Những rủi ro tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine

Những rủi ro tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine

16:35 25/02/2022

Khi dầu đang nhanh chóng đạt mốc 100 USD/thùng, JPMorgan cảnh báo giá năng lượng tăng đột biến và các tác động liên tục khác từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có thể gây tổn hại cho cả thị trường chứng khoán và sự phục hồi kinh tế Mỹ.

“Một cú sốc giá năng lượng trong bối cảnh Fed hành động mạnh mẽ hơn để đối phó với lạm phát có thể khiến tâm lý nhà đầu tư sụt giảm thêm và triển vọng tăng trưởng bị ảnh hưởng”, các chiến lược gia của JPMorgan viết trong một lưu ý gửi tới khách hàng. Giá dầu thô Brent vào sáng thứ Ba đã tăng lên 99,5 USD/thùng, mức cao nhất trong bảy năm qua, trước khi giảm nhẹ rồi lại bật mạnh vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào sáng ngày thứ Năm, ngay sau tuyên bố của Tổng thống Putin về việc Nga sẽ mở chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine.

JPMorgan lưu ý, trong khi các rủi ro trực tiếp với các doanh nghiệp Mỹ từ khủng hoảng Nga - Ukraine không lớn (vì các công ty Mỹ có mức độ tiếp xúc, kinh doanh trực tiếp với Nga và Ukraine thấp, trừ một số trường hợp ngoại lệ bao gồm: Boeing, Pepsi, Carnival, McDonald's, Mondelez và Philip Morris International) thì các rủi ro gián tiếp là đáng kể. "Gián tiếp tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng kể hơn, có thể bao gồm tăng trưởng toàn cầu chậm hơn và chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm do giá dầu và thực phẩm cao hơn; các tác động tiêu cực hiệu ứng phụ tới châu Âu; nguy cơ khó khăn chuỗi cung ứng, tín dụng và giá tài sản giảm cũng như rủi ro an ninh mạng", JPMorgan viết.

Mặc dù cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có thể khiến rủi ro biến động thị trường "tăng cao" trong ngắn hạn, JPMorgan cho rằng rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán là việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang chuyển sang kích hoạt chế độ chống lạm phát. “Chính sách tiền tệ thắt chặt quá mức có thể dẫn đến sai lầm chính sách hoàn toàn, đặc biệt là nếu chu kỳ kinh doanh tiếp tục xấu đi”, các chuyên gia của JPMorgan nhấn mạnh.

Theo nhận định của các chiến lược gia JPMorgan, tình hình ở Ukraine hiện nay có thể khiến Fed và các ngân hàng trung ương khác phải thay đổi các tính toán chính sách để đối phó với lạm phát. "Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine hiện nay có thể buộc phải đánh giá lại đường lối thắt chặt của Fed, dẫn đến việc các ngân hàng trung ương trở nên ít “hiếu chiến” hơn, trong khi các nhà hoạch định chính sách có thể phải xem xét các biện pháp kích thích tài khóa bổ sung, bao gồm cả việc giảm thuế xăng dầu”, JPMorgan cho biết.

Giá dầu vọt tăng (ảnh hưởng lớn tới sức tiêu dùng vốn là động lực chủ yếu của kinh tế Mỹ) trong khi đại dịch vẫn phức tạp, lạm phát cao và triển vọng phục hồi kinh tế yếu đi đang khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn với Fed. Tuy nhiên Bruce Kasman, chuyên gia kinh tế trưởng của JPMorgan tin rằng, Fed sẽ chỉ tăng lãi suất 0,25% trong cuộc họp chính sách tháng 3 tới và sẽ có thêm 6 lần tăng lãi suất như vậy nữa trong năm nay.

Link gốc tại đây.

Theo Thời báo Ngân hàng

Broker listing

Cùng chuyên mục

Các nước Đông Âu đang mua nhiều vàng nhất thế giới
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Các nước Đông Âu đang mua nhiều vàng nhất thế giới

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và sự không chắc chắn kinh tế, các quốc gia Đông Âu đã trở thành những người mua vàng lớn nhất thế giới. Các ngân hàng trung ương trong khu vực, từ Cộng hòa Séc, Ba Lan đến Serbia, đang tích trữ vàng như một biện pháp phòng ngừa để bảo vệ nền kinh tế khỏi những cú sốc bên ngoài và gia tăng an ninh tài chính.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ