Nới lỏng định lượng là gì?
Đức Nguyễn
FX Strategist
Nới lỏng định lượng là hoạt động mua vào khẩn cấp các tài sản tài chính trên thị trường mở và làm thay đổi bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Nới lỏng định lượng là gì?
Nới lỏng định lượng là hoạt động mua tài sản tài chính của ngân hàng trung ương
Nới lỏng định lượng (Quantitative Easing - QE) là hoạt động mua vào khẩn cấp các tài sản tài chính trên thị trường mở và làm thay đổi bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Mục tiêu của các ngân hàng trung ương khi triển khai các chương trình nới lỏng định là để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính, thông qua việc gia tăng cung tiền cho nền kinh tế, từ đó hạ lãi suất dài hạn xuống mức thấp hơn và thúc đẩy cho vay cũng như tiêu dùng nhiều hơn.
Các tài sản tài chính được mua vào thông qua QE thường là trái phiếu chính phủ dài hạn, trái phiếu doanh nghiệp hay chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS). Các tài sản này sẽ được mua vào với quy mô lớn trong một khoảng thời gian xác định theo.
Nới lỏng định lượng được dùng để đối phó với khủng hoảng kinh tế
Các chương trình nới lỏng định lượng chủ yếu được sử dụng trong các cuộc khủng hoảng kinh tế để hỗ trợ việc thực thi chính sách tiền tệ, khi mà hầu hết các phương pháp truyền thống đã không còn hiệu quả, như việc hạ lãi suất điều hành xuống mức rất thấp (gần hoặc bằng 0%).
Cụ thể, ngân hàng trung ương sẽ tăng mua vào một lượng lớn các tài sản tài chính (chủ yếu là trái phiếu chính phủ dài hạn) để bơm tiền vào nền kinh tế. Cung tiền gia tăng làm giảm chi phí vay, đồng nghĩa với việc lãi suất thấp hơn. Lãi suất cho vay thấp hơn sẽ khuyến khích tiêu dùng và đầu tư.
Thị trường chứng khoán sẽ là môi trường hưởng lợi nhiều nhất từ các gói nới lỏng định của ngân hàng trung ương. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp vay vốn với chi phí rẻ để mở rộng hoạt động kinh doanh, do lợi suất trái phiếu thấp, thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác tiềm năng hơn.
Ví dụ, tại Mỹ, sau gần hai năm triển khai gói QE thứ 4 để cứu vớt nền kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, các chỉ số chứng khoán chính của Hoa Kỳ đã tăng gần gấp đôi, lên mức kỷ lục trong lịch sử.
- Chỉ số Dow Jones tăng từ khoảng 18,200 điểm lên gần 37,000 điểm
- Chỉ số S&P 500 tăng từ hơn 2,400 điểm lên hơn 4.800 điểm
- Chỉ số Nasdaq tăng từ hơn 6,600 điểm lên 16,200 điểm
Tuy nhiên, nới lỏng định lượng đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi về hiệu quả thực sự của nó đến nền kinh tế vì tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lạm phát cao hơn nếu ngân hàng trung ương mất kiểm soát với lượng tiền trong lưu thông, đặc biệt là lạm phát đình trệ, một kịch bản mà cả tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp đều cao.
Do bất kỳ công cụ nào cũng có độ trễ về mặt thời gian, QE có thể phản tác dụng nếu ngân hàng vẫn miễn cưỡng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình vay tiền. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát được giảm nhẹ nếu nền kinh tế phát triển nhanh hơn tốc độ tăng cung tiền từ chính sách nới lỏng.
Ngoài ra, cung tiền tăng cao trong nền kinh tế sẽ làm mất giá đồng nội tệ và làm giá hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Điều này có thể làm tăng chi phí sản xuất và giá tiêu dùng, từ đó gia tăng thêm áp lực lạm phát đối với các nhà hoạch định chính sách.
Ví dụ như tại Hoa Kỳ, Fed đã mở rộng quy mô của bảng cân đối kế toán từ khoảng hơn $4,200 tỷ trước đại dịch lên gần $9,000 tỷ vào giữa năm 2022. Hậu quả là lạm phát tại Hoa Kỳ đã chạm mốc 9% trong tháng 6/2022 - cách rất xa mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương này.
Nới lỏng định lượng ra đời để chống lại giảm phát tại Nhật Bản vào năm 2001.
Nới lỏng định lượng được giới thiệu lần đầu đến công chúng bởi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vào ngày 19/3/2001, sau khi ngân hàng này đã liên tục duy trì chính sách lãi suất âm kể từ năm 1999 để chống lại giảm phát trong nước.
Tình trạng giảm phát trở nên tồi tệ hơn ở Nhật Bản sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007 đã buộc BoJ phải tung ra một chính sách mạnh mẽ hơn vào tháng 4/2013, mang tên Nới lỏng định lượng và định tính (QQE). Đây được coi là phiên bản nâng cấp của QE về cả “số lượng” và “chất lượng” trong bảng cân đối kế toán.
Thông qua BoJ đã mua thêm nhiều tài sản khác nhau, nhưng chủ yếu là trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) để tăng gấp đôi cơ sở tiền tệ trong suốt hai năm, từ mức 138,000 tỷ JPY của năm 2012 lên 270,000 tỷ JPY vào năm 2014.
Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra từ năm 2007-2008, nới lỏng định lượng do Nhật Bản tạo ra đã được Hoa Kỳ và các nước châu Âu áp dụng như “trụ cột trọng yếu của chính sách kinh tế sau mỗi cuộc khủng hoảng”, kết hợp với việc triển khai lãi suất điều hành ở gần 0%.
Nới lỏng định lượng tại các quốc gia
Mỹ có những gói QE lớn nhất từng được tung ra
Tại Hoa Kỳ, Fed đã 4 lần mở rộng bảng cân đối kế toán để đối phó với cuộc Khủng hoảng tài chính (2007) và suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Gói kích cầu này được biết đến với tên gọi “Chương trình mua vào tài sản quy mô lớn (Large-Scale Asset Purchase - LSAP), lần lượt diễn ra từ năm 2008-2017 và từ 2020-2022.
Sau 4 lần triển khai QE, bảng cân đối kế toán Fed có thời điểm phình to lên mức 9 nghìn tỷ USD, trước khi các quan chức bắt đầu triển khai thắt chặt định lượng và hiện đã giảm xuống khoảng 8 nghìn tỷ USD.
Eurozone cũng đã có nhiều gói QE lớn
Vào tháng 05/2010, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng nợ Châu Âu, ECB đã tung ra Chương trình mua trái phiếu chính phủ (Securities Market Programme – SMP) với mục tiêu mua lại trái phiếu chính phủ được phát hành bởi các quốc gia thành viên đang gặp khó khăn về nợ công.
Đến tháng 3/2020, để đối phó với để đối phó với cú sốc kinh tế bất thường do đại dịch COVID-19, ECB đã bổ sung Chương trình mua tài sản khẩn cấp đại dịch (Pandemic Emergency Purchase Programme – PEPP) trị giá 750 tỷ EUR để tạm thời mua vào tài sản mới phát hành của chứng khoán khu vực công và tư nhân.
dubaotiente.com