Nhận định USD/JPY: Đồng Yên chạm đáy 38 năm; BoJ "đứng ngồi không yên"
Phạm Phương Anh
Junior Editor
USD/JPY giao dịch gần mức đỉnh 161.75 kể từ năm 1986 vào thứ Ba. Cuộc khảo sát của Reuters cho thấy BoJ có thể cắt giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng, với tổng quy mô khoảng 100 tỷ USD trong năm đầu tiên. Đồng USD tăng do lợi suất TPCP cao hơn giữa kỳ vọng gia tăng về việc Fed cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
USD/JPY giao dịch gần mức cao nhất quanh 161.75 kể từ năm 1986. Tuy nhiên, sự can thiệp bằng lời nói từ chính quyền Nhật Bản có thể hạn chế đà giảm của đồng JPY.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki tuyên bố hôm thứ Ba rằng ông đang "theo dõi chặt chẽ biến động tỷ giá hối đoái". Suzuki từ chối bình luận về các mức tỷ giá cụ thể, lưu ý rằng không có thay đổi trong lập trường của chính phủ về ngoại hối, theo Reuters.
Đồng USD chấm dứt chuỗi giảm 3 ngày khi lợi suất TPCP Mỹ tăng do kỳ vọng cao hơn về việc Fed sẽ giảm lãi suất trong năm 2024. Các nhà giao dịch đang chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào tối nay theo giờ Việt Nam.
Tổng quan thị trường
- Theo khảo sát mới nhất của Reuters được thực hiện từ ngày 25/6 đến 1/7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự kiến sẽ giảm quy mô mua trái phiếu hàng tháng xuống khoảng 100 tỷ USD (16 nghìn tỷ Yên) trong năm đầu tiên theo kế hoạch thắt chặt định lượng (QT) dự kiến sẽ công bố trong tháng này. Điều chỉnh này sẽ đưa mức mua hàng tháng từ 6 nghìn tỷ Yên xuống còn 4.65 nghìn tỷ Yên. Trong năm thứ hai, những người tham gia khảo sát dự đoán sẽ có thêm các đợt cắt giảm, mức mua trung bình hàng tháng sẽ còn khoảng 3.55 nghìn tỷ Yên.
- Vào thứ Hai, các chiến lược gia OCBC Frances Cheung và Christopher Wong lưu ý rằng "USD/JPY tiếp tục giao dịch quanh mức đỉnh gần đây. Đây cũng là mức cao nhất kể từ năm 1986. Có những kỳ vọng rằng các nhà chính phủ Nhật Bản có thể sớm can thiệp. Mặc dù tỷ giá giữa JPY và các đồng tiền khác là một yếu tố cần xem xét, các quan chức cũng tập trung vào tốc độ sụt giảm giá trị của đồng Yên vì mục đích của can thiệp là kiềm chế những biến động quá mức.”
- Chỉ số PMI của Mỹ bất ngờ giảm xuống 48.5 trong tháng 6 từ mức 48.7 trong tháng 5, thấp hơn dự báo 49.1. Kết quả này cho thấy hoạt động sản xuất suy giảm trong tháng thứ ba liên tiếp và đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 2, theo dữ liệu công bố hôm thứ Hai.
- Chỉ số Tankan Sản xuất quy mô lớn của Nhật Bản tăng lên 13 trong quý 2 từ mức 11 của quý trước. Chỉ số đạt mức cao nhất trong hai năm giữa bối cảnh triển vọng kinh tế được cải thiện. Trong khi đó, PMI Sản xuất của Jibun Bank Nhật Bản tháng 6 được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 50 từ mức sơ bộ 50.1 nhưng vẫn cho thấy ngành sản xuất mở rộng trong tháng thứ hai liên tiếp.
- Vào thứ Sáu, Chủ tịch Fed Francisco Mary Daly cho biết chính sách tiền tệ đang hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói khi nào là thời điểm thích hợp để cắt giảm lãi suất. Bà Daly nói: "Nếu lạm phát vẫn dai dẳng hoặc giảm chậm, lãi suất sẽ cần phải duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn," theo Reuters.
- Cục Phân tích Kinh tế Mỹ báo cáo rằng lạm phát Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm. Chỉ số PCE của Mỹ tăng 2.6% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 5, thấp hơn mức 2.7% trong tháng 4, đáp ứng kỳ vọng thị trường. PCE lõi cũng tăng 2.6% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 5, giảm từ mức 2.8% trong tháng 4.
Phân tích kỹ thuật
Biểu đồ USD/JPY khung thời gian ngày
Cặp USD/JPY đang giao dịch quanh vùng 161.60 vào thứ Ba. Đồ thị Daily vẫn đang thể hiện xu hướng tích cực, cặp tiền đang tiến gần đường biên trên của kênh giá tăng. Tuy nhiên, cần thận trọng vì chỉ báo RSI 14 ngày đang rơi vào vùng quá mua. Điều này củng cố khả năng cặp tiền sẽ có một đợt điều chỉnh giảm trong thời gian sắp tới.
Nếu USD/JPY break ra khỏi đường biên trên của mô hình kênh giá tăng, cặp tiền này có thể tiến lên cản tâm lý 162.00.
Ngược lại, mức hỗ trợ ngắn hạn hiện nay là đường EMA 9 ngày, quanh 160.38. Nếu break xuống dưới mức giá này, cặp tiền có thể giảm xuống 158.50, đường biên dưới của kênh giá tăng.
FXStreet