Những người nắm giữ Bitcoin: Hãy cảnh giác!
Nguyễn Long Hà
Junior Analyst
Sự chấp thuận đối với quỹ Bitcoin ETF có thể đang được kỳ vọng quá cao. Bộ tài chính Hoa Kỳ đang hướng sự quan tâm đến các “mã độc tống tiền” và các biện pháp trừng phạt. Đồng Tether đang là mục tiêu tiếp theo bị nhắm đến. Liệu BTC có phải là một cú lừa đầy toan tính dành cho Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung Ương?
Sau bài viết “Tại sao đây có thể vùng đỉnh hiện tại của Bitcoin” của chính tác giả vào hồi tháng 3, đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới này đã đạt đỉnh trong vòng một tháng và mất đi 50% giá trị ngay sau đó. Phải mất một khoảng thời gian rất dài để nó tạo được một vùng đáy và quay trở lại đà tăng, trong tuần này Bitcoin (BTC/USD) đã xác lập mức giá mới cao nhất mọi thời đại và hiện đang giao động quanh vùng đỉnh cũ. Tuy nhiên, bài viết này lại mang mục đích cảnh báo các nhà đầu tư, nên tránh xa đồng tiền điện tử này.
Sự phê duyệt đối với quỹ ETF có thể đang được kỳ vọng quá cao
Bitcoin cuối cùng đã nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) cho ra đời một sản phẩm phái sinh của Bitcoin ETF dưới hình thức hợp đồng tương lai. Chứng chỉ quỹ ProShares Bitcoin Strategy ETF (NYSEARCA: BITO) đã bắt đầu được giao dịch từ thứ Ba tuần này. Có thể thấy, các nhà đầu tư bitcoin rất hào hứng với sự kiện kể trên và hy vọng rằng nó sẽ mang lại dòng vốn đầu tư lớn cho BTC. Nhưng phần tiếp theo của bài viết sẽ là một gáo nước lạnh dành cho ý tưởng kể trên.
Nhiều bài báo về tiền điện tử đã đề cập đến quy mô thị trường của các quỹ ETFs, hiện đang ở mức 6.3 nghìn tỷ đô la, như thể ngầm ám chỉ rằng, phần lớn số tiền này sẽ sớm tìm được đường vào Bitcoin. Thực tế, quỹ ETF vàng lớn nhất trên thế giới hiện có số tài sản được quản lý chỉ 58 tỷ đô la, và bất kỳ nhà đầu tư tổ chức nào cũng đều đã có sở hữu Bitcoin. BTC đã tồn tại sẵn trong các quỹ thông qua các công ty như Grayscale (OTC: GBTC) và tỷ phú đầu tư quỹ tương hỗ, Paul Tudor Jones, cũng bắt đầu tham gia vào Bitcoin từ tháng 5 năm 2020. Các quỹ tương hỗ khác, chẳng hạn như Brevan Howard, đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực tiền điện tử này.
(Nguồn: ETF Database)
Chứng chỉ quỹ ETF dưới hình thức hợp đồng tương lai là một sản phẩm khác góp phần nâng cao vị thế của Bitcoin như một loại tài sản được công nhận trên toàn cầu, nhưng nó không cho thấy sự chuyển dịch của dòng tiền như một số người đã mong đợi. Điều này cũng có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư rút tiền từ ví Bitcoin và chuyển sang chứng chỉ ETF để được sở hữu gián tiếp BTC thông qua một sản phẩm có sự chứng thực và đảm bảo bởi SEC và Sở giao dịch chứng khoán New York. Kết quả đã dẫn đến một tác động bị triệt tiêu, thay vì mang lại sự kích thích mới cho thị trường tiền điện tử.
Trong các loại hàng hóa khác, việc gia tăng đầu tư tới từ các quỹ không phải lúc nào cũng là một chỉ báo cho xu hướng tăng giá, bởi vì các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường hành động như một chỉ báo đảo chiều ở vùng đỉnh và đáy.
Ủng hộ lý thuyết này, lsố lượng hợp đồng mở (open interest) của Bitcoin trên thị trường tương lai đã xác lập mức cao nhất mọi thời đại vào thứ 6 vừa qua ở ngưỡng 3.64 tỷ đô la. Cần lưu ý rằng, đỉnh cao nhất trước đó, ở ngưỡng 3.26 tỷ đô la đã xuất hiện trong lần tăng giá cuối cùng vào tháng Hai, và chỉ sau đó 2 tháng, thị trường đã sụp đổ.
Một bài báo trên Twitter của tài khoản bithedge cũng hoài nghi về quỹ ETF mới và cho rằng: "Chứng chỉ quỹ ETF dựa trên hợp đồng tương lai đối với một tài sản, thường được giao dịch cao hơn mức giá kỳ vọng rất nhiều (contango) và vì vậy tính hiệu quả của nó còn nhiều điểm nghi ngờ."
Thêm vào đó:
"Nhìn vào sự hoạt động kém hiệu quả này, trong dài hạn có thể thấy khá rõ rằng, sản phẩm hợp đồng tương lai ETF, đối với một loại tài sản chịu ảnh hưởng lớn của hiện tượng contago, có giá trị kỳ vọng bằng không."
Bộ tài chính Hoa Kỳ đang hướng sự quan tâm đến các mã độc tống tiền và các biện pháp trừng phạt
Bitcoin sẽ không tăng giá mạnh nếu không có các cảnh báo về vấn đề hacking và các hiện tượng lừa đảo. Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố thông tin về sự gia tăng của các mã độc trong thị trường tiền điện tử.
Mạng lưới phòng chống tội phạm tài chính (FinCEN) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã xác định tổng cộng 177 trường hợp ví tiền điện tử có liên quan đến các mã độc tống tiền trong nửa đầu năm 2021.
FinCEN ước tính rằng, vào cuối năm nay, các báo cáo về giá trị giao dịch liên quan đến vấn đề mã độc tống tiền, sẽ cao hơn tổng giá trị của vấn đề này trong suốt 10 năm qua.
Báo cáo nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi sang làm việc trực tuyến là một trong số các nguyên nhân, nhưng quan trọng hơn:
"Các cuộc tấn công vào các thành phố nhỏ và các tổ chức chăm sóc sức khỏe cũng gia tăng, lý do là bởi, biện pháp kiểm soát an ninh của các tổ chức này thường khá yếu và tỷ lệ chấp nhận chi trả tiền chuộc của những nạn nhân này cũng tương đối cao, do mức độ cấp thiết trong dịch vụ của họ, đặc biệt khi đang ở giữa tâm bão của một đại dịch toàn cầu như hiện nay".
Điều này đã được nhắc tới trong các bình luận trước đây của Chủ tịch SEC, Gary Gensler, ông cho rằng việc quản lý tiền điện tử chủ yếu là để bảo vệ các đơn vị và cá nhân nhỏ bé, đồng thời nêu lên mong muốn bảo vệ hệ thống tiền tệ trong tương lai.
Người sáng lập Cardano, Charles Hoskinson đã đặc biệt lưu tâm đến vấn này, tại một hội nghị thượng đỉnh công nghệ gần đây, ông nói:
"Ở DC, Bộ Tài chính làm mọi thứ có thể, để cố gắng giết chết ngành công nghiệp của chúng tôi. Một ngành công nghiệp trị giá 2 nghìn tỷ đô la chỉ mới xuất hiện gần đây, và chính phủ đang tìm cách để giết chết nó."
Thực tế, chính phủ Mỹ sẽ không bao giờ giao “chìa khóa” của hệ thống tài chính cho những người như Hoskinson, và các nhà đầu tư cần chấp nhận điều đó trước khi quá muộn.
Bộ tài chính đã đưa sàn giao dịch tiền điện tử đầu tiên vào danh sách đen từ cuối tháng 9 năm nay, thông qua các lệnh trừng phạt được áp dụng cho Suex thuộc sở hữu của Nga vì có liên quan đến các hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp cho các mã độc.
Sàn giao dịch Binance, một trong những sàn giao dịch lớn của tiền kỹ thuật số, đã phải chứng kiến hoạt động kinh doanh của mình bị đe dọa bởi các luật lệ và quy định mới.Trung Quốc là một ví dụ điển hình, khi đã thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn đối với các sàn giao dịch và thợ đào coin. Ngành công nghiệp “đào coin” hiện đã chuyển sang Mỹ và Nga nhưng cũng đang chịu sự giám sát chặt chẽ về mức tiêu thụ năng lượng. Phương pháp cứng rắn của Trung Quốc khắt khe hơn nhiều so với các chính phủ khác, nhưng cũng là cách thức nhanh nhất để giải quyết các vấn đề về tiền điện tử và các quốc gia khác có thể tham khảo và làm theo, kể cả Mỹ.
Đồng Tether cũng là một mục tiêu ở thời điểm hiện tại
Một mối đe dọa khác đối với Bitcoin là vai trò của “đồng tiền ổn định” (stablecoin) Tether, gần đây cũng đã trở thành mục tiêu hướng đến của Cục Dự trữ Liên bang.
Các quan chức Fed trước đây đã từng nhắc đến rủi ro của stablecoin đối với sự ổn định của các hoạt động tài chính, nhưng vào mùa hè năm nay, họ đã chính thức gọi tên “Tether”. Eric Rosengren, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston, đã liệt kê đồng tiền này vào danh sách những "thách thức ổn định tài chính" đang được ngân hàng trung ương giám sát.
“Lý do tôi nói về Tether và stablecoin đó là, nếu bạn nhìn vào danh mục đầu tư của họ, về cơ bản nó trông giống như danh mục đầu tư của một quỹ thị trường tiền tệ cơ bản nhưng chứa đựng nhiều rủi ro hơn” ông nói.
Rosengren lưu ý rằng Tether đã gia tăng chênh lệch giá mua - bán trong đại dịch. Bình luận của ông đề cập đến các động thái của Tether đối với các khoản tương đương tiền trong bảng cân đối kế toán của nó. Gần đây cũng có nhiều tin đồn về việc dự án này có liên quan đến Evergrande Group (OTCPK: EGRNY), nhưng sau đó đã bị bác bỏ bởi chính đại diện công ty.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta cần suy nghĩ rộng hơn về các tác nhân có thể phá vỡ thị trường tín dụng trong ngắn hạn, và chắc chắn stablecoin là một trong những yếu tố đó", Rosengren nhận xét.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch cũng đã nhận xét về thị trường stablecoin, trong tuyên bố của mình, cơ quan này cho rằng, có tiềm ẩn nguy cơ xảy ra "nhiễu loạn thị trường" với ảnh hưởng đến thị trường thương phiếu.
"Sự hỗn loạn liên quan đến stablecoin có thể ảnh hưởng đến chính thị trường thương phiếu và dẫn truyền các cú sốc đến cho những cá nhân và tổ chức khác. Rủi ro có thể trầm trọng hơn nếu cơ sở hạ tầng và đối tác mà các tổ chức vận hành stablecoin sử dụng để tham gia vào thị trường truyền thống thiếu khả năng xử lý các giao dịch trong thời kỳ căng thẳng và biến động của thị trường” Fitch nói.
Tether cũng đã bị phạt 42 triệu đô la vào tuần trước bởi Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) vì những tuyên bố gây hiểu lầm về những tài sản bảo trợ cho stablecoin. Dự án được cho là đang nắm giữ khoảng một nửa trong số 62.8 tỷ đô la tài sản dự trữ trong thương phiếu, theo một công bố từ phía công ty vào tháng Sáu.
Một sự kiện gây sốc Tether có thể có tác động nghiêm trọng đến giá Bitcoin và đồng tiền điện tử này hiện đang nằm trong tầm ngắm của Cục Dự trữ Liên bang.
Liệu BTC có phải là cú lừa đầy toan tính dành cho Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung Ương?
Nhà phân tích Martin Armstrong đã đưa ra bình luận về niềm tin rằng các chính phủ đang cho phép Bitcoin phát triển mạnh trước khi phát hành các đồng tiền kỹ thuật số của riêng họ. Điều này được thể hiện rõ ràng ở Trung Quốc, quốc gia này đã có những tiếp cận cứng rắn khi tiến gần hơn đến việc phát hành đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Armstrong đánh giá việc quản lý chặt chẽ các giao dịch là một triển vọng hấp dẫn đối với việc đánh thuế của chính phủ, nhưng có thể họ đang cố gắng đi sâu hơn nữa để xác định cụ thể xem, người dân có thể bỏ tiền vào sản phẩm gì.
Ngân hàng Trung ương Anh gần đây đã gây áp lực buộc các bộ trưởng trong chính phủ đưa ra quyết định về việc phát hành tiền kỹ thuật số được lập trình.
Tom Mutton, giám đốc tại BoE cho biết: "Bạn có thể giới thiệu khả năng lập trình - điều gì sẽ xảy ra nếu một trong những người tham gia giao dịch, đặt ra những hạn chế với việc sử dụng tiền trong tương lai? Một số lợi về mặt xã hội có thể đạt được từ việc này, ví dụ như ngăn cản các hoạt động được coi là gây hại cho xã hội theo một cách nào đó. Nhưng đồng thời, nó có thể là một hạn chế về các quyền tự do của người sử dụng. "
Mutton cho rằng chính phủ sẽ được yêu cầu can thiệp và đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng các chính phủ hầu như đều ủng hộ tất cả các chính sách của ngân hàng trung ương trong quá khứ, thì có khả năng cao là họ cũng sẽ tiếp tục ủng hộ điều này.
Điểm cuối cùng cần được đề cập về Bitcoin đó là, các nhà đầu tư chuyên nghiệp, những người nhận định về Bitcoin là tương lai của thời đại mới, cũng có thể đang là những người đầu tiên lao vào cái bẫy này. Trong năm nay, Elon Musk đã cho thấy rằng ông có thể thay đổi lập trường của mình về việc chấp nhận tiền điện tử cho các giao dịch xe điện của Tesla. Thông báo đó đã tiếp thêm “nhiên liệu” cho một cuộc đua về tiền số, trước khi Musk thay đổi ý định của mình với các nhận định liên quan đến việc sử dụng năng lượng để khai thác của các đồng tiền này. Sau đó ông ấy đã làm rõ rằng công ty vẫn mở rộng khả năng sẽ chấp nhận các đồng tiền số và họ đã tăng giá trị khoảng 1 tỷ đô la lên nắm giữ 1.5 tỷ đô la BTC, nhưng ông ấy cũng có thể thay đổi quyết định một lần nữa khi tìm thấy một đồng tiền tiết kiệm năng lượng khi khai thác hơn
Một nhà đầu tư đã quay lưng lại với Bitcoin là Scott Minerd, Giám đốc điều hành của Guggenheim Investments, người trước đây đã đưa ra các dự đoán về giá trị khoảng 400 nghìn đô và 600 nghìn đô cho một đồng Bitcoin. Giờ đây, theo nhiều nguồn thông tin, có vẻ ông ấy đã hoàn toàn không tham gia vào thị trường này.
Minerd nói: “Chúng tôi đã đi sâu vào nó, chúng tôi cũng đã bán ra và nó thì đã quay về vị trí mà tôi nghĩ là hợp lý, thực sự sau khi nhìn vào sự biến động này, bạn biết đấy, tôi nghĩ rằng giá trị của thứ mà chúng tôi nắm giữ, có thể sẽ đi xuống thấp hơn,” Minerd nói. "Chà, chúng tôi không muốn như vậy, vì thế ở hiện tại chúng tôi sẽ không tham gia."
Tuyên bố nêu trên không phù hợp với các phân tích trước đây của ông ấy, bởi vì bất kỳ nhà đầu tư nào khi nghĩ rằng BTC sẽ đạt mức 600 nghìn đô la chắc chắn sẽ vui lòng cho phép những sự biến động đáng kể trong chặng hành trình này.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân sẽ được truyền cảm hứng để tham gia vào thị trường tiền số này bởi những người như Musk và Minerd, và sẽ có thể sẽ tiếp tục nắm giữ BTC trong khi các “tên tuổi lớn” đã giảm sự quan tâm của họ.
Kết luận
Hành động giá của Bitcoin đang diễn ra tương tự như quý 1 của năm 2021, khi đồng tiền này đạt mức giá cao nhất mọi thời đại (trên 64,000 đô la). Mức giá hiện tại đã thiết lập một đỉnh cao mới trên 66,000 đô la và đang điều chỉnh xung quanh vùng giá này. Tôi tin rằng chúng ta có thể thấy mức tăng cao hơn nữa lên khoảng 69,000-72,000 đô la đối với BTC.
Tôi cho rằng có nguy cơ xảy ra một đợt giảm giá khác đối với Bitcoin, nhưng lần này nó có thể sẽ không phục hồi để vươn đến một đỉnh cao khác. Rủi ro là quá lớn, khi các ngân hàng trung ương đã nêu rõ các mối đe dọa đối với sự ổn định về tài chính, các chính phủ đang tìm cách kìm hãm việc sử dụng năng lượng và các ngân hàng trung ương thì để ý đến tiềm năng phát hành những đồng tiền điện tử có thể theo dõi và lập trình được. Chúng ta đang hướng tới một Một thế giới dũng cảm (Brave New World), nhưng nó sẽ giống như của Aldous Huxley, sẽ được kiểm soát bởi những người chơi cũ, không phải bởi những người như Charles Hoskinson.
Rủi ro đối với luận điểm giảm giá của bài viết có thể sẽ đến từ sự gia tăng đột biến của lạm phát, từ đó khiến cho giá trị của các khoản đầu tư phòng ngừa lạm phát tăng cao hơn. Paul Tudor Jones cũng đã nói về nguy cơ của lạm phát một lần nữa trong sáng nay.
Seeking Alpha