Nhân dân tệ Trung Quốc
Đức Nguyễn
FX Strategist
Nhân dân tệ là đơn vị tiền tệ chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Có 2 loại nhân dân tệ được lưu hành, nhân dân tệ nội địa (CNY) và hải ngoại (CNH). Trong nước, đồng tiền được viết tắt là RMB (renminbi).
Nhân dân tệ là gì?
Nhân dân tệ là đơn vị tiền tệ chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
Đồng nhân dân tệ, kí hiệu là ¥, là đơn vị tiền tệ chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tên quốc tế viết tắt chính thức của nhân dân tệ là CNY, tuy nhiên trong nội bộ lãnh thổ Trung Quốc nó được viết tắt là RMB (Renminbi).
Đồng nhân dân tệ lần đầu được đưa vào sử dụng từ năm 1950. Sau mỗi lần phát hành, đồng tiền này đều có những thay đổi về tiền giấy và tiền xu, đặc biệt những mẫu tiền trước đó sẽ bị loại bỏ.
Nhân dân tệ là một trong những đồng tiền được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch quốc tế, trong đó nhân dân tệ đứng thứ 5 về khối lượng giao dịch toàn cầu sau USD, EUR, GBP và JPY.
Vào tháng 10/2016, nhân dân tệ đã trở thành đồng tiền thị trường mới nổi đầu tiên được đưa vào rổ quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) như một đồng tiền dự trữ, bên cạnh USD, EUR, GBP và JPY. Đến giữa năm 2022, IMF đã nâng tỷ trọng của nhân dân tệ từ mức 10.92% lên 12.28%.
Nhân dân tệ gồm 2 loại là tiền giấy và tiền xu
Nhân dân tệ đang được sử dụng hiện nay bao gồm đồng tiền giấy và tiền xu, với đơn vị đếm là Yuan (tệ), Jiao (hào) và Fen (xu), trong đó 1 tệ = 10 hào = 100 xu (xu có giá trị khá nhỏ nên hiện tại không sử dụng đơn vị này nữa).
Đơn vị tiền giấy: 1 tệ, 5 tệ, 10 tệ, 20 tệ, 50 tệ, 100 tệ.
Đơn vị tiền xu: 1 hào, 2 hào, 5 hào, 1 tệ.
Tiền giấy được in cựu chủ tịch nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa - Mao Trạch Đông, mặt còn lại được in các địa danh nổi tiếng của Trung Quốc.
Đồng nhân dân tệ với hai “biến thể”
Hai “biến thể” của đồng nhân dân tệ là đồng nhân dân tệ nội địa (Onshore) và đồng nhân dân tệ hải ngoại (Offshore). Đồng nhân dân tệ hải ngoại xuất hiện khi Trung Quốc bắt đầu cố gắng quốc tế hóa tiền tệ của mình, được ký hiệu là CNH, để phân biệt với đồng tiền nội địa - CNY.
Điểm khác biệt giữa đồng CNH so với CNY là nó không biến động trong một biên độ nhất định cũng như không chịu sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc về tỷ giá. Nói cách khác, CNH là đồng tiền thả nổi với tỷ giá phụ thuộc hoàn toàn vào cung cầu thị trường.
Năm 2010, chính phủ Trung Quốc bắt đầu giao dịch và phát triển thị trường đồng CNH tại Hồng Kông, nơi từng là trung tâm quốc tế của Trung Quốc đại lục. Sau đó, Singapore, Đài Loan và London cũng phát triển thị trường CNH của riêng họ.
CNH và CNY biến động tương đối sát nhau, nhưng vẫn sẽ có sự khác biệt do một đồng được giao dịch tự do, một đồng bị kiểm soát
Nhân dân tệ được quản lý bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC)
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) được thành lập vào ngày 1/12/1948, là một trong những ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới, chịu trách nhiệm điều hành và quản lý đồng nhân dân tệ nhằm duy trì ổn định tỷ giá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự an toàn của hệ thống tài chính thông qua chính sách tiền tệ.
Trước hết, nhìn vào nền kinh tế Trung Quốc, đây là nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây. Sự phát triển này đã giúp Trung Quốc chiếm hơn 25% thị phần sản xuất trên toàn thế giới kể từ năm 2014.
Khi xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, Trung Quốc nhận được chủ yếu là USD, nhưng chi phí sản xuất phải thanh toán bằng CNY. Do đó, nguồn cung USD tại quốc gia này là rất lớn, trong khi nhu cầu CNY cao, khiến giá trị CNY tăng so với USD.
Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với thế giới khi tính theo USD, hệ quả là làm mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây có thể sẽ trở thành vấn đề vô cùng nan giải đối với Trung Quốc, thậm chí có thể khiến cho tình trạng thất nghiệp xảy ra diện rộng, kinh tế đình trệ nếu như không bán được hàng.
Chính vì vậy, PBOC đã can thiệp để tránh tình trạng này diễn ra, bằng cách tác động trực tiếp tới tỷ giá hối đoái của CNY, giữ giá trị nội tệ thấp hơn thông qua việc ấn định tỷ giá thay vì thả nổi dựa theo cung cầu. Theo đó, CNY giao dịch trong ngày có thể tăng giảm tối đa 2% so với tỷ giá được ấn định.
Theo số liệu thực tế, từ năm 2008 đến năm 2020, tỷ giá CNY so với USD vẫn ổn định trong khoảng từ 6.1 đến 7.1. Để làm được điều đó, Trung Quốc cần tăng lượng cung CNY để giữ cho tỷ giá so với USD không tăng, nhưng cũng không được để tình trạng cung tăng quá mức dẫn đến lạm phát. Để kiểm soát nguồn cung tiền ở mức ổn định, PBoC đã sử dụng một số biện pháp:
- In tiền: PBoC được tự do phát hành nội tệ để đổi lấy ngoại hối, tuy nhiên cần đảm bảo tỷ giá vẫn được cố định trong một phạm vi cho phép.
- Kiểm soát lạm phát: Do được tự do phát hành nội tệ, nên nguy cơ lạm phát luôn luôn hiện hữu đối với Trung Quốc. Vì vậy, PBOC đã bán trái phiếu để giảm lượng tiền mặt dư thừa trong thị trường. Ngược lại, PBoC cũng mua trái phiếu khi cần tăng nguồn cung tiền trong nội địa, từ đó kiểm soát nguồn cung nội tệ theo cả hai chiều.
- Thay đổi tỷ lệ dự trữ: Nếu cần tăng cung tiền, PBoC sẽ giảm tỷ lệ dự trữ, các ngân hàng thương mại cần giữ lại ít tiền hơn, đồng nghĩa với việc họ có thể cung cấp cho thị trường nhiều hơn. Ngược lại, nếu cần giảm cung thì PBOC sẽ tăng tỷ lệ dự trữ, khi đó các ngân hàng thương mại có ít tiền để đưa ra thị trường hơn.
- Tỷ lệ chiết khấu: PBoC có thể tăng tỷ lệ lãi suất này để làm giảm sức vay của các ngân hàng thương mại, từ đó giảm cung tiền ra thị trường. Ngược lại, họ sẽ giảm tỷ lệ chiết khấu để kích thích các ngân hàng thương mại vay nhiều hơn nếu cần tăng cung tiền trong nội địa.
Nhân dân tệ ngày càng giữ vị thế quan trọng toàn cầu
Nhân dân tệ là một trong những đồng tiền được sử dụng rộng rãi kể từ năm 2013. Đồng nhân dân tệ sau đó đã vượt qua EUR để trở thành đồng tiền quan trọng thứ 2 trong thương mại, chiếm 9% thị trường toàn cầu (chỉ xếp sau USD chiếm 81%).
Bên cạnh đó, với vị thế chiếm khoảng 18% tỷ trọng GDP toàn cầu, Trung Quốc đang tận dụng ưu thế thương mại của mình để đẩy mạnh việc đưa đồng nhân dân tệ vào thanh toán với các đối tác thương mại lớn, từ đó thách thức vị thế của đồng USD.
Điển hình, tính đến cuối năm 2022, đồng nhân dân tệ đã vượt qua đồng EUR để trở thành đồng ngoại tệ có tỷ lệ giao dịch cao thứ 2 tại Brazil, chiếm 5,37% tổng giá trị giao dịch ngoại tệ. Đồng USD vẫn giữ vị trí thống trị trong hoạt động ngoại thương của Brazil nhưng bắt đầu có dấu hiệu suy giảm.
Trong tháng 3/2023, đồng nhân dân tệ cũng chính thức vượt đồng USD để trở thành đồng ngoại tệ được giao dịch chính tại Nga trong bối cảnh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga, bao gồm cả các hạn chế trong thanh toán quốc tế. Trước khi cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine nổ ra, giao dịch bằng đồng nhân dân tệ tại Nga gần như không đáng kể.
Không những vậy, Trung Quốc hiện cũng đang tích cực vận động để đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền chính trong giao dịch dầu thô giữa Trung Quốc và các nước khu vực Trung Đông. Nếu điều này xảy ra thì đây sẽ là đòn giáng mạnh vào vị thế của đồng USD, trực tiếp thách thức khái niệm Petrodollar - hệ thống thanh toán dầu thô bằng đồng USD trên toàn cầu.
Lịch sử hình thành và phát triển đồng nhân dân tệ
Thế kỷ 16 - giữa thế kỷ 20: Khởi đầu của đồng nhân dân tệ
Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tạo ra tiền tệ để thay thế việc trao đổi hàng hóa. Những đồng xu đầu tiên được ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, chúng được làm từ đồng và có một lỗ ở giữa để giữ chúng bằng dây. Khoảng năm 910 sau Công Nguyên, Trung Quốc đã thử nghiệm tiền giấy do một số khu vực thường xuyên thiếu đồng.
Mãi về sau, vào năm 1889, đồng đô la bạc có nguồn gốc từ đồng đô la Tây Ban Nha (peso) mới được ra đời để thay thế tiền đồng. Đồng peso đã được lưu hành rộng rãi ở Đông Nam Á kể từ những năm 1600 do sự hiện diện của người Tây Ban Nha ở đảo Guam và Philippines gần đó. Cùng thời gian đó, đồng nhân dân tệ cũng được ra đời dưới dạng tiền giấy.
Vào tháng 12 năm 1948, đồng nhân dân tệ chính thức được phát hành lần đầu tiên bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), khoảng một năm trước khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Lúc đầu nó chỉ được phát hành dưới dạng giấy và thay thế các loại tiền tệ khác nhau lưu hành trong các khu vực do Cộng sản kiểm soát.
Vào thời điểm đó, Trung Quốc đang tham gia vào cuộc nội chiến giữa Đảng Cộng sản và những người theo Chủ nghĩa Quốc Dân đảng. Khi cuộc xung đột đó kết thúc, những người thuộc Cộng sản đã giành chiến thắng.
Giữa thế kỷ 20 - nay: Nhân dân tệ hiện đại
Sau cuộc xung đột, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ mới là chấm dứt tình trạng siêu lạm phát đã hoành hành Trung Quốc trong những năm cuối của kỷ nguyên Quốc Dân Đảng. Để đạt được điều đó, năm 1955, một loạt đồng nhân dân tệ thứ hai được phát hành để thay thế đồng nhân dân tệ cũ với tỷ lệ 10,000 nhân dân tệ cũ đổi một nhân dân tệ mới.
Đồng nhân dân tệ thứ ba được phát hành vào năm 1962, sử dụng công nghệ in nhiều màu và lần đầu tiên sử dụng các bản in khắc bằng tay. Trong thời kỳ sau đó, giá trị của đồng nhân dân tệ được thiết lập một cách phi thực tế với nhiều loại tiền tệ phương Tây, do đó đã tạo ra một thị trường ngầm rộng lớn cho các giao dịch ngoại hối.
Vào cuối những năm 1980, Trung Quốc đã nỗ lực làm cho đồng nhân dân tệ có khả năng chuyển đổi cao hơn nhằm tạo ra một tỷ giá hối đoái thực tế hơn. Những cải cách kinh tế này đã khiến đồng nhân dân tệ mất giá. Năm 1987, loạt nhân dân tệ thứ tư được phát hành có hình mờ, mực từ tính và mực huỳnh quang.
Năm 1999, đồng nhân dân tệ thứ năm được phát hành, có hình Mao Trạch Đông trên tất cả các tờ tiền. Cùng khoảng thời gian đó, từ năm 1997 đến năm 2005, chính phủ Trung Quốc đã cố định tỷ giá đồng nhân dân tệ ở mức khoảng 8,3 CNY đổi 1 USD, bất chấp những lời chỉ trích từ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, vào ngày 21 tháng 7 năm 2005, ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuyên bố sẽ dỡ bỏ tỷ giá hối đoái cố định với đồng USD và bắt đầu thực hiện chính sách yết giá tham chiếu. Theo chính sách này, PBoC sẽ công bố tỷ giá tham chiếu của đồng CNY/USD hàng ngày, đồng nhân dân tệ sẽ được phép biến động ở mức trên dưới 0.3% so với tỷ giá tham chiếu.
Sau thông báo, đồng nhân dân tệ đã được định giá lại ở mức 8,1 CNY đổi 1 USD. Đến năm 2007, biên độ giao động hàng ngày của đồng nhân dân tệ so với đồng USD được mở rộng lên ở mức tăng giảm 0.5%.
Đến thời điểm hiện tại, biên độ này duy trì ở mức tăng giảm 2%, đồng thời tỷ giá CNY/USD cũng đã có xu hướng tăng dần, đồng nhân dân tệ được giao dịch quanh mức 7.1 đến 7.3 so với đồng USD.
dubaotiente.com