Những thử thách nào sẽ chờ đợi bà Yellen trên cương vị mới sắp tới?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Hàn gắn quan hệ với Fed và thúc đẩy chi tiêu chính phủ sẽ là nhiệm vụ trước mắt của bà Yellen nếu trở thành Bộ trưởng Tài chính tiếp theo
Việc lựa chọn bà Janet Yellen cho vị trí Bộ trưởng Tài chính cho thấy ông Biden đang lên kế hoạch hành động quyết liệt để vực dậy nền kinh tế khi đặt cựu chủ tích Fed vào vị trí chỉ huy chính sách kinh tế của mình. Với sự có mặt của bà Yellen, Bộ Tài chính Mỹ dưới nhiệm kỳ của Biden sẽ chuẩn bị tham gia cùng với Fed trong việc hỗ trợ nền kinh tế thông qua gia tăng quy mô chi tiêu của chính phủ.
Dù thông tin bổ nhiệm trên đã được hoan nghênh bởi cả Phố Wall và Washington, bà Yellen chắc chắn sẽ phải đối mặt với thử thách trong phiên điều trần phê chuẩn trước Quốc hội. Phe bảo thủ sẽ chất vấn quan điểm của bà về chi tiêu kích thích tài khóa, cũng như quan điểm bớt đối đầu đối với Trung Quốc. Là người đã chứng kiến rõ những bất đồng tại Quốc hội liên quan tới vấn đề chi tiêu công trong hơn 1/4 thập kỷ qua, bà Yellen giờ đây sẽ phải chuẩn bị để chính thức tham gia vào cuộc chiến này lần đầu tiên. Fed là một tổ chức hoạt động dựa trên sự đồng thuận khi những sự bất đồng thường được bàn luận bằng ngôn ngữ lịch sự và ngoại giao. Ở cương vị mới tại Chính phủ, bà Yellen sẽ phải đối mặt với sự tấn công không khoan nhượng từ phía đảng Cộng hòa đối với đề xuất gói kích thích kinh tế quy mô lớn của ông Biden, đồng thời bất cứ sự thỏa hiệp nào cũng sẽ chịu áp lực từ chính phe cấp tiếp trong nội bộ đảng Dân chủ. Bà Yellen hoàn toàn thiếu kinh nghiệm trong việc đạt thỏa thuận chính sách với Quốc hội và cũng không thể hiện năng lực nổi trội trong giai đoạn giữ chức Chủ tịch Fed, đây sẽ là một lỗ hổng cần phải bù đắp trong năm tới đối với ứng cử viên Bộ trưởng Tài chính.
Động thái đầu tiên của bà Yellen được dự báo sẽ là tìm kiếm sự thống nhất trở lại giữa Fed và Bộ Tài chính Mỹ, 2 cơ quan thường đứng mũi chịu sào trước mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế. Steven Mnuchin vào tuần trước đã khơi mào mâu thuẫn giữa 2 bên khi từ chối gia hạn chương trình cho vay thực hiện bởi Fed trong khuôn khổ Đạo luật Chăm sóc đã được thông qua vào đầu năm nay. Fed cho biết phản đối việc chấm dứt chương trình trên nhưng vẫn đồng ý chuyển hàng trăm tỷ USD trở lại Bộ Tài chính, nơi mà ông Mnuchin cho rằng có thể được phân bổ một cách hiệu quả hơn. Yellen được dự báo sẽ đảo ngược động thái trên sau khi nhậm chức vào đầu năm sau. Những người đứng đầu của 2 cơ quan này đã có lịch sử hợp tác trong nhiều năm, điều thuận lợi cho nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế phục hồi từ khủng hoảng. Với cương vị là một nhà kinh tế vĩ mô chuyên nghiên cứu về thị trường lao động, bà Yellen nói rằng chính sách duy trì lãi suất thấp trong dài hạn của Fed nên được tiến hành đồng thời với việc gia tăng chi tiêu chính phủ.
Trước khi có thể nối lại quan hệ giữa Fed và đàm phán về gói kích thích kinh tế mới, bà Yellensẽ phải đối phó với những chỉ trích từ đảng Cộng hòa về những bình luận trong quá khức của bà về chính sách đối với Trung Quốc. Ông Biden trở lại chính phủ trong bối cảnh quan điểm của Quốc hội đối với Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn nhiều so với thời điểm 4 năm trước và đồng thuận về quan điểm trừng phạt Bắc Kinh do hoạt động thương mại không công bằng. Các cuộc đàm phán với Trung Quốc thường được thực hiện bởi người đứng đầu Bộ Tài chính. Trong buổi điều trần trước quốc hội năm 2018 dưới cương vị Chủ tịch Fed, bà Yellen nói rằng Trung Quốc chịu trách nhiệm cho mức thâm hụt thương mại lớn của nước Mỹ với thế giới. Bà Yellen cũng đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với các cơ quan kinh tế của Trung Quốc trong thời gian làm việc tại Fed.
Bà Yellen và ông Biden có thể tìm cách tránh lặp lại điều mà nhiều nhà kinh tế học cho rằng là sai lầm chính sách sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, khi các chính sách tài khóa thắt chặt quá sớm làm ngăn cản quá trình phục hồi của nền kinh tế dù cho Fed vẫn tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua chương trình nới lỏng định lượng. Đó là một bước đi sai lầm mà ông Powell hoàn toàn hiểu rõ và Biden cũng đã chứng kiến tận mắt trong nhiệm kỳ thứ 2 dưới thời Obama. Vấn đề mấu chốt đó là quan điểm chính sách tài khóa sẽ phụ thuộc lớn vào việc đảng nào sẽ kiểm soát Thượng viện, điều mà chúng ta chưa biết cho tới đầu tháng 1 tới. Nếu như đảng Cộng hòa giữ được đa số tại Thượng viện, danh tiếng của bà Yellen có thể sẽ không đủ để thuyết phục những người phản đối quan điểm tăng cường chi tiêu công và định hình lại nền kinh tế của ông Biden.