Nhận định tuần đồng USD: Phân kỳ chính sách tiền tệ khả năng sẽ nới rộng và hỗ trợ đồng USD
Thành Duy
Junior editor
Chỉ số DXY tăng tuần thứ ba liên tiếp mặc dù nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay. Dù vậy, cần lưu ý rằng sự phân kỳ chính sách tiền tệ giữa Fed và các ngân hàng trung ương khác khả năng sẽ nới rộng trong thời gian tới, điều này có thể hỗ trợ đồng USD.
Bối cảnh chung
Đồng bạc xanh đã có một tuần giao dịch khá ấn tượng, tiến sát vùng kháng cự 106.00. Đà tăng này được thúc đẩy chủ yếu bởi sự phân kỳ trong chính sách tiền tệ giữa Fed và phần lớn các ngân hàng trung ương G10 khác. Lợi suất TPCP Mỹ trong tuần này vẫn trong xu hướng đi ngang, trái ngược với đà tăng mạnh mẽ của đồng USD.
Nhìn lại diễn biến gần đây của USD, có thể thấy đồng tiền này đã lấy lại sức mạnh so với các đồng tiền nhạy cảm trước rủi ro sau khi trải qua đợt bán tháo do dữ liệu lạm phát Mỹ thấp hơn dự kiến vào tháng 5, theo chỉ số CPI.
Lực cầu USD quay trở lại song song với việc các nhà đầu tư điều chỉnh kỳ vọng sau cuộc họp của FOMC vào ngày 12/06, khi quyết định giữ nguyên lãi suất mục tiêu 5.25% - 5.50%, phù hợp với dự đoán thị trường. Ủy ban cũng chỉ báo hiệu một lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, có thể diễn ra vào tháng 12.
Dù vậy, áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, cùng với sự suy giảm đà tăng trưởng ở một số lĩnh vực như thị trường lao động Mỹ (theo báo cáo JOLTs và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần), lĩnh vực sản xuất và niềm tin người tiêu dùng, đã khiến các nhà đầu tư dự đoán Fed có thể thực hiện hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, khả năng vào tháng 9 và tháng 12.
Bình luận của các quan chức Fed về xu hướng lạm phát và lãi suất
Trong cuộc họp gần đây nhất của Fed, Chủ tịch Jerome Powell và phần lớn các thành viên FOMC nhấn mạnh rằng việc bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ đòi hỏi sự chắc chắn hơn vào việc lạm phát đang dần hướng tới mục tiêu 2% của Fed, điều này hiện vẫn chưa đạt được.
Quan điểm trên vẫn được duy trì cho đến nay. Đầu tuần này, Chủ tịch Fed Boston, Susan Collins, khuyến cáo không nên vội vàng và chỉ nhìn vào dữ liệu lạm phát gần đây, đồng thời khẳng định Fed cần chờ đợi những dấu hiệu rõ ràng hơn về trước khi xem xét cắt giảm lãi suất. Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed Richmond, Thomas Barkin, cho biết ông cần quan sát thêm dữ liệu kinh tế trong nhiều tháng nữa trước khi ủng hộ việc cắt giảm lãi suất. Đồng quan điểm, Chủ tịch Fed St. Louis, Alberto Musalem, nêu rõ Fed chỉ nên cân nhắc giảm lãi suất sau một thời gian kể từ khi lạm phát giảm (có thể từ vài tháng đến vài quý), nhu cầu giảm và nguồn cung tăng. Không khác biệt là mấy, Chủ tịch Fed New York, John Williams, cũng nhận định rằng lãi suất sẽ giảm dần theo thời gian, tuy nhiên ông không nêu rõ thời điểm cụ thể mà Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Cuối cùng, Chủ tịch Fed Minneapolis, Neel Kashkari, dự đoán có thể mất một hoặc hai năm để lạm phát đạt được mục tiêu của Fed.
Theo FedWatch Tool của CME Group, khả năng Fed hạ lãi suất trong hai cuộc họp sắp tới lần lượt là 66% vào ngày 18/09 và gần 95% vào cuối năm nay.
Phân kỳ chính sách tiền tệ khả năng sẽ nới rộng và hỗ trợ cho đồng USD
Các ngân hàng trung ương G10 đang có những động thái điều chỉnh lãi suất khác nhau nhằm ứng phó với áp lực lạm phát. ECB đã giảm lãi suất 25 bps trong cuộc họp ngày 06/06, trong khi SNB bất ngờ cắt giảm lãi suất thêm 25 bps vào ngày 20/06 mới đây, còn BoE và BoJ vẫn duy trì lập trường dovish trong các tuyên bố lần lượt vào ngày 20/06 và 14/06. Ngược lại, RBA có thể bắt đầu nới lỏng chính sách vào nửa đầu năm sau và Fed có thể giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Như vậy, sự phân kỳ chính sách hiện tại giữa Fed và các ngân hàng trung ương khác khả năng sẽ nới rộng trong vài tháng tới, điều này có thể hỗ trợ đồng USD.
Sự kiện quan trọng sắp tới
Về mặt dữ liệu kinh tế, tuần tới sẽ là một tuần khá thưa, sự kiện nổi bật nhất có lẽ là công bố số liệu lạm phát của Mỹ được đo bằng chỉ số PCE vào ngày 28/06.
Phân tích kỹ thuật
Chỉ số DXY, thước đo sức mạnh của đồng USD so với rổ gồm sáu đồng tiền chính khác, đã tăng miệt mài từ mức đáy gần đây quanh 104.00, tiến gần đến kháng cự 106.00. Nếu vượt qua được mốc này, DXY có thể hướng tới mục tiêu tiếp theo là đỉnh cao năm 2024 tính tới hiện tại 106.50. Sau khi chinh phục được ngưỡng này, chỉ số có thể tiếp tục tăng và thử thách mức cao của tháng 11 năm 2023 là 107.11 trước khi tiến đến đỉnh năm 2023 tại 107.34.
Ở chiều giảm, DXY dự kiến sẽ gặp hỗ trợ gần tại đường SMA 200 ở mức 104.48, sau đó là đáy tháng 6 tính tới hiện tại 103.99. Nếu tiếp tục giảm, các mốc hỗ trợ cần chú ý tiếp theo là đáy tuần 103.88, đáy tháng 3 tại 102.35 và đáy tháng 12 năm 2023 là 100.61, trước khi chạm đến mốc tâm lý 100.00.
Nhìn chung, xu hướng tăng của đồng USD có thể duy trì trong ngắn hạn miễn là duy trì trên đường SMA 200. Sự phân kỳ chính sách tiền tệ giữa Fed và các ngân hàng trung ương khác, cùng với dữ liệu kinh tế sắp tới sẽ là những yếu tố then chốt định hướng cho biến động của đồng USD trong thời gian tới.
Đồ thị ngày chỉ só DXY
FXStreet