PBOC - Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc
Đức Nguyễn
FX Strategist
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (People's Bank of China - PBC hoặc PBOC) là ngân hàng trung ương của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chịu trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ và quản lý các định chế tài chính.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là gì?
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (People's Bank of China - PBC hoặc PBOC) là ngân hàng trung ương của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chịu trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ và quản lý các định chế tài chính.
PBOC là một trong những ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (People's Bank of China - PBC hoặc PBOC) được thành lập vào ngày 1/12/1948 với sự sáp nhập của Ngân hàng Hoa Bắc, Ngân hàng Bắc Hải và Ngân hàng Nông dân Tây Bắc. Trụ sở đầu tiên của PBOC là ở Thạch Gia Trang, Hà Bắc và sau đó được chuyển đến Bắc Kinh vào năm 1949.
Từ năm 1950 đến 1978, PBOC là tổ chức duy nhất được phép thực hiện các giao dịch tài chính. Được kiểm soát trực tiếp bởi Bộ Tài chính, PBOC điều phối toàn bộ hệ thống ngân hàng Trung Quốc với vai trò là ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại.
Kể từ năm 1979, những cải cách của chủ tịch Đặng Tiểu Bình đã giúp định hình lại các chức năng của PBOC. Vào tháng 9/1983, Quốc vụ Viện đã quyết định PBOC sẽ hoạt động với tư cách là ngân hàng trung ương của Trung Quốc và không thực hiện các hoạt động ngân hàng thương mại. Nó đã xóa vĩnh viễn hệ thống ngân hàng duy nhất.
Hiện nay, PBOC trở thành một trong những ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới, với hơn 3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối.
Thống đốc PBOC Phan Công Thắng
PBOC không độc lập hoàn toàn trong việc thiết lập chính sách tiền tệ
Trong giai đoạn đầu mới thành lập, PBOC được kiểm soát trực tiếp bởi Bộ Tài chính nên thường bị yếu thế và đã để tuột mất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng. Phải đến sau năm 2003, PBOC mới được trao quyền tự chủ trong việc hoạch định, thực thi chính sách tiền tệ, duy trì sự ổn định của nền tài chính quốc gia và phát hành tiền tệ.
Tuy nhiên, PBOC chưa có quyền tự chủ hoàn toàn do vẫn chịu sự chỉ đạo của Quốc vụ Viện, cơ quan hành pháp cao nhất của Trung Quốc. Quốc vụ Viện có quyền bổ nhiệm các thống đốc và giám đốc tại ngân hàng này, tức Quốc vụ Viện có quyền kiểm soát các nhân sự cấp cao của PBOC.
Không những vậy, một Uỷ ban Chính sách Tiền tệ (MPC) được thành lập với vai trò tư vấn cho Ban Lãnh đạo của PBOC trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, mà nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và quy chế làm việc của MPC do Quốc vụ Viện quy định. Chính vì vậy, quyền độc lập trong thực thi chính sách tiền tệ của PBOC lại càng bị hạn chế.
PBOC kiểm soát tỷ giá CNY rất chặt chẽ
Thay vì để tỷ giá của đồng nội tệ thả nổi như hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới, PBOC sẽ ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày dựa trên các yếu tố như lãi suất, lạm phát và cung cầu tiền tệ, đồng CNY giao dịch trong ngày có thể biến động quanh một biên độ nhất định so với tỷ giá được ấn định.
Mục đích PBOC kiểm soát tỷ giá đồng CNY chặt chẽ như vậy vì là Trung Quốc muốn duy trì sự ổn định của nền kinh tế và thị trường tài chính. Một tỷ giá ổn định sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Quan trọng hơn, Trung Quốc muốn bảo vệ sức mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu của mình. Một đồng nội tệ yếu sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trong những năm gần đây, PBC đã dần dần nới lỏng hoạt động giao dịch CNY, nhưng vẫn giữ quyền kiểm soát tỷ giá và sẽ can thiệp thị trường khi cần thiết để duy trì tỷ giá ổn định trong một phạm vi nhất định bằng các biện pháp như mua hoặc bán ngoại tệ, hoặc thay đổi lãi suất.
Các công cụ điều tiết chính sách tiền tệ của PBOC
Nghiệp vụ thị trường mở được ra đời để kiểm soát cung tiền
Nghiệp vụ thị trường mở (Open market operations - OMO) là một kênh quan trọng trong quá trình truyền dẫn chính sách tiền tệ của PBOC, phần lớn là thông qua các giao dịch repo (Repurchase Agreement) và Repo ngược (Reverse Repurchase Agreement - RRP).
Hợp đồng Repo sẽ loại bỏ bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống khi PBOC bán ra trái phiếu ngắn hạn cho các ngân hàng thương mại và thu lại nội tệ. Ngoài ra, họ cũng thực hiện điều ngược lại trong hợp đồng repo ngược, PBOC sẽ mua lại những hợp đồng đó và trả tiền cho ngân hàng.
Những nghiệp vụ này cho phép PBOC kiểm soát cung tiền và lãi suất trên cơ sở ngắn hạn - tài sản thường được đề xuất trong khung thời gian từ 7 ngày cho tới 28 ngày. Trong đó, lãi suất repo ngược 7 ngày được PBoC kiểm soát và là lãi suất chính sách ngắn hạn của PBoC, hiện đang được duy trì ở mức 1.8%.
Nghiệp vụ cho vay của PBOC ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản của thị trường
Cơ chế cho vay thường trực (Standing lending facility - SLF) là một dạng PBOC cho các ngân hàng thương mại vay, thường là các ngân hàng lớn do phải thế chấp tài sản bảo đảm với mức tín nhiệm cao để đủ điều kiện vay. Được đưa ra trong năm 2013, những khoản cho vay này có kỳ hạn ngắn nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản tạm thời của các tổ chức tài chính.
Đặc biệt, lãi suất SLF được coi là mức trần của hành lang lãi suất, giúp cho lãi suất của thị trường tiền tệ ổn định. Hiện tại, lãi suất SLF qua đêm, 7 ngày và 1 tháng lần lượt được công bố ở mức 2.65%, 2.80% và 3.15%.
Cơ chế cho vay trung hạn (Medium-term lending facility - MLF) được ra đời từ năm 2014 với kỳ hạn các khoản vay dài hơn, thường là 1 năm, cho phép PBOC bơm vốn vào hệ thống ngân hàng và tác động tới lãi suất của các khoản vay dài hạn.
Cũng như cơ chế cho vay thường trực (SLF), các ngân hàng phải thế chấp để có thể vay vốn. Tuy nhiên, điểm không giống với SLF là phạm vi tài sản thế chấp được chấp nhận rộng hơn theo cơ chế trung hạn, bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu của chính quyền địa phương và các khoản vay của các công ty nhỏ có độ tín nhiệm cao.
Lãi suất MLF 1 năm đóng vai trò là kim chỉ nam cho LPR 1 năm, do đó là chuẩn mực chính sách trung hạn chính. PBOC đã cắt giảm lãi suất MLF 1 năm hai lần trong năm nay, giảm 10 điểm cơ bản trong tháng 6 và tiếp tục giảm 15 điểm cơ bản trong tháng 8 và hiện được duy trì ở mức 2.5%.
Cho vay bổ sung có cam kết (Pledged supplementary lending - PSL) là một trong những công cụ chính sách tiền tệ mới ở Trung Quốc, được sử dụng để bơm vốn vào một số ngân hàng được lựa chọn và từ đó, các ngân hàng sử dụng lượng vốn này để cung cấp khoản vay tới một số lĩnh vực nhất định như nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và tái thiết khu nhà ổ chuột.
Gần đây, cuộc suy thoái bất động sản tại Trung Quốc ngày càng sâu sắc do nguồn vốn từ các khoản vay và doanh số bán hàng cạn kiệt. PBOC đã đưa ra kế hoạch cung cấp ít nhất 1.000 tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) tài trợ cho các khoản cho vay đối với lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng trong các dự án xây dựng, cải tạo đô thị, nhà ở.
Lãi suất cho vay cơ bản (Loan prime rate - LPR) được công bố lần đầu tiên vào năm 2013 và đến tháng 8/2019 được cải cách theo cơ chế mới để phản ánh đầy đủ cung cầu của thị trường, trong đó, LPR sẽ trở thành tiêu chuẩn cho vay dựa trên cung cầu thị trường.
Cụ thể, LPR được tính toán bởi Trung tâm Nguồn vốn Liên ngân hàng Quốc gia (NIFC) vào ngày 20 hàng tháng, bằng cách trung bình cộng LPR của 18 ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt nhất, trong đó LPR của mỗi ngân hàng được tính dựa trên cơ sở lãi suất cho vay trung hạn (MLF).
LPR đóng vai trò là lãi suất tham chiếu đối với hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại. Hiện tại, LPR bao gồm hai kỳ hạn, 1 năm và trên 5 năm, được duy trì lần lượt ở mức 3.15% và 4.2%.
Điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc để kiểm soát cung tiền
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc (Reserve requirement ratio - RRR) là là tỷ lệ lượng tiền tối thiểu trong tổng lượng tiền gửi huy động của các ngân hàng thương mại phải duy trì tại PBOC, nhằm đảm bảo tính thanh khoản.
Hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ làm gia tăng lượng cung tiền mà các ngân hàng có thể dùng để cho vay tới các doanh nghiệp và cá nhân. Ngược lại, khi gia tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lượng cung tiền trong nền kinh tế cũng sẽ giảm theo.
PBOC đã tạo ra một hệ thống RRR theo cấp bậc cho các tổ chức tài chính dựa trên quy mô, vị thế, loại hình tổ chức và sản phẩm mục tiêu. Kể từ năm 2004, PBOC đã áp dụng hệ thống RRR theo cấp độ này, đến năm 2019, hệ thống được thực hiện theo khuôn khổ “Ba phân khúc và hai đợt ưu đãi” - “Three Tranches and Two Preferential Treatments”.
“Ba phân khúc” đề cập đến ba cấp độ RRR của các tổ chức tài chính. Phân khúc đầu tiên áp dụng cho nhóm 6 ngân hàng lớn thuộc sở hữu nhà nước. Phân khúc thứ hai, áp dụng cho các ngân hàng có quy mô vừa, bao gồm ngân hàng thương mại ở khu vực thành phố. Phân khúc thứ ba áp dụng cho các ngân hàng nhỏ ở khu vực nông thôn, bao gồm các hợp tác xã tín dụng, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng làng xã và ngân hàng thương mại địa phương.
“Hai đợt ưu đãi” hàm ý về hai chính sách ưu đãi được chia cho 3 phân khúc. Các ngân hàng phân khúc thứ nhất và thứ hai sẽ đủ điều kiện để được cắt giảm RRR thêm 0.5% hoặc 1.5% nếu cho vay đối với các phân khúc tài chính toàn diện đáp ứng được một tỷ lệ nhất định.
Các phân khúc tài chính toàn diện bao gồm: các khoản vay cho người nông dân để sản xuất, các khoản vay tiêu dùng cho người nghèo, các khoản vay cho sinh viên, các khoản vay có bảo lãnh cho người khởi nghiệp, các khoản vay hoạt động cho các thương nhân tự kinh doanh và các chủ doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ (MSB).
Đối với các tổ chức tài chính ở phân khúc thứ ba, khi khoản cho vay địa phương của họ chiếm một tỷ lệ nhất định trong tổng mức tăng trưởng tiền gửi thì họ sẽ đủ điều kiện để được cắt giảm RRR thêm 1%.
Trong năm nay, PBOC đã thực hiện hai đợt hạ RRR để tăng tính thanh khoản và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Sau các đợt cắt giảm, hiện nay, RRR trung bình của các tổ chức tài chính Trung Quốc là khoảng 7,4%.
Công cụ tái chiết khấu được sử dụng để hỗ trợ vốn cho các tổ chức tín dụng
Tái chiết khấu (Rediscounting) là một công cụ hỗ trợ vốn ngắn hạn cho các tổ chức tín dụng, được thực hiện trên cơ sở đối tượng là thương phiếu, hối phiếu hoặc các giấy tờ có giá khác được các ngân hàng chấp nhận trên thị trường.
Tái chiết khấu xảy ra khi người nắm giữ giấy tờ có giá chấp nhận bán nó với giá chiết khấu cho PBOC để đổi lấy thanh khoản trước khi giấy tờ có giá đáo hạn. Nói cách khác, để giúp các ngân hàng bổ sung thanh khoản, PBOC có thể bơm tiền vào nền kinh tế bằng cách mua các hối phiếu đã được chiết khấu trước khi đến hạn thanh toán .
Lãi suất tái chiết khấu do PBOC quy định trong từng thời kỳ một cách thận trọng, góp phần cải thiện cơ chế hoạt động của chính sách lãi suất, điều tiết mối quan hệ vay mượn giữa PBOC với các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, PBOC sẽ tính lãi suất trên những khoản vốn mà họ cho vay tới các ngân hàng, qua đó sẽ ảnh hưởng tới chi phí đi vay của hệ thống ngân hàng.
Tái chiết khấu là một kênh quan trọng để cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng khu vực nông thôn trong những thời điểm cần thiết. Kể từ dự án thí điểm đầu tiên vào năm 1986, PBOC sau đó đã mở rộng phạm vi đối tượng đủ điều kiện tham gia các chương trình tái chiết khấu, bao gồm các ngân hàng cấp quận, cấp địa phương và các tổ chức tín dụng.
Không những vậy, PBOC còn tái chiết khấu các hóa đơn liên quan để giảm bớt gánh nặng trả nợ cho các thành phần kinh tế đặc biệt như than, điện, thịt lợn và đường.
Kiểm soát tỷ giá nhằm kích thích xuất khẩu
Trước hết, nhìn vào nền kinh tế Trung Quốc, đây là nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây. Sự phát triển này đã giúp Trung Quốc chiếm hơn 25% thị phần sản xuất trên toàn thế giới kể từ năm 2014.
Khi xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, Trung Quốc nhận được chủ yếu là USD, nhưng chi phí sản xuất phải thanh toán bằng CNY. Do đó, nguồn cung USD tại quốc gia này là rất lớn, trong khi nhu cầu về đồng CNY cao, từ đó có thể làm cho tỷ giá đồng CNY so với USD tăng lên rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với thế giới khi tính theo USD, hệ quả là làm mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây có thể sẽ trở thành vấn đề vô cùng nan giải đối với Trung Quốc, thậm chí có thể khiến cho tình trạng thất nghiệp xảy ra diện rộng, kinh tế đình trệ nếu như không bán được hàng.
Chính vì vậy, PBOC đã can thiệp để tránh tình trạng này diễn ra, bằng cách tác động trực tiếp tới tỷ giá hối đoái của đồng CNY, giữ cho tỷ giá USD/CNY thấp hơn thông qua việc ấn định tỷ giá thay vì thả nổi dựa theo cung cầu. Theo đó, từ năm 1997 đến năm 2005, tỷ giá nhân dân tệ được cố định ở mức khoảng 8.3 CNY đổi 1 USD, bất chấp những lời chỉ trích từ Hoa Kỳ.
Vào ngày 21 tháng 7 năm 2005, PBOC tuyên bố sẽ dỡ bỏ tỷ giá hối đoái cố định với USD và bắt đầu thực hiện chính sách thiết lập tham chiếu. Theo chính sách này, PBOC sẽ công bố tỷ giá tham chiếu CNY so với USD hàng ngày, và được phép tăng giảm tối đa 0.3% so với tỷ giá tham chiếu.
Sau thông báo, nhân dân tệ đã được định giá lại ở mức 8.1 CNY đổi 1 USD. Đến năm 2007, biên độ giao động hàng ngày của đồng nhân dân tệ so với đồng USD được mở rộng lên tăng giảm tối đa 0.5%.
Đến thời điểm hiện tại, biên độ giao dịch hiện là 2%, đồng thời CNY cũng đã có xu hướng tăng nhẹ, giao dịch quanh mức 7.1 đến 7.3 so với USD.
Cuộc họp chính sách PBOC
Uỷ ban Chính sách Tiền tệ (MPC) với trách nhiệm đưa ra khuyến nghị cho Ban Lãnh đạo của PBOC trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ sẽ tổ chức các phiên họp hàng quý và đột xuất. Cơ cấu thành thiên của PBOC trong MPC sẽ bao gồm Thống đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng của MPC và 3 Phó Thống đốc.
Tất cả các ý kiến đưa ra trong các phiên họp sẽ được ghi lại thành biên bản để lưu lại. Với những khuyến nghị và đề xuất được trên 2/3 số thành viên MPC chấp thuận, sẽ được đính kèm như một tài liệu tham chiếu với các dự thảo quyết định của PBOC về cung ứng tiền hàng năm, lãi suất, tỷ giá hối đoái và các vấn đề quan trọng khác liên quan để đệ trình lên Quốc vụ Viện xem xét, phê chuẩn.
dubaotiente.com