Người Mỹ kỳ vọng chứng khoán tiếp tục có hiệu suất tốt và lo ngại vấn đề chính trị toàn cầu vào năm 2025
Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Người Mỹ lạc quan về thị trường chứng khoán năm 2025 nhưng bi quan về tình hình chính trị và quốc tế.
Một khảo sát của Gallup cho thấy 66% người kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng trong năm 2025.
Tuy nhiên, chỉ 23% tin rằng sẽ có sự hợp tác chính trị tích cực trong nước dưới thời chính quyền Trump, và chỉ 32% kỳ vọng chính trị thế giới sẽ tương đối hòa bình. Kết quả này phản ánh tâm lý trái ngược của người dân: kỳ vọng kinh tế phát triển nhưng lo ngại bất ổn chính trị và quốc tế gia tăng. Tuy nhiên, đây vẫn là một sự cải thiện so với kết quả khảo sát lần lượt là 9% và 14% của năm 2023 về hợp tác chính trị của Hoa Kỳ và hòa bình quốc tế.
Theo dữ liệu từ nền tảng phân tích Bitcoin Newhedge, Bitcoin có sự tương quan biến động với chỉ số S&P 500, nghĩa là khi thị trường chứng khoán tăng trưởng, các nhà đầu tư có xu hướng chấp nhận rủi ro cao hơn, và Bitcoin sẽ hưởng lợi từ xu hướng này. Tuy nhiên, một số giám đốc điều hành trong ngành cho rằng biến động của Bitcoin có mối liên hệ chặt chẽ hơn với cổ phiếu công nghệ, thay vì chỉ đơn thuần với các chỉ số chứng khoán lớn như S&P 500. Mặc dù vậy, sự gia tăng các tranh chấp quốc tế có thể khiến Bitcoin gặp phải sự biến động mạnh hơn, như đã xảy ra trong quá khứ khi giá trị của nó giảm mạnh trong các sự kiện toàn cầu như cuộc xung đột giữa Iran và Israel, hay khi Nga xâm lược Ukraine.
Bitcoin đã giảm khoảng 8% trong một giờ khi Iran ném bom Israel trong một cuộc tấn công trả đũa vào ngày 13 tháng 4 và cũng giảm mạnh gần 11% trong khoảng thời gian từ ngày 23 đến 24 tháng 2 năm 2022, khi chiến tranh Nga-Ukraine xảy ra.
Vào đầu năm 2023, khi hệ thống ngân hàng Mỹ đối mặt với khủng hoảng, bao gồm sự sụp đổ bất ngờ của Silicon Valley Bank và Signature Bank, Bitcoin đã chứng kiến một đợt tăng giá đáng kể. Sự bất ổn trong hệ thống tài chính truyền thống khiến các nhà đầu tư tìm kiếm các kênh đầu tư thay thế, và Bitcoin nổi lên như một lựa chọn hấp dẫn. Với tính chất độc lập và không phụ thuộc vào các tổ chức ngân hàng, Bitcoin trở thành một tài sản an toàn trong bối cảnh lo ngại về sự ổn định tài chính. Do đó, sự hoảng loạn trong hệ thống ngân hàng đã thúc đẩy nhu cầu đối với Bitcoin, góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của đồng tiền này.
Khó khăn kinh tế và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc
Khảo sát mới nhất của Gallup chỉ ra rằng, trong năm 2025, đa số người Mỹ có cái nhìn lạc quan hơn về nền kinh tế so với năm 2022. Cụ thể, 54% người tham gia khảo sát kỳ vọng sẽ có sự gia tăng việc làm hoặc đạt mức độ việc làm đầy đủ, trong khi 52% dự đoán giá cả sẽ tăng trưởng ở mức hợp lý.
Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ lớn dự đoán năm này sẽ đối mặt với "khó khăn kinh tế". Những lo ngại chủ yếu xoay quanh việc gia tăng thâm hụt ngân sách dẫn đến nợ công gia tăng. Thêm vào đó, sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế và chính trị được cho là một yếu tố tiềm tàng gây ra sự cạnh tranh và căng thẳng quốc tế, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu trong những năm tới.
Khảo sát của Gallup cũng cho thấy sự phân hóa trong nhận định về tương lai kinh tế và chính trị giữa các đảng phái. Cụ thể, những người tham gia khảo sát thuộc đảng Cộng lạc quan hơn về triển vọng của năm 2025. Đây là xu hướng dễ hiểu, khi những người trong đảng của tổng thống mới thường kỳ vọng vào các chính sách của chính quyền mới và tin tưởng vào khả năng cải thiện tình hình kinh tế. Ngược lại, các đảng viên Dân chủ và độc lập có xu hướng thận trọng hơn, đặc biệt khi họ không thuộc đảng của tổng thống đắc cử.
Cointelegraph