Nhân viên London chỉ làm việc tại văn phòng nửa tuần, đặt ra thách thức mới cho thủ đô Anh
Quế Anh
Junior Editor
London đang tụt hậu so với các thành phố quốc tế khác khi xét tới tần suất làm việc tại văn phòng, làm dấy lên lo ngại về năng suất cũng như mức hấp dẫn đầu tư của thủ đô Anh.
Theo kết quả khảo sát được công bố bởi viện nghiên cứu Centre for Cities, nhân sự toàn thời gian tại London hiện chỉ dành hơn một nửa tuần làm việc tại văn phòng. Mặc dù con số này đã cải thiện so với năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với các thành phố lớn khác như Paris, New York, Sydney và Singapore. Trong số 6 thành phố được phân tích, chỉ có Toronto là có tỷ lệ làm việc tại văn phòng thấp tương đương London. Các chuyên gia Rob Johnson và Oscar Selby, đồng tác giả báo cáo, nhận định: "Xu hướng quay trở lại văn phòng tại London diễn ra chậm chạp so với các thành phố khác trên thế giới. Việc giảm tần suất tương tác trực tiếp giữa các nhân viên tại trung tâm London có thể đặt thành phố này vào thế bất lợi về năng suất so với các trung tâm kinh tế lớn khác.”
London tụt hậu lại phía sau so với các thành phố lớn khác khi xét đến yếu tố quay trở lại văn phòng
Số liệu này phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong mô hình làm việc sau đại dịch COVID-19. Nhiều người lao động, sau thời gian dài làm việc tại nhà do các biện pháp phong tỏa, nay tỏ ra miễn cưỡng khi phải quay lại văn phòng hàng ngày. Tại Anh, hiện trạng này có thể nhìn thấy qua cuộc đình công của nhân viên Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) sau khi được yêu cầu làm việc tại văn phòng ít nhất hai ngày mỗi tuần. Các tổ chức công đoàn khẳng định làm việc tại nhà không ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất.
Trong bối cảnh này, thủ tướng Keir Starmer đặt kỳ vọng vào việc cải thiện tình hình tăng trưởng năng suất yếu kém trong hơn một thập kỷ qua. Đây được xem là một trong những cam kết quan trọng giúp Đảng Lao động của ông giành được quyền lực vào tháng 7 vừa qua.
Paris dẫn đầu bảng xếp hạng về số ngày đến văn phòng trung bình với 3.5 ngày, tiếp theo là Singapore (3.2 ngày) và New York (3.1 ngày). Số liệu cho thấy nhân viên tại trung tâm London chỉ đến văn phòng trung bình 2.7 ngày mỗi tuần, với nhóm nhân viên trẻ từ 18-24 tuổi có xu hướng làm việc tại văn phòng nhiều hơn so với các đồng nghiệp lớn tuổi.
Chi phí và thời gian di chuyển được xem là nguyên nhân chính khiến nhiều người lao động London ưa thích làm việc tại nhà. Hơn 40% người được khảo sát cho biết giảm chi phí đi lại là lợi ích lớn của làm việc từ xa, cao hơn mức trung bình 34% ở các thành phố khác. Họ cũng có xu hướng làm việc tại nhà hơn khi nhấn mạnh thời gian tiết kiệm được khi không phải đi lại.
Nhân sự tại London thích làm việc tại nhà hơn với chi phí di chuyển giảm, mức độ linh hoạt cao
Để giải quyết vấn đề này, Centre for Cities đề xuất tăng cường các quy định về việc trở lại văn phòng ở tất cả các thành phố lớn. Khảo sát cho thấy chỉ dưới 10% người lao động sẽ nghỉ việc nếu quy định này được thắt chặt, còn lại đa số nhận ra những lợi ích của làm việc tại văn phòng
Đối với London, các biện pháp khuyến khích được đề xuất bao gồm giảm chi phí đi lại, tăng tỷ lệ làm việc tại văn phòng trong khu vực công và đánh giá tác động của mô hình làm việc kết hợp đối với năng suất quốc gia.
Báo cáo nhấn mạnh: "Tác động tiềm tàng khi chấp nhận một 'bình thường mới', cùng mức độ làm việc tại văn phòng giảm so với trước đại dịch, ảnh hướng lớn đến năng suất, khiến xu hướng kinh tế London trở nên đáng lo ngại".
Bloomberg