Nhà đầu tư bất an trước kịch bản gây tranh cãi của kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ

Nhà đầu tư bất an trước kịch bản gây tranh cãi của kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ

Quế Anh

Quế Anh

Junior Editor

17:42 10/10/2024

Cuộc đua tổng thống Mỹ đang diễn ra gay cấn, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại trước kịch bản kết quả bầu cử mơ hồ hoặc gây tranh cãi. Viễn cảnh này có thể làm gián đoạn đà tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong năm nay.

Chưa đầy một tháng nữa, ngày bầu cử tổng thống Mỹ sẽ chính thức diễn ra. Các cuộc thăm dò và dự đoán thị trường cho thấy ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đang trong thế bất phân thắng bại. Theo khảo sát Reuters/Ipsos công bố hôm thứ Ba, Harris dẫn trước Trump với tỷ lệ sát sao 46% so với 43%. Khoảng cách đã bị thu hẹp hơn so với kết quả thăm dò trước đó.

Đã từng có một tiền lệ khi Trump cố gắng lật ngược tình thế sau thất bại của ông trước Tổng thống Joe Biden vào năm 2020. Dự báo về kết quả sát nút khiến các nhà đầu tư lo ngại về viễn cảnh thị trường trong tương lai. Cán cân quyền lực tại Quốc hội cũng đang bị đe dọa, với nhiều cuộc đua tiềm ẩn kết quả sát nút. Bất ổn chính trị ngày càng gia tăng.

"Kết quả bầu cử có thể sẽ vô cùng sát sao. Điều này đồng nghĩa với khả năng xảy ra tranh chấp cao hơn mức trung bình", ông Walter Todd, Giám đốc đầu tư tại Greenwood Capital nhận định. Ông dự đoán cổ phiếu sẽ giảm điểm nếu kết quả bầu cử vẫn chưa ngã ngũ sau vài ngày.

"Thị trường vốn không thích sự mơ hồ. Sẽ càng nhức nhối hơn nữa khi chúng ta chưa thể biết ai sẽ là Tổng thống Hoa Kỳ sau một hoặc hai ngày kể từ bắt đầu bầu cử."

Hiện tại, bất ổn chính trị chưa có nhiều tác động đối với cổ phiếu. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Hoa Kỳ đã giúp S&P 500 đạt mức cao mới. Chỉ số này đã tăng 21% trong năm nay, đồng thời đang trên đà vươn tới cột mốc hai năm liên tiếp tăng trưởng hai chữ số.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi diễn biến cuộc bầu cử vô cùng sát sao. Điều này có thể thấy được ở chỉ số Biến động Cboe (VIX) - một chỉ số thể hiện nhu cầu về hợp đồng quyền chọn nhằm mục đích phòng ngừa trước những biến động của cố phiếu. Trong vòng 30 ngày, chỉ số này đã tăng khoảng 6 điểm so với mức đáy tháng 9, hiện đang ở mức 20.9. Đây là mức cho thấy các nhà đầu tư đang lo ngại hơn về khả năng biến động của thị trường.

Thị trường quyền chọn cũng phản ánh về tâm lý e sợ trước rủi ro đuôi, khi thị trường bất ngờ bị ảnh hưởng bởi một sự kiện ít có khả năng xảy ra nhưng hệ quả lớn. Chỉ số Nations TailDex, thước đo về rủi ro này, gần đây đã chạm mức đỉnh trong một tháng.

Theo nhận định của Michael Purves, CEO của Tallbacken Capital Advisors, các nhà đầu tư đang quá chú ý vào những ngày trước và ngay sau cuộc bỏ phiếu. Trong khi đó, sự tranh chấp trong kết quả bầu cử có thể gây xáo trộn thị trường trong nhiều tuần sau ngày 5/11.

"Vấn đề không chỉ nằm ở kết quả mà còn ở rủi ro tiềm ẩn vào sáng ngày hôm sau, khi cuộc bầu cử gây quá nhiều tranh cãi", ông nói. "Đối với tôi, đó là một rủi ro thực sự... kiện tụng có thể xảy ra. Lúc đó, cổ phiếu có thể bị bán tháo."

Rất hiếm có các tranh chấp liên quan đến kết quả bầu cử.

Vào năm 2020, thị trường gần như không bị ảnh hưởng bởi nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 của Trump. Tại thời điểm đó, chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục tăng điểm trong những ngày giao dịch sau ngày bầu cử, mặc dù Biden chỉ chính thức được tuyên bố là người chiến thắng vào cuối tuần đó.

Tuy nhiên, lần này, các nhà đầu tư khó có thể lạc quan như vậy. Tình huống có thể tệ hơn khi một trong hai đảng kiện kết quả bầu cử và nhận được sự ủng hộ từ các nhà lập pháp đồng minh và các quan chức bầu cử ở các bang chiến trường.

Trump và các đồng minh đã liên tục phát tín hiệu trong nhiều tháng qua rằng họ sẽ kiện nếu thất bại. Họ lặp đi lặp lại cáo buộc về số lượng lớn người không phải công dân đi bỏ phiếu, mặc dù các đánh giá độc lập và các tiểu bang cũng cho biết tỷ lệ xảy ra điều này vô cùng thấp.

Cổ phiếu đã ghi nhận mức giảm mạnh vào cuối năm 2000, khi tranh chấp giữa George W. Bush và Al Gore kéo dài hơn một tháng. Chiến dịch của Gore đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao Mỹ về kết quả gây tranh cãi tại Florida. Đây là ví dụ rõ ràng nhất về một cuộc bầu cử bị tranh chấp trong lịch sử Mỹ gần đây.

Từ ngày bầu cử năm 2000 cho đến khi Gore thừa nhận thất bại vào giữa tháng 12, chỉ số S&P 500 đã giảm 5%, trong bối cảnh tâm lý thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi lo ngại về cổ phiếu công nghệ và nền kinh tế nói chung. Tính chung giai đoạn tháng 11-12/2000, chỉ số này đã giảm 7.6%.

Những biến động như vậy có thể làm lu mờ triển vọng mạnh mẽ của cổ phiếu trong các năm bầu cử. Theo Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư tại Truist Advisory Services, chỉ số S&P 500 đã tăng trung bình 3.3% trong hai tháng cuối cùng của các năm bầu cử tổng thống kể từ năm 1952, tăng điểm trong 78% thời gian.

Ông Purves của Tallbacken Capital khuyên các nhà đầu tư nên phòng ngừa biến động liên quan đến bầu cử thông qua các hợp đồng quyền chọn bán, loại hợp đồng tăng giá trị khi cổ phiếu giảm.

Kurt Reiman, Giám đốc mảng chứng khoán cố định khu vực châu Mỹ và đồng lãnh đạo ElectionWatch tại UBS Wealth Management, vẫn duy trì quan điểm tích cực về cổ phiếu. Tuy nhiên, ông cho rằng nhà đầu tư nên xem xét các kênh trú ẩn phổ biến như cổ phiếu tiện ích và vàng để bảo vệ danh mục đầu tư trước một kết quả bầu cử gây tranh cãi.

Stephanie Aliaga, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, nhận định bất kỳ biến động nào do kết quả bầu cử mơ hồ gây ra có thể sẽ được giảm bớt sau khi tình trạng này được giải quyết.

"Bầu cử tạo ra sự bất ổn, nhưng kết quả bầu cử cuối cùng sẽ làm giảm và xóa bỏ sự bất ổn đó", bà nói. "Cuối cùng, bạn sẽ thấy một đợt tăng điểm sau bầu cử vì sự bất ổn đã được giải quyết."

Reuters

Broker listing

Cùng chuyên mục

Bầu cử tổng thống Mỹ: Hàng triệu cử tri đã đưa ra lựa chọn
Minh Anh

Minh Anh

Junior Editor

Bầu cử tổng thống Mỹ: Hàng triệu cử tri đã đưa ra lựa chọn

Trong bối cảnh hàng triệu cử tri Hoa Kỳ đã bắt đầu đi bỏ phiếu, vào thứ Tư ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Kamala Harris nỗ lực tìm kiếm thêm sự ủng hộ từ những cử tri còn chưa đưa ra quyết định thông qua buổi hỏi đáp trực tiếp trên truyền hình tại bang chiến trường Pennsylvania, trong khi ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump tiến hành các cuộc vận động tại Georgia.
Bầu cử Mỹ: Harris tố Trump "nguy hiểm", Trump cố gắng thuyết phục cử tri theo đạo Thiên Chúa
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Bầu cử Mỹ: Harris tố Trump "nguy hiểm", Trump cố gắng thuyết phục cử tri theo đạo Thiên Chúa

Chỉ còn hai tuần trước Ngày Bầu cử, cuộc đua giữa Kamala Harris và Donald Trump đang trở nên gay cấn hơn bao giờ hết. Trong khi Harris liên tục chỉ trích Trump là "mối đe dọa cho nền dân chủ" và cảnh báo về sự nguy hiểm nếu ông quay lại Nhà Trắng, thì Trump gây chấn động khi tuyên bố đã được "Chúa cứu" trong một vụ ám sát thất bại. Những động thái táo bạo và thông điệp đối lập của cả hai đang khiến cử tri Mỹ không khỏi ngỡ ngàng, đặc biệt là những người chưa quyết định lá phiếu của mình.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ