ngoại hối. Ông cảnh báo về những tác động tiêu cực đến nền kinh tế từ những biến động như vậy và nhấn mạnh sẵn sàng can thiệp bất cứ lúc nào nếu cần thiết, theo Reuters.
Chỉ số DXY tăng nhẹ do các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trì hoãn thời điểm cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm nay. Theo Công cụ CME FedWatch, các nhà đầu tư đang kỳ vọng khoảng 65.9% Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9, thấp hơn so với con số 70.2% một tuần trước đó.
Tổng quan thị trường
- Biên bản tóm tắt cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 6 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho biết lạm phát cơ bản, được đo bằng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), dự kiến sẽ tăng dần. Trong nửa năm sau, CPI có khả năng ở mức phù hợp với mục tiêu ổn định giá.
- Vào thứ Sáu, Chỉ số PMI Tổng hợp của Mỹ cho tháng 6 vượt kỳ vọng, tăng lên 54.6 từ mức 54.5 của tháng 5, con số này đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2022. PMI Sản xuất tăng lên 51.7 từ 51.3 của tháng trước, cao hơn dự báo 51.0. Hơn nữa, PMI Dịch vụ cũng tăng lên 55.1 cao hơn mức 54.8 trong tháng 5, vượt mức dự kiến 53.7.
- Reuters đưa tin, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Shinichi Uchida tuyên bố hôm thứ Sáu rằng BoJ sẽ "điều chỉnh mức độ hỗ trợ tiền tệ" nếu nền kinh tế và lạm phát phù hợp với dự báo của họ. Điều này cho thấy sự sẵn sàng của BoJ trong việc tăng lãi suất cao hơn nữa.
- Vào thứ sáu, Nhật Bản tái khẳng định cam kết đạt thặng dư ngân sách cơ bản vào năm tài khoá tới. Quyết định này phản ánh mối lo ngại rằng việc thay đổi chính sách lãi suất cực thấp có thể đẩy chi phí vay nợ lên cao và làm tăng gánh nặng nợ của chính phủ, theo Reuters.
- Theo báo cáo của Bloomberg, Chủ tịch Fed Richmond, Tom Barkin chia sẻ ngày thứ Năm rằng Fed đang ở vị thế tốt với sức mạnh cần thiết trong việc điều hành chính sách tiền tệ, nhưng cũng sẽ thận trọng và linh hoạt dựa trên diễn biến kinh tế trong vài tháng tới.
- Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari lưu ý rằng có thể mất một hoặc hai năm để đưa lạm phát trở lại mức 2%.
Phân tích kỹ thuật
Biểu đồ USD/JPY khung thời gian ngày
USD/JPY đang giao dịch quanh mức 159.70, biểu đồ ngày cho thấy xu hướng tăng chiếm ưu thế. Cặp tiền tệ này đang thử thách đường biên trên của mô hình kênh giá tăng. Hơn nữa, chỉ báo RSI 14 ngày đang ở trên mức 50, củng cố xu hướng tăng. Break-out đường biên trên của mô hình kênh giá tăng sẽ hỗ trợ cặp tiền tệ này tiến tới vùng kháng cự quan trọng quanh mức 160.32 - đỉnh trong hơn 30 năm được ghi nhận vào tháng 4.
Ngược lại, vùng hỗ trợ gần nhất xuất hiện tại đường EMA 9 ngày ở mức 158.42. Break-down mức này có thể gia tăng áp lực giảm đối với USD/JPY, hướng cặp tiền tới đường biên dưới của kênh giá tăng quanh mức 155.60. Áp lực sẽ gia tăng gấp bội nếu thủng đường này và có thể buộc cặp tiền này phải kiểm tra lại mức hỗ trợ 152.80.
FXStreet