Phái sinh là gì?

Phái sinh là gì?

Đức Nguyễn

Đức Nguyễn

FX Strategist

10:59 23/10/2023

Phái sinh là một công cụ tài chính có giá trị phát sinh từ một tài sản cơ sở. Phái sinh được sử dụng để phòng hộ rủi ro và cũng là một công cụ đầu cơ. Có 4 loại công cụ phái sinh chính: hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng hoán đổi

Phái sinh là gì?

Phái sinh là công cụ tài chính có giá trị dựa trên tài sản cơ sở

  • Bản thân các công cụ tài chính phái sinh đứng một mình sẽ không có giá trị, mà phải gắn với một tài sản cơ sở nào đó, như chỉ số, chứng khoán, hàng hóa, tiền tệ. Ví dụ, hợp đồng tương lai VN30 là công cụ phái sinh có tài sản cơ sở là chỉ số chứng khoán VN30.
  • Do có giá trị dựa trên tài sản cơ sở, các công cụ phái sinh sẽ biến động sát với tài sản cơ sở của nó.

Thị trường phái sinh nằm xen kẽ trong các thị trường khác

Mỗi thị trường tài chính (chứng khoán, forex, hàng hóa, crypto) đều có một thị trường phái sinh hoạt động song song với thị trường tài sản cơ sở. Ví dụ, song song với thị trường chứng khoán cơ sở còn có một số công cụ phái sinh khác như quyền chọn cổ phiếu, hợp đồng tương lai chỉ số,...

Một số thị trường thậm chí hầu như chỉ giao dịch thông qua các hợp đồng phái sinh, như thị trường hàng hóa hầu như chỉ giao dịch thông qua hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn, rất ít khi giao dịch giao ngay.

Hầu hết các công cụ phái sinh được giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán quốc gia và được quy định bởi Ủy ban Chứng khoán, một số công cụ phái sinh khác được giao dịch phi tập trung (OTC), thông qua trao đổi trực tiếp giữa các bên.

Phái sinh được sử dụng để phòng hộ rủi ro

Những người tham gia thị trường có thể sử dụng các công cụ phái sinh để cố định mức giá họ sẵn sàng mua/bán một tài sản tài chính/hàng hóa nào đó trong tương lai, để phòng hộ trước rủi ro biến động giá.

Ví dụ, giá gạo vào tháng 1/2023 được giao dịch ở mức $500/tấn. Nông dân lo sợ rằng giai đoạn tới gạo được mùa, khiến giá giảm, nên bán gạo qua hợp đồng tương lai tại mức $530/tấn, giao vào tháng 6/2023.

Đến tháng 6, nếu giá gạo giảm xuống $450/tấn, người nông dân vẫn sẽ bán được gạo với giá $530/tấn, qua đó lời $80/tấn. Ngược lại, nếu giá tăng lên $550/tấn, nông dân vẫn phải giao với giá $530, qua đó lỗ $20/tấn. 

Ngoài ra, công cụ phái sinh cũng có thể được sử dụng để phòng hộ cho việc nắm giữ tài sản cơ sở. Ví dụ, một nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu VCB có thể short (bán) hợp đồng tương lai VN30 để phòng hộ trong trường hợp thị trường giảm.

Nhưng cũng có thể được sử dụng làm công cụ đầu cơ

Những nhà đầu cơ sử dụng công cụ phái sinh để đặt cược vào việc một tài sản tăng/giảm giá trị nhờ khả năng mua bán 2 chiều linh hoạt, cùng với việc lợi nhuận được khuếch đại nhờ đòn bẩy. Tuy nhiên, tiềm năng lợi nhuận cao cũng đồng nghĩa với rủi ro cao.

Ví dụ, nếu một nhà đầu cơ kỳ vọng cổ phiếu Apple giảm mạnh, người đó có thể mua quyền chọn bán cổ phiếu Apple. Trong trường hợp cổ phiếu giảm đúng như kỳ vọng, giá trị quyền chọn sẽ tăng đáng kể, nhưng ngược lại, quyền chọn đó có thể mất hết giá trị nếu cổ phiếu Apple tăng, và nhà đầu cơ đó mất trắng. 

Các công cụ phái sinh chính

Có 4 loại công cụ phái sinh chính: hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọnhợp đồng hoán đổi. Ngoài ra cũng sẽ có các loại công cụ phái sinh lai (như quyền chọn hợp đồng tương lai), hay phái sinh của phái sinh, nhưng tất cả đều có gốc từ 4 hợp đồng trên. 

Hợp đồng tương lai là nghĩa vụ trao đổi tài sản trong tương lai

Hợp đồng tương lai là hợp đồng chuẩn hóa giữa hai bên về việc trao đổi một loại tài sản, với chất lượng và số lượng cụ thể, tại một mức giá được ấn định từ trước vào một ngày trong tương lai (ngày đáo hạn).

Những người tham gia thị trường sử dụng hợp đồng tương lai để phòng hộ rủi ro hoặc đầu cơ vào giá của tài sản cơ sở. Các bên liên quan có nghĩa vụ thực thi cam kết mua hoặc bán tài sản cơ sở. 

Ví dụ về người nông dân bán gạo ở trên là một cách sử dụng điển hình của hợp đồng tương lai. 

Hợp đồng tương lai có thể được tất toán bằng việc giao tài sản thật (hợp đồng tương lai dầu, kim loại,...) hoặc tất toán bằng chênh lệch tiền mặt (hợp đồng tương lai chỉ số). Một số nhà đầu cơ tài sản như dầu, vàng thường đóng vị thế trước khi đáo hạn để không phải giao nhận hàng vật chất.

Với việc được chuẩn hóa, hợp đồng tương lai được giao dịch trên các sở giao dịch tập trung, với chất lượng và số lượng đạt chuẩn theo yêu cầu các sở giao dịch đưa ra.

Hợp đồng kỳ hạn là hợp đồng tương lai không được chuẩn hóa

Tương tự như hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn là thỏa thuận giữa hai bên về việc trao đổi một loại tài sản, với chất lượng và số lượng cụ thể, tại một mức giá được ấn định từ trước vào một ngày trong tương lai (ngày đáo hạn).

Tuy nhiên, khác với hợp đồng tương lai, các điều kiện trong hợp đồng kỳ hạn có thể được tùy chỉnh, và các bên sẽ giao dịch không thông qua sở giao dịch tập trung.

Điều này khiến các bên liên quan trong hợp đồng kỳ hạn chịu rủi ro đối tác, khi một trong hai bên không thể thực hiện yêu cầu của hợp đồng. Do không được chuẩn hóa và không mang tính pháp lý, nếu một bên mất khả năng thanh toán, bên kia có thể không có khả năng truy đòi và mất toàn bộ giá trị vị thế.

Hợp đồng quyền chọn là quyền, thay vì là nghĩa vụ mua bán

Hợp đồng quyền chọn là một hợp đồng cho phép người nắm giữ quyền chọn quyền, nhưng không phải nghĩa vụ, được mua (quyền chọn mua - call) hoặc bán một loại tài sản (quyền chọn bán - put), với số lượng cụ thể, tại một mức giá được ấn định từ trước (giá thực thi) vào một ngày trong tương lai (ngày đáo hạn). 

Người nắm giữ quyền chọn có thể thực thi hoặc không thực thi quyền chọn của mình. Trong trường hợp được thực thi, người bán quyền chọn có nghĩa vụ bàn giao tài sản cho người nắm giữ.

Giá trị của quyền chọn được xác định bằng mức phí quyền chọn (premium), và sẽ tăng giảm tùy theo hiệu suất của tài sản cơ sở.

Ví dụ về giao dịch quyền chọn: Giả sử ta mua 1 quyền chọn mua 100 cổ phiếu AAPL với giá thực thi $200/cổ phiếu, với mức phí quyền chọn $5/cổ phiếu, ta sẽ trả mức phí $500 cho quyền chọn này. Cổ phiếu AAPL hiện có giá $180.

Nếu cổ phiếu AAPL tăng lên $220, ta có 2 kịch bản: Thực thi quyền chọn mua, khi đó ta sẽ được quyền mua cổ phiếu AAPL với giá $200 dù giá thị trường đang là $210; hoặc nếu không muốn nắm giữ cổ phiếu, ta có thể bán lại quyền chọn này với mức phí cao hơn lúc mua ban đầu.

Nhưng cổ phiếu AAPL giảm xuống $160, quyền chọn của ta sẽ vô giá trị, và ta mất trắng. Lúc này, quyền chọn mặc định sẽ không được thực thi . 

Quyền chọn là một công cụ phái sinh phức tạp, với nhiều thuật ngữ liên quan và tính chất đặc biệt. Để biết thêm chi tiết về quyền chọn, bạn có thể đọc qua bài viết sau đây.

Hợp đồng hoán đổi hoán đổi dòng tiền của 2 công cụ tài chính

Hợp đồng hoán đổi là một hợp đồng trong đó 2 bên thỏa thuận hoán đổi dòng tiền của 2 công cụ tài chính khác nhau, như lãi suất, ngoại tệ,... Thông thường, một bên dòng tiền của hợp đồng sẽ là cố định, với bên còn lại là thả nổi.

Hiện tại, hợp đồng hoán đổi chỉ được giao dịch giữa các tổ chức, không dành cho các nhà đầu tư cá nhân.

Có một số loại hợp đồng hoán đổi chính:

  • Hợp đồng hoán đổi lãi suất: 2 bên trao đổi mức lãi suất của một công cụ tài chính, với 1 bên là lãi suất cố định, 1 bên là lãi suất thả nổi. Đây là công cụ hoán đổi phổ biến nhất
  • Hợp đồng hoán đổi hàng hóa: 2 bên trao đổi 1 loại hàng hóa giá trị thả nổi với giá trị cố định trong một thời gian. Dầu thô là hàng hóa được hoán đổi nhiều nhất
  • Hợp đồng hoán đổi tiền tệ: 2 bên trao đổi các đồng tiền dựa trên tỷ giá được xác định từ trước
  • Hợp đồng hoán đổi chỉ số chứng khoán: Giống với hoán đổi lãi suất, nhưng 1 bên thay vì là lãi suất cố định sẽ được thay bằng một chỉ số chứng khoán (VN-Index, S&P 500,...)
  • Hợp đồng hoán đổi vỡ nợ (CDS): Thỏa thuận giữa 1 bên mua và 1 bên bán trong đó bên bán sẽ hoàn lại phần tiền gốc và lãi của một khoản vay nếu người mua không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ

Ví dụ về hợp đồng hoán đổi: Ta có bên A có khoản đầu tư 1 triệu USD với lãi suất cố định 4%. Ngoài ra, bên B cũng đầu tư 1 triệu USD, nhưng hưởng lãi suất thả nổi LIBOR + 1%, và lãi suất LIBOR hiện ở mức 3%. Bên A tin rằng LIBOR sẽ tăng và muốn hưởng lãi suất thả nổi. Còn bên B tin rằng LIBOR sẽ giảm và muốn hưởng lãi suất cố định.

2 bên sẽ cùng tham gia hợp đồng hoán đổi với bên B trả bên A trả mức lãi suất LIBOR + 1% trên khoản vốn 1 triệu USD, còn bên A trả bên B mức lãi suất cố định 4%. Đây là một hợp đồng hoán đổi tiêu chuẩn. Cả 2 bên sẽ hưởng lãi như nhau nếu LIBOR giữ nguyên ở mức 3%.

Giả sử, trong tháng tới, LIBOR tăng lên 4%, lãi suất bên A hưởng theo hợp đồng sẽ tăng lên 5%, nhưng bên B vẫn sẽ chỉ hưởng 4% lãi suất cố định. Trong trường hợp này, bên A sẽ hưởng thêm 1% lãi suất từ bên B, và thông thường các bên sẽ chỉ thanh toán với nhau phần chênh lệch.

Thị trường hợp đồng hoán đổi cũng là một thị trường phức tạp. Để biết thêm chi tiết về hợp đồng hoán đổi, bạn có thể đọc qua bài viết sau đây.

Các công cụ phái sinh đặc biệt

Ngoài các công cụ phái sinh thường thấy ở trên, một số công cụ đặc biệt khác cũng tồn tại, tiêu biểu nhất là hợp đồng ăn chênh lệch (CFD)hợp đồng tương lai vĩnh cửu (perpetual futures). Hai hợp đồng này về bản chất là gần như nhau.

CFD không giao tài sản, chỉ tính phần chênh lệch mua bán

Hợp đồng ăn chênh lệch (CFD) là một thỏa thuận thanh toán phần tiền chênh lệch khi mở và đóng vị thế, thay vì bàn giao tài sản thực. CFD sẽ luôn được tất toán bằng tiền.

CFD là hình thức giao dịch forex chính của các broker forex tại Việt Nam. 

Ví dụ về CFD: Giả sử ta mở lệnh mua 1 lot EURUSD (tức mua 100,000 đơn vị tiền tệ ở đầu) tại 1.08 (giá trị hợp đồng $108,000). Ta sẽ có vị thế mua EURUSD tại 1.08, tuy nhiên ta không phải thực hiện bàn giao USD hay nhận về EUR.

Sau một thời gian, EURUSD tăng lên 1.09, lúc này giá trị hợp đồng của ta tăng lên $109,000 (lãi $1,000). Khi đóng hợp đồng, ta sẽ chỉ nhận phần lãi chênh lệch đó, không phải bàn giao lại EUR và nhận về USD.

CFD có một số đặc điểm khác với phái sinh thông thường: 

  • CFD không có ngày đáo hạn
  • CFD được giao dịch phi tập trung, mỗi broker có một hợp đồng với mức giá riêng, nhưng chênh lệch không đáng kể
  • CFD thông thường sẽ biến động tương đồng hoàn toàn với tài sản cơ sở
  • Hợp đồng CFD có thể được tùy chỉnh rất nhỏ

Hợp đồng tương lai vĩnh cửu không có thời gian đáo hạn

Hợp đồng tương lai vĩnh cửu là thỏa thuận mua hoặc bán một tài sản tại một thời điểm không xác định trong tương lai. Hiện tại, hợp đồng tương lai vĩnh cửu gần như chỉ được giao dịch trên thị trường tiền điện tử.

Về bản chất, hợp đồng tương lai vĩnh cửu giống với CFD, cho phép nhà đầu tư nắm giữ vô thời hạn một vị thế có đòn bẩy đối với một tài sản, và khi tất toán vị thế, sẽ nhận về phần tiền chênh lệch giữa mở và đóng.

Phái sinh tại Việt Nam

Tại Việt Nam, các sản phẩm phái sinh chính được cung cấp cho nhà đầu tư cá nhân là hợp đồng tương lai chỉ số VN30, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, chứng quyềnphái sinh hàng hóa. Giao dịch forex phái sinh tại Việt Nam chủ yếu dành cho tổ chức, được thực hiện thông qua các ngân hàng.

Hợp đồng tương lai VN30 là công cụ phái sinh phổ biến nhất

Hợp đồng tương lai VN30 là công cụ phái sinh với tài sản cơ sở là chỉ số VN30. Do đó, biến động của tài sản này sẽ sát với chỉ số VN30. 

Sự phổ biến của hợp đồng tương lai VN30 đến từ sự dễ tiếp cận với nhà đầu tư nhờ hệ thống công ty chứng khoán rộng, khả năng phòng hộ khi nắm giữ cổ phiếu cơ sở, và sinh lời ngay cả trong thị trường giảm. Hiện tại, khối lượng giao dịch phái sinh đạt trung bình 200 tỷ VNĐ/ngày, với khoảng 200,000 hợp đồng được giao dịch.

Một hợp đồng tương lai VN30 sẽ được niêm yết là VN30FXXYY. Trong đó:

  • VN30F là ký hiệu hợp đồng
  • XX là 2 số cuối của năm đáo hạn hợp đồng (VD: 23)
  • YY là tháng đáo hạn hợp đồng (VD: 04)

Như vậy, mã giao dịch VN30F2304 sẽ là hợp đồng tương lai VN30 đáo hạn vào tháng 4/2023.



Chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai VN30 có biến động gần như tương đồng nhau

Đặc điểm của hợp đồng tương lai VN30:

  • Tỷ lệ ký quỹ: 17%
  • Công thức tính ký quỹ: 100,000 VNĐ x giá trị chỉ số x số hợp đồng x 17%
  • Biên độ dao động giá: +/- 7% so với tham chiếu
  • Bước giá: 0.1 điểm chỉ số (10,000 VNĐ)
  • Tháng đáo hạn: Tháng hiện tại, tháng tiếp theo, 2 tháng cuối 2 quý tiếp theo
  • Ngày đáo hạn: Thứ Năm thứ 3 của tháng đáo hạn

Ví dụ về một giao dịch phái sinh:

Giả sử hợp đồng tương lai VN30 đang ở mức 1,050.0. Để mua 1 hợp đồng, ta cần tối thiểu: 

1,050 x 1 x 100,000 x 17% = 17,085,000 VNĐ

Khi đó, giá trị vị thế của ta là: 

1,050 x 1 x 100,000 = 105,000,000 VNĐ

Trong trường hợp hợp đồng tăng lên 1,065.5, giá trị vị thế của ta là: 

1,065.5 x 1 x 100,000 = 106,550,000 VNĐ

Do đó, ta đang lãi:

106,550,000 - 105,000,000 = 1,550,000 VNĐ

Tổng vốn hiện tại là: 

17,085,000 + 1,550,000 = 18,635,000 VNĐ

Ngược lại, nếu hợp đồng giảm xuống 1,030 điểm, giá trị vị thế của ta là: 

1,030 x 1 x 100,000 = 103,000,000 VNĐ 

Do đó, ta đang lỗ 20,000,000 VNĐ, tổng vốn hiện tại đang là: 

17,085,000 - 2,000,000 = 15,085,000 VNĐ

Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ chưa được quan tâm nhiều

Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ là công cụ phái sinh có tài sản cơ sở là trái phiếu chính phủ 5 và 10 năm do Kho bạc Nhà nước phát hành. Biến động của tài sản này do đó cũng sẽ tương đồng với trái phiếu các kỳ hạn tương đương.

Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ hiện tại có thanh khoản không cao do ít được giao dịch. Lý do cho việc này có thể đến từ hiểu biết về trái phiếu của thị trường, đặc biệt là thị trường nhỏ lẻ, chưa đủ sâu, sản phẩm khó tiếp cận, không tất toán bằng tiền mà bằng trái phiếu thật,...

Một hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ sẽ được niêm yết là GBXXFYYZZ. Trong đó:

  • GBXXF là ký hiệu hợp đồng cho trái phiếu kỳ hạn XX năm (VD, hợp đồng tương lai trái phiếu 5 năm sẽ là GB05F)
  • YY là 2 số cuối của năm đáo hạn hợp đồng (VD: 23)
  • ZZ là tháng đáo hạn hợp đồng (VD: 06)

Như vậy, mã giao dịch GB10F2306 sẽ là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đáo hạn vào tháng 6/2023.

Đặc điểm của hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ:

  • Tài sản cơ sở: Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 hoặc 10 năm
  • Hệ số nhân: 10,000 trái phiếu
  • Quy mô hợp đồng: 1 tỷ VNĐ
  • Tỷ lệ ký quỹ: 2.5%
  • Biên độ dao động giá: +/- 3% so với tham chiếu
  • Bước giá: 1 đồng - 1 hợp đồng
  • Tháng đáo hạn: 3 tháng cuối của 3 quý gần nhất
  • Ngày đáo hạn: Ngày 15 của tháng đáo hạn hoặc ngày liền trước nếu 15 là ngày nghỉ
  • Ngày thanh toán cuối cùng: Ngày làm việc thứ 3 kể từ ngày giao dịch cuối cùng
  • Phương thức tất toán: Chuyển giao vật chất

Giao dịch phái sinh hàng hóa đang ngày càng phổ biến 

Tại Việt Nam, hoạt động giao dịch phái sinh hàng hóa được tổ chức bởi Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) và nhà đầu tư có thể giao dịch thông qua các thành viên kinh doanh của MXV. 

Sản phẩm phái sinh hàng hóa chính được giao dịch là hợp đồng kỳ hạn (trên thực tế là hợp đồng tương lai do yếu tố chuẩn hóa và giao dịch tập trung) trên khoảng 40 loại hàng hóa khác nhau từ các sàn giao dịch liên thông toàn cầu. Trong năm 2023, MXV sẽ bắt đầu triển khai sản phẩm quyền chọn hàng hóa.

Có 4 nhóm hàng hóa chính được giao dịch:

  • Năng lượng: Dầu thô, khí đốt,...
  • Kim loại: Bạc, đồng, nhôm, quặng sắt,...
  • Nông sản: Gạo, lúa mì, ngô,...
  • Nguyên liệu thô: Đường, cà phê, bông, cao su,...

Thị trường hàng hóa phái sinh đang ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, với khối lượng giao dịch trung bình đạt 5 nghìn tỷ VNĐ/ngày, và hơn 22,000 tài khoản đăng ký tại MXV. 

Tuy nhiên, yêu cầu vốn để giao dịch hàng hóa nhìn chung vẫn tương đối cao, không dành cho đa số nhà đầu tư. Ký quỹ giao dịch hàng hóa nằm trong khoảng 6-750 triệu VNĐ, với các sản phẩm phổ biến nhất có ký quỹ rơi vào khoảng 100-200 triệu VNĐ. Đây chưa kể đến chi phí phần mềm có thể lên đến hàng chục triệu mỗi năm.

Để có thể tìm hiểu sâu hơn về thị trường hàng hóa nói chung và thị trường hàng hóa nói riêng, bạn có thể tham khảo bài viết chi tiết sau đây.

Các sản phẩm phái sinh forex chủ yếu dành cho tổ chức

Hiện tại, các ngân hàng thương mại cung cấp các sản phẩm phái sinh tiền tệ, như hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi, quyền chọn, nhưng chỉ dành cho khách hàng doanh nghiệp/tổ chức. Đây là hình thức phái sinh forex duy nhất tại Việt Nam. 

Việc các trader cá nhân giao dịch forex thông qua các broker trên nền tảng MT4/MT5 cũng là một hình thức phái sinh, nhưng theo dạng hợp đồng CFD. 

Giao dịch phái sinh cần bao nhiêu tiền?

Đối với giao dịch hợp đồng tương lai VN30, nhà đầu tư cần tối thiểu 18 triệu VNĐ để có thể bắt đầu giao dịch, tính theo mức ký quỹ 17% để mua hoặc bán 1 hợp đồng tương lai VN30.

Đối với các sản phẩm phái sinh hàng hóa, thông thường nhà đầu tư sẽ cần ít nhất 100-200 triệu để bắt đầu giao dịch. Dù sản phẩm ký quỹ thấp nhất chỉ ở mức 6 triệu, các sản phẩm này gần như không có thanh khoản để giao dịch.

Với giao dịch CFD forex, hạn mức tối thiểu sẽ tùy theo broker đăng ký tài khoản. Thông thường, nhà đầu tư chỉ cần khoảng 2 triệu để bắt đầu giao dịch CFD forex.

Giao dịch phái sinh tiềm ẩn rủi ro cao, trong đó có cả rủi ro mất trắng. Do đó, khi mới nhập môn, nhà đầu tư nên bắt đầu với số vốn nhỏ, sau khi đã hiểu được thị trường hơn có thể tăng vốn, khuếch đại lợi nhuận.

dubaotiente.com

Broker listing

Thư mục bài viết