Nhận định tuần giá vàng: Powell có thể sẽ né tránh thảo luận về chính sách tiền tệ trong hai phiên điều trần, báo cáo CPI là tâm điểm
Thành Duy
Junior editor
Vàng hưởng lợi từ đà giảm trên diện rộng của đồng USD và ghi nhận tuần giao dịch ấn tượng với mức tăng gần 70 USD/ounce, đóng cửa tại 2,391 USD. Bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hai phiên điều trần và báo cáo CPI của Mỹ sẽ là tâm điểm tuần tới.
Điểm lại diễn biến tuần qua
Vào thứ Hai, vàng ghi nhận mức tăng nhẹ khi đồng USD gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cầu đầu tuần. Chỉ số PMI Sản xuất ISM giảm nhẹ xuống 48.5 trong tháng 6 từ 48.7 của tháng 5 và chỉ số giá đầu vào, thước đo lạm phát của cuộc khảo sát, giảm mạnh xuống 52.1 từ 57.0.
Sang thứ Ba, sau phát biểu của Chủ tịch Fed Powell về triển vọng chính sách, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ và vàng đã giữ vững vị thế. Phát biểu tại một hội thảo thuộc Diễn đàn Ngân hàng Trung ương của ECB ở Sintra, ông Powell thừa nhận rằng xu hướng giảm lạm phát đang có dấu hiệu quay trở lại và cho biết thêm rằng dữ liệu gần đây cho thấy những tiến triển đáng kể.
Đến thứ Tư, đồng USD chịu thêm áp lực bán, vàng lại được đà tăng tiếp. ADP báo cáo rằng việc làm khu vực tư nhân tăng 150,000 trong tháng 6, thấp hơn dự báo là 160,000. Trong khi đó, dữ liệu hàng tuần do Bộ Lao động công bố cho thấy có 238,000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 29/06, tăng so với mức 234,000 của tuần trước. Cuối cùng, chỉ số PMI Dịch vụ giảm xuống 48.8 trong tháng 6 từ 53.8 của tháng 5, cho thấy hoạt động ngành dịch vụ đang thu hẹp. Hơn nữa, chỉ số việc làm và chỉ số giá đầu vào cũng lần lượt giảm xuống 46.1 và 56.3. Sau dữ liệu ảm đạm của Mỹ, vàng lần đầu tiên trong hai tuần vượt qua mức 2,360 USD.
Nghỉ lễ Quốc khánh vào thứ Năm, thanh khoản thị trường suy giảm đáng kể do thị Mỹ đóng cửa và vàng bước vào giai đoạn đi ngang.
Cuối tuần giao dịch, Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) công bố số liệu việc làm phi nông nghiệp tăng 206,000 trong tháng 6. Mặc dù con số này vượt qua kỳ vọng thị trường là 190,000, việc điều chỉnh giảm mức tăng của tháng 5 từ 272,000 xuống 218,000 đã khiến USD khó lấy lại đà tăng. Các chi tiết khác của báo cáo cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ lên 4.1% từ 4.0%, trong khi lạm phát tiền lương hàng năm giảm xuống 3.9% từ 4.1%. Vàng ngay lập tức phản ứng và tăng vọt, đóng cửa tại 2,391 USD, mức cao nhất kể từ đầu tháng 6.
Sự kiện trọng tâm tuần tới
Lịch kinh tế Mỹ sẽ khá im ắng trong nửa đầu tuần, tâm điểm sẽ dồn vào hai bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện vào thứ Ba và Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện vào thứ Tư.
Powell có thể sẽ né tránh thảo luận về chính sách tiền tệ
Do diễn ra trước thềm bầu cử Tổng thống tháng 11, nội dung trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn của Powell nhiều khả năng sẽ tập trung vào các vấn đề chính trị như nhập cư, lạm phát và thất nghiệp thay vì đưa ra manh mối mới về triển vọng chính sách tiền tệ.
Dữ liệu CPI tháng 6 được chú ý
Điểm nhấn tiếp theo là báo cáo CPI tháng 6 của Mỹ được công bố vào thứ Năm. Dự kiến CPI tháng 6 sẽ tăng 0.1% so với tháng trước, trong khi CPI lõi (loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động) giữ nguyên mức tăng 0.2%. Một số liệu CPI lõi cao hơn dự kiến sẽ làm giảm khả năng Fed hạ suất vào tháng 9, thúc đẩy đồng USD và ngược lại.
Phân tích kỹ thuật
Dưới góc độ kỹ thuật, chỉ báo RSI đang tăng lên vùng 60.00, đóng cửa trên hai đường SMA 20 và 50 trong ba ngày liên tiếp, cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn đang được củng cố.
Kháng cự gần tại 2,390 USD vẫn chưa bị xuyên phá hoàn toàn, cùng với ngưỡng tâm lý 2,400 USD sẽ tạo thành vùng cản tương đối khó nhằn cho phe mua. Nếu break-out vùng này dứt khoát, vàng có thể sẽ tìm về đỉnh lịch sử 2,450 USD.
Ngược lại, hỗ trợ quan trọng là vùng 2,340 - 2,330 USD, nơi hội tụ hai đường SMA 20 và 50 cùng với ngưỡng thoái lui Fibonacci 23.6% của xu hướng tăng từ giữa tháng 2 đến tháng 6. Nếu vàng thủng 2,330 USD, các mức hỗ trợ tiếp theo sẽ là ngưỡng tâm lý 2,300 USD và SMA 100 tại 2,270 USD.
XAU/USD đồ thị ngày
FXStreet