Nhu cầu đồng tại Trung Quốc chưa thể khởi sắc trong giai đoạn cao điểm
Đinh Nguyễn Trường Giang
Junior Analyst
Nhu cầu đồng ở quốc gia nhập khẩu nhiều nhất thế giới đang giảm đi tại thời điểm đáng nhẽ phải tăng lên như mọi năm.
Thị trường đồng, được coi là chỉ báo về sức khỏe kinh tế Trung Quốc, đang nhận được một số hỗ trợ từ cuộc chuyển đổi năng lượng và những nỗ lực của Bắc Kinh để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, người mua chưa thấy đủ lý do, còn ngành sản xuất vẫn đang thận trọng khi lợi nhuận và biên lợi nhuận đều sụt giảm.
"Nhu cầu tiêu dùng đang kém hơn so với vài năm trước do môi trường kinh tế vĩ mô," theo Hai Jianxun, một giám đốc kinh doanh tại Công ty Đồng Henan Yuxing, "Cả ngành công nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn."
Giá đồng giao dịch trong biên độ hẹp trong vài tháng sau khi Trung Quốc mất đà tăng trưởng. Các biện pháp gần đây của chính phủ chỉ đã giúp ổn định nền kinh tế “một chút”, nhưng thông tin về nhu cầu yếu làm lo lắng các nhà đầu tư vì mùa thu thường là một giai đoạn bận rộn của các nhà sản xuất kim loại.
Ứng dụng rộng rãi của đồng mang lại cái nhìn toàn diện về bức tranh mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt khi họ cố gắng phục hồi nền kinh tế, đồng thời chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình kinh tế chủ yếu dựa vào thương mại sang tiêu dùng và đẩy nhanh sự chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Theo Citigroup, 25% nhu cầu đồng của Trung Quốc đến từ ngành xây dựng, nhưng đã giảm nghiêm trọng do khủng hoảng bất động sản. Nhu cầu từ tiêu dùng chiếm 16%, và cũng đã gánh chịu thiệt hại khi các hộ gia đình Trung Quốc tiết kiệm do sự không chắc chắn về kinh tế.
Nhu cầu cho sản xuất, truyền tải và lưu trữ điện chiếm 20%, và phần lớn trong số này, chủ yếu liên quan đến năng lượng sạch và xe điện, đã tăng nhanh khi các nỗ lực xanh hóa nền kinh tế xanh đang đạt được kết quả.
Năng lượng sạch
Nhu cầu đồng tinh luyện đã tăng 6.3% trong nửa đầu năm, theo Bloomberg. Đó là mức tăng nhanh, nhưng lại do cơ sở tham chiếu thấp sau khi Trung Quốc mở cửa. Động lực tăng trưởng chính đến từ năng lượng sạch và các thiết bị như điều hòa không khí, do nhu cầu làm mát mùa hè.
Tuy nhiên, triển vọng cho nửa cuối năm ít hứa hẹn hơn. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu có thể giảm xuống 3.9% khi tăng trưởng trong sản xuất năng lượng mặt trời của Trung Quốc chậm lại và các hộ gia đình giảm chi tiêu mua sắm, theo Ji Xianfei, một nhà phân tích của Guotai Junan Futures Co.
Điều đó ngụ ý rằng mùa cao điểm - mùa thu, sẽ không đáp ứng được kỳ vọng. Mặc dù các lò luyện kim đã gia tăng sản xuất, doanh số vẫn chưa theo kịp tiến độ, theo Ye Jianhua, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Shanghai Metals Market, dựa trên một cuộc khảo sát các nhà máy. “Chênh lệch giá đang giảm. Nói chung, tiêu dùng đang chậm hơn."
Các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn từ Bắc Kinh có thể thay đổi cục diện, nhưng trong dài hạn, có khả năng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải chấp nhận tăng trưởng chậm hơn, theo Eric Liu, trưởng phòng giao dịch tại Công ty ASK Resources Ltd.
“Không có bất kỳ ngành nào đủ để thay thế bất động sản và năng lượng tái tạo để tạo ra sự đột phá," ông nói.
Trong 7 tháng đầu năm, các nhà sản xuất và luyện kim của Trung Quốc đã ghi nhận mức lợi nhuận lũy kế thấp nhất trong hơn một thập kỷ, theo Cục Thống kê Quốc gia. Henan Yuxing cho biết lợi nhuận của công ty đã giảm so với các năm trước, ngay cả khi đã tăng doanh số bán hàng bằng cách ra mắt sản phẩm mới để mở rộng tệp khách hàng.
Vấn đề, theo Ji của Guotai Junan, là khách hàng đang thắt chặt chi tiêu và tìm kiếm các tùy chọn giá rẻ hơn. Vì vậy, ngay cả khi nhu cầu tiến triển, giá vẫn thấp và biên lợi nhuận bị kìm hãm.
"Cho đến nay, nhu cầu chủ yếu được kích thích bởi sự hỗ trợ của chính phủ, bao gồm các khoản hỗ trợ tài chính, không phải là tiêu dùng tự phát từ các hộ gia đình", ông nói.
Điều đó khiến cho những người sản xuất gặp khó khăn.
"Chúng tôi đang theo dõi những diễn biến đó", ông Hai nói. "Dù sao đi nữa, đây vẫn là một thị trường bị chi phối bởi chính sách."
Bloomberg