Nhận định giá dầu: Liệu OPEC có kéo dài việc cắt giảm nguồn cung đến 2024?
Bùi Hải Đăng
Junior Analyst
Giá dầu đã tăng khoảng 1.3% sau khi Saudi Arabia và Nga nhắc lại cam kết về việc cắt giảm nguồn cung đến cuối năm 2023, tuy nhiên Venezuela hiện đang có những động thái nhằm gia tăng sản lượng khai thác dầu mỏ. Triển vọng nào cho giá dầu?
Cắt giảm nguồn cung đến 2024?
Trước những dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế Mỹ và châu Âu (thông qua dữ liệu PMI gần đây), các nước OPEC có thể sẽ tiếp tục cắt giảm nguồn cung tự nguyện đến quý I năm 2024. Như OPEC đã tuyên bố, mục tiêu của họ là duy trì sự ổn định và cân bằng giá dầu và do đó các biện pháp cắt giảm là cần thiết vào năm 2024 nếu nhu cầu dầu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Venezuela đang đàm phán với các công ty dầu mỏ để khôi phục sản lượng
Theo như OPEC, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt (tạm thời) không có tác động đáng kể nào đến thị trường. Sự suy giảm về vốn đầu tư, bảo trì và nâng cấp hạ tầng đã khiến chính quyền Venezuela gặp khó khăn. Dựa trên dữ liệu gần đây của Baker Hughes, Venezuela chỉ còn 1 giàn khoan đang hoạt động trên tổng số 80 giàn khoan đã hoạt động vào năm 2014. Đây là lý do khiến OPEC lo ngại khi sự phục hồi nhanh chóng về sản lượng của Venezuela có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung dầu và khiến giá dầu quay đầu giảm.
Các quan chức Venezuela đã đưa ra các đề xuất cho các nhà thầu tư nhân để vận hành một số mỏ dầu của PDVSA (công ty dầu khí nhà nước Venezuela) nhằm nâng cao công suất. Theo các nguồn tin, một số công ty đã tiếp cận PDVSA để xây dựng lại các mối quan hệ kinh doanh. Trước khi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt, PDVSA dường như đã có kế hoạch khôi phục các giếng và giàn khoan để tăng công suất. Đây là một vấn đề quan trọng và có thể trở thành tâm điểm vào tuần tới khi xét đến cam kết cắt giảm nguồn cung của OPEC.
Lịch kinh tế ảnh hưởng tới dầu thô
Trong tuần này, không có quá nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng, nhưng một chỉ số đáng chú ý là dữ liệu về xuất nhập khẩu của Trung Quốc sẽ cho thấy nền kinh tế của quốc gia này có đang phục hồi hay không. Ngoài ra, xuất khẩu của Trung Quốc cũng là một yếu tố quan trọng cho kinh tế toàn cầu, vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của nhiều quốc gia. Trước đó, doanh số bán hàng thất vọng của Apple ở thị trường này đã làm dấy lên lo ngại về sự suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, trong năm 2023 nhu cầu và tiêu thụ dầu của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức cao khi quốc gia này tăng cường dự trữ dầu. Điều này có nghĩa giá dầu vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nhu cầu, nhưng có thể sẽ bị ảnh hưởng khi Trung Quốc dừng dự trữ dầu thô.
Phân tích kỹ thuật giá dầu
Giá dầu WTI đã giao dịch trong một biên độ hẹp trong 5 ngày qua, tuy nhiên đã quay trở lại dưới đường MA 100 ngày. Nếu vùng 80 USD/thùng bị phá vỡ, giá có thể thoái lui về đường MA 200 ngày tại ngưỡng 78.15 USD/thùng. Đây cũng là mức giá mà trong quá khứ đã có một sự bùng nổ tăng giá kéo dài lên tới 95 USD/thùng và có thể trở thành một vùng hỗ trợ quan trọng.
Ngược lại, nếu giá quay trở lại đà tăng thì kháng cự đầu tiên sẽ nằm tại ngưỡng 82.92 USD, xa hơn nữa là mức MA 20 ngày tại 84.60 USD/thùng và mức tâm lý 85.00 USD/thùng.
Các ngưỡng hỗ trợ quan trọng:
- 80.00
- 78.15
- 76.95
Các ngưỡng kháng cự quan trọng:
- 81.71
- 82.92
- 84.60
Biểu đồ giá dầu WTI khung ngày
DailyFX