Phần 2: Nguyên nhân sâu xa của chiến tranh thương mại
trade war, forex, chiến tranh thương mại
(Nguồn Truong Quang Hai, BIDV Treasury Research)
Giá trị của chiếc iPhone, “Created in China”, nỗi lo của người Mỹ và nhu cầu kiềm chế Trung Quốc
Như đã đề cập ở phần 1, hiện nay Mỹ đang áp thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và 10% lên 200 tỷ USD khác (kèm theo khả năng có thể tăng lên 25% vào tháng 3 nếu hai bên không đạt được các thỏa thuận cần thiết). Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý “ngừng bắn” trong vòng 90 ngày kể từ cuộc họp bên lề hội nghị G20 vào ngày 1/12 vừa qua, quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn đang ở trong tình trạng căng thẳng nhất trong suốt vài thập kỷ trở lại đây. Và trên các phương tiện truyền thông thì phía Mỹ, hay nói chính xác hơn là Tổng thống Mỹ Donald Trump, không ngừng nhắc đến con số khổng lồ trong thâm hụt thương mại với Trung Quốc như là lý do khiến Mỹ phải áp dụng các biện pháp trừng phạt thuế quan. “Khi một quốc gia (nước Mỹ) đang thâm hụt hàng tỷ USD trong thương mại với hầu như tất cả các quốc gia khác, chiến tranh thương mại là một điều tốt… Ví dụ, khi chúng ta thâm hụt 100 tỷ USD với một quốc gia, chúng ta có thể không làm ăn với họ nữa…. Đơn giản là vậy.” (Twitter của ông Trump, ngày 22/3/2018 ). “Năm ngoái, chúng ta đã mất 500 tỷ USD trong thương mại với Trung Quốc. Chúng ta không thể để điều đó tiếp diễn” (ông Trump phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 23/3 ) . Nhưng những phát biểu của ông Trump chính xác đến đâu, thâm hụt thương mại có thực sự là lý do, và nếu không thì đâu mới là nguyên nhân sâu xa khiến phía Mỹ phát động chiến tranh thương mại ?
Đầu tiên, cần phải đính chính rằng con số 500 tỷ USD mà ông Trump nhắc đến là có phần hơi phóng đại. Trong năm 2017, cán cân thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc thâm hụt 375 tỷ USD, tuy nhiên cán cân thương mại dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc lại thặng dư 39 tỷ USD, nghĩa là cán cân thương mại tổng thể của Mỹ với Trung Quốc chỉ thâm hụt khoảng 336 tỷ USD mà thôi, bằng khoảng 2/3 so với con số mà ông Trump đưa ra. Ngoài ra, suốt từ năm 2009-2017 thì tỷ lệ thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc so với tổng thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với thế giới về cơ bản vẫn tương đối ổn định, bình quân khoảng 45%. Nói cách khác, con số tuyệt đối về thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc gia tăng là do bản thân kinh tế Mỹ đang có thâm hụt nhiều hơn với phần còn lại của thế giới hơn là vì Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ (trong tương quan so sánh với các nước khác).
Quan trọng hơn, con số 375 tỷ USD thâm hụt thương mại nêu trên là dựa trên phương thức tính toán vốn không hoàn toàn chính xác của phía Mỹ. Trung Quốc là đầu mối nhập khẩu nhiều linh kiện, hàng hóa từ các quốc gia khác để chế tạo ra thành phẩm và được hưởng một tỷ lệ nhất định trong tổng giá trị thành phẩm xuất khẩu (thông qua những phụ kiện mà Trung Quốc đóng góp hoặc thông qua giá trị nhân công lao động). Tuy nhiên phía Mỹ lại tính toàn bộ giá trị của thành phẩm này vào trong thâm hụt thương mại với Trung Quốc, khiến cho mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với thực tế. Đơn cử, giá thành sản xuất của một chiếc iPhone 7 (ra mắt cuối năm 2016) là khoảng 237,45 USD và chỉ riêng trong năm 2017 thì đã có 61 triệu chiếc iPhone 7 vượt qua Thái Bình Dương. Theo cách tính của Mỹ thì 61 triệu chiếc iPhone 7 này đã tạo ra tới 15,7 tỷ USD thâm hụt thương mại hàng hóa giữa Mỹ với Trung Quốc (chiếm 4,4% trong tổng thâm hụt thương mại), tuy nhiên trên thực tế thì Trung Quốc chỉ được hưởng vỏn vẹn 8,46 USD (từ giá trị của pin điện thoại và nhân công lao động) trên tổng giá thành 237,45 USD của chiếc iPhone . Trong phần còn lại thì 17 USD thuộc về Hàn Quốc (cung cấp màn hình), 68 USD được phân bổ cho Nhật Bản (cung cấp chip vi mạch), 68 USD khác thuộc về Mỹ (cung cấp bộ vi xử lý, các phụ kiện radio...), 48 USD là của Đài Loan và 28 USD là đóng góp của các quốc gia khác. Và 61 triệu chiếc iPhone xuất khẩu sang Mỹ chỉ mang lại cho Trung Quốc vỏn vẹn có 0,55 tỷ USD giá trị thặng dư mà thôi. Tất nhiên đây là một trường hợp tương đối cá biệt và tỷ lệ đóng góp của Trung Quốc vào các mặt hàng xuất khẩu khác nhìn chung là cao hơn so với iPhone, nhưng có một sự thực không thể phủ nhận là con số thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã được phóng đại một cách đáng kể. Nếu chỉ tính đến phần giá trị gia tăng mà Trung Quốc được hưởng thì mức thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ sẽ giảm đi từ 44% (theo tính toán của phía Trung Quốc) tới 36% (tính toán của Oxford Economics) so với con số danh nghĩa. Và, nếu cần thêm một bằng chứng rằng thâm hụt thương mại không phải là mối quan tâm hàng đầu và duy nhất của phía Mỹ, thì là họ không hề áp thuế đối với iPhone hay các sản phẩm của Apple được lắp ráp tại Trung Quốc (dù chúng đóng góp một phần đáng kể vào thâm hụt thương mại của xứ sở cờ hoa).
Cuối cùng, thực ra thì ngay cả chính phủ Mỹ cũng hầu như không đề cập đến vấn đề thâm hụt thương mại khi đưa ra các căn cứ để trừng phạt Trung Quốc. Ngày 14/8/2017, tổng thống Trump ký văn bản yêu cầu Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) – dựa trên Điều 301, Luật Thương mại 1974 - điều tra xem “Liệu các luật lệ, chính sách, thông lệ và hành động của phía Trung Quốc có phải là không phù hợp/mang tính phân biệt và có đang làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu trí tuệ, khả năng sáng tạo và phát triển công nghệ của Mỹ hay không ?”. Trong báo cáo điều tra của USTR công bố ngày 22/3/2018 thì “công nghệ” và “chuyển giao công nghệ” được xác định là những khái niệm quan trọng nhất. Từ khóa “chuyển giao công nghệ” xuất hiện tới 227 lần, trong khi “thâm hụt thương mại” chỉ xuất hiện 2 lần trong bản báo cáo dài tới 215 trang. Trong văn bản ký ngày 22/3/2018 yêu cầu USTR sử dụng các biện pháp trừng phạt (bao gồm cả áp thuế) với Trung Quốc thì ông Trump chỉ nhắc đến các căn cứ là (i) Trung Quốc ép buộc các doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ và tài sản trí tuệ cho Trung Quốc, (ii) Các chính sách mua lại công nghệ của chính phủ Trung Quốc không tuân theo đúng quy luật thị trường, (iii) Chính phủ Trung Quốc tổ chức mua bán và sát nhập các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ một cách có hệ thống nhằm thu thập các công nghệ và tài sản trí tuệ mới nhất trong những ngành công nghiệp có ý nghĩa quan trọng chiến lược và (iv) Trung Quốc tổ chức các cuộc tấn công vào hệ thống mạng máy tính của Mỹ để đánh cắp tài sản trí tuệ, bí mật thương mại và các thông tin kinh doanh nhạy cảm.
Trong thông cáo báo chí ngày 15/6/2018 về việc áp thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định: “Chúng ta phải sử dụng những biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ vị thế dẫn đầu về công nghệ và sáng tạo của Mỹ trước sự đe dọa chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc... Trung Quốc đang thực hiện các chính sách thương mại không công bằng (bao gồm bán phá giá, ép buộc chuyển giao công nghệ, sử dụng các hàng rào phân biệt đối xử phi thuế quan và trợ giá ) và những chính sách công nghiệp như “Made in China 2025” để làm suy yếu các ngành công nghiệp công nghệ cao cũng như vị trí số 1 về kinh tế của Mỹ” Cũng trong thông cáo này, USTR đã thừa nhận rằng 1.102 mặt hàng có tổng trị giá 50 tỷ USD bị Mỹ áp thuế trong đợt đầu tiên chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp đóng góp vào hoặc được hưởng lợi từ chính sách Made in China 2025 (nói cách khác thì, đối với phía Mỹ, kiềm chế Made in China 2025 là điều quan trọng hơn giảm thâm hụt thương mại). Cụ thể, các mặt hàng chủ yếu của Trung Quốc bị áp thuế là thiết bị vũ trụ, công nghệ thông tin và viễn thông, robotics, máy công nghiệp và ô tô .
Vậy thì Trung Quốc đang đe dọa đến Mỹ như thế nào ? Trung Quốc đang trực tiếp đe dọa đến vị thế thống trị về công nghệ cao của phía Mỹ, qua đó gián tiếp thách thức ngôi vị số một của Mỹ trong cả lĩnh vực kinh tế lẫn quân sự và đây có lẽ mới là nguyên nhân sâu xa dẫn đến chiến tranh thương mại (theo nghĩa hẹp) và đối đầu chiến lược (theo nghĩa rộng) giữa hai quốc gia
Trong thời đại kinh tế tri thức như hiện nay, trình độ công nghệ là yếu tố quyết định để duy trì tăng trưởng kinh tế. Tốc độ phát triển công nghệ được cho là đóng góp khoảng 80% vào tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của mỗi quốc gia, với 20% còn lại đến từ tăng trưởng vốn và lao động . Trung Quốc hiện đang có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình (đánh mất lợi thế cạnh tranh vào tay những quốc gia có thu nhập thấp trong những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhưng lại chưa giành được ưu thế trước các quốc gia phát triển trong những ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao) và công nghệ cao được cho là giải pháp mấu chốt để vượt qua “cái bẫy” này. Thay vì đóng vai trò công xưởng lắp ráp của thế giới, Trung Quốc đang đặt mục tiêu trở thành nơi sản xuất và cung cấp các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và tri thức cao. Thay vì nổi tiếng với thương hiệu “Made in China”, Trung Quốc đang muốn được biết đến với khái niệm “Created in China”. Để hiện thực hóa mục tiêu tự chủ 70% trong các ngành công nghệ cao vào năm 2025 và 90% vào năm 2045 thì Trung Quốc đã triển khai một loạt các giải pháp:
(i) Trợ giá lên đến hàng trăm tỷ USD cho các ngành công nghiệp thuộc mục tiêu “Made in China 2025”, trong đó thì các doanh nghiệp Nhà nước được hưởng lợi nhiều nhất.
(ii) Đầu tư mạnh mẽ vào việc mua bán & sát nhập các doanh nghiệp công nghệ cao của nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Tổng giá trị các thương vụ M&A của Trung Quốc tại Mỹ trong năm 2016 lên tới 45 tỷ USD, so với chỉ 2.3 tỷ USD trong năm 2014 (1 năm trước khi “Made in China 2025” được ban hành).
(iii) Yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc nếu muốn đầu tư, kinh doanh tại nước này.
(iv) Tăng cường mức độ sở hữu và kiểm soát của Nhà nước tại các doanh nghiệp công nghệ cao để đảm bảo là các doanh nghiệp này được vận hành theo đúng chính sách chung về công nghệ cao của Chính phủ Trung Quốc.
Theo Ủy ban Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung thuộc Quốc hội Mỹ thì việc Chính phủ Trung Quốc trợ giá (có thể lên tới 35%) cho các doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp này có được lợi thế cạnh tranh đáng kể trên thị trường thế giới, qua đó đặt các doanh nghiệp Mỹ vào thế bất lợi. Ngoài ra, việc Trung Quốc đầu tư mua lại các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ cũng sẽ khiến tính cạnh tranh của công nghiệp Mỹ bị giảm đi, đặc biệt trong những lĩnh vực mà Trung Quốc coi là có tầm quan trọng chiến lược như công nghệ thông tin mới, thiết bị vũ trụ, điều khiển số và robotics, năng lượng mới...
Chưa hết, Mỹ đang bị thiệt hại số tiền có thể lên tới 600 tỷ USD mỗi năm do nạn ăn cắp bản quyền cũng như bí mật thương mại, với 87% phần thiệt hại này do Trung Quốc gây ra. Cụ thể, mặc dù các doanh nghiệp Mỹ phải đầu tư rất nhiều vào việc nghiên cứu sáng tạo để phát triển công nghệ mới nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh, lợi thế này có thể nhanh chóng biến mất nếu như phía Trung Quốc đánh cắp thành công bí mật công nghệ. Trong dài hạn, các chiến lược công nghệ nêu trên của Trung Quốc có thể sẽ giúp cách biệt giữa hai nền kinh tế tiếp tục được thu hẹp. Hãy lấy một dẫn chứng đơn giản: đến năm 2026, trị giá của ngành công nghiệp 5G được dự báo sẽ đạt khoảng 1,2 nghìn tỷ USD (và sẽ còn tiếp tục tăng), trong đó chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm tới 1/3 tổng giá trị và đương nhiên là quốc gia chiếm lĩnh thị phần lớn nhất.
GDP của Trung Quốc hiện đã bằng 2/3 Mỹ và nếu hai nước tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng như thế này thì GDP của Trung Quốc sẽ ngang bằng Mỹ trong vòng 10-12 năm nữa. Do đó Mỹ cần thực hiện các biện pháp kiềm chế Trung Quốc nhằm giữ vững ngôi vị số 1 thế giới về kinh tế. Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng chính sách “Made in China 2025” là “một sự xúc phạm” bởi “nó có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ thống trị thế giới về kinh tế vào năm 2025, và tôi sẽ không để điều đó xảy ra ”.
Chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể trong khoảng 10 năm trở lại đây và hiện đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, và một phần lớn trong số này được tập trung cho các binh chủng có khả năng đối chọi trực tiếp với Mỹ trên không và trên biển. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Mỹ đã phải nhìn nhận Trung Quốc như là một “đối thủ ngang hàng”, rằng “Trung Quốc đủ khả năng kiểm soát biển Đông” và “không có gì đảm bảo rằng Mỹ sẽ giành chiến thắng trong một cuộc xung đột (trên biển) với Trung Quốc trong tương lai” . Không quân Mỹ cũng cho rằng sức mạnh của mình sẽ tụt lại sau Trung Quốc vào năm 2025 “trừ khi có một sự mở rộng đáng kể về công nghệ tác chiến” . Mặc dù sức mạnh quân sự nói chung vẫn còn thua kém Mỹ, Trung Quốc đã tập trung xây dựng các loại hình vũ khí bất đối xứng, ví dụ như tên lửa chống hạm hoặc thiết bị bay không người lái. Văn phòng nghiên cứu của Quốc hội Mỹ đã thừa nhận rằng hải quân Mỹ “chưa bao giờ phải đối mặt với một mối đe dọa tương tự” và sự phát triển các loại vũ khí bất đối xứng này có thể làm “thay đổi cuộc chơi”.
Sự phát triển các loại vũ khí bất đối xứng này của phía Trung Quốc có liên hệ mật thiết đến các chiến lược phát triển công nghệ cao mà Trung Quốc đang áp dụng, điển hình nhất là chính sách công nghiệp “Made in China 2025”, vì rất nhiều công nghệ cao hiện nay có tính chất lưỡng dụng, tức có thể phục vụ cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự (ví dụ như công nghệ nhận dạng hình ảnh có thể được dùng để selfie trong iPhone hoặc dùng để định vị mục tiêu cho tên lửa ). Bộ Quốc phòng Mỹ quan ngại rằng, nếu hoàn toàn làm chủ được các ngành công nghệ cao như mục tiêu đề ra, thay vì sử dụng các loại vũ khí truyền thống thì Trung Quốc có thể triển khai các thiết bị bay không người lái/tàu ngầm không người lái được vận hành bằng trí tuệ nhân tạo ở quy mô lớn để ngăn chặn hải quân Mỹ vận hành tự do ở châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, Trung Quốc đang là nhà cung cấp chủ chốt cho nhiều mặt hàng có ý nghĩa quan trọng chiến lược đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Nếu Trung Quốc tiếp tục phát triển chính sách công nghiệp hiện tại mà không bị ngăn chặn thì năng lực sản xuất trang bị quân sự của Mỹ có nguy cơ trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc .
Trong học thuyết ngoại giao của Mỹ kể từ sau Thế chiến II, có 4 chiến lược cơ bản là Rollback (thay đổi chế độ, thường là bằng vũ lực), Contaiment (kiềm chế), Détente (hòa hoãn) và Appeasement (nhân nhượng). Và những động thái gần đây của phía Mỹ đang cho thấy một sự chuyển dịch rõ ràng từ “nhân nhượng” sang “kiềm chế” đối với Trung Quốc. Về mặt quan điểm, nhiều nhân vật quan trọng trong chính quyền Mỹ đã công khai bày tỏ sự lo ngại trước sự nổi lên của Trung Quốc. "Cơ cấu lại cán cân thương mại với Trung Quốc đương nhiên là một trong số những giải pháp trực tiếp nhất để gia tăng sức mạnh kinh tế của Mỹ... nhưng đấy không phải là chiến lược duy nhất mà Mỹ nên theo đuổi. Chính sách thứ hai là tái cơ cấu (cắt giảm) thuế (thu nhập doanh nghiệp). Thứ ba là tăng cường mức độ bảo hộ các tài sản trí tuệ trong lĩnh vực quân sự cũng như khu vực kinh tế tư nhân, và không cho phép Trung Quốc tiếp tục đánh cắp các bí mật kinh tế cũng như quân sự”. Đoạn trích trên có vẻ như thuộc về một văn bản mới được Chính phủ Mỹ ban hành gần đây, bởi vì đó đích xác là những chiến lược mà phía Mỹ đã triển khai kể từ cuối năm 2017 (tháng 12/2017, Quốc hội Mỹ thông qua việc cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 21% ). Nhưng không, sự thực thì đó là một trích đoạn trong cuốn sách “Crouching Tiger: What China’s Militarism Means for the World” của giáo sư Peter Navarro xuất bản cuối năm 2015. Khoan đã.... Navarro ? Một cái tên quen quen ? Đúng vậy, Navarro hiện đang giữ chức vụ Cố vấn Tổng thống, Giám đốc Văn phòng Chính sách Thương mại và Sản xuất Công nghiệp.
Nếu như Mỹ đang hành động gần như đúng với những gì mà Navarro đề xướng từ 3 năm trước, những quan điểm của ông này xứng đáng được tìm hiểu thêm. Và Navarro cho rằng việc Mỹ mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Quốc đã phản tác dụng, khi Trung Quốc không những không đẩy mạnh quá trình tự do hóa nền kinh tế mà vẫn duy trì một thể chế mang nặng tính kiểm soát của Nhà nước, ngoài ra còn sử dụng những thành quả thu được từ sự phát triển kinh tế để đầu tư vào quốc phòng và đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ. Thậm chí Navarro còn đề xuất “ngừng đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Trung Quốc để ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc”. Đương nhiên không phải nhân vật nào trong đội ngũ cố vấn cho ông Trump cũng có quan điểm cứng rắn như Navarro hay Lighthizer (Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin và Giám đốc Ủy ban Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow cho rằng những mâu thuẫn giữa Mỹ - Trung chủ yếu chỉ nằm trong lĩnh vực thương mại và việc Mỹ gây áp lực lên Trung Quốc cũng chỉ nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại song phương công bằng hơn), nhưng phe cứng rắn có vẻ như đang chiếm ưu thế. Ngày 4/10/2018 vừa qua, Phó Tổng thống Mike Pence nhận định : “Bắc Kinh đang áp dụng một chiến lược tổng thể bao gồm các công cụ chính trị, kinh tế, quân sự cũng như truyền thông để gia tăng tầm ảnh hưởng và lợi ích của mình tại Mỹ…. tranh giành các quyền lợi địa chính trị của Mỹ và cố gắng thay đổi trật tự thế giới theo hướng có lợi cho họ…. Mục tiêu của Trung Quốc là kiểm soát 90% những ngành công nghiệp tiên tiến nhất của thế giới như robotic, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo…. Mỹ đã góp phần xây dựng lại Trung Quốc và hy vọng rằng sự tự do hóa về kinh tế sẽ dẫn đến một mối quan hệ tốt hơn giữa Trung Quốc với Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới, nhưng Trung Quốc lại lựa chọn giải pháp đối đầu về kinh tế cũng như quân sự…“. Đến ngày 10/12/18, Ngoại trưởng Mike Pompeo lại một lần nữa nhấn mạnh rằng “Trong vòng 5,10 hay 25 năm tới, với sức mạnh kinh tế cũng như hệ thống chính trị của mình thì Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất mà Mỹ sẽ phải đối mặt ”.
Về mặt chính sách, bên cạnh việc trừng phạt thuế quan thì phía Mỹ còn áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc và tăng cường kiểm soát các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Nếu như thuế quan là công cụ ngắn hạn nhằm gây sức ép buộc phía Trung Quốc mở cửa thị trường cũng như từ bỏ một số chính sách thương mại mà phía Mỹ cho rằng không công bằng, thì hạn chế xuất khẩu công nghệ và tăng cường kiểm soát đầu tư có thể được coi là một phần trong chiến lược kiềm chế mà Mỹ đã, đang và sẽ sử dụng đối với Trung Quốc. Ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ mới nhất sẽ giúp kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong dài hạn, từ đó giúp cho khoảng cách về GDP giữa hai nền kinh tế tiếp tục được duy trì. Để có đủ cơ sở pháp lý cho hai hành động đó thì Mỹ đã lần lượt ban hành hai văn bản là Luật hiện đại hóa hoạt động giám sát rủi ro từ đầu tư nước ngoài và Luật cải cách quy trình hạn chế xuất khẩu đều trong năm 2018, với đích ngắm rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc. Trong cuộc đàm phán bên lề hội nghị G20 ngày 1/12 vừa qua, Mỹ cũng chỉ tuyên bố ngừng tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc chứ không hề nhắc đến việc dỡ bỏ các chính sách hạn chế xuất khẩu hay kiểm soát đầu tư. Nói cách khác, mục tiêu kiềm chế Trung Quốc trong dài hạn vẫn được bảo lưu.
Tất nhiên đây chỉ là quan điểm của phía Mỹ, còn Trung Quốc có thể có những đánh giá và nhìn nhận của riêng mình về chiến tranh thương mại nói riêng hay cuộc đối đầu chiến lược giữa hai cường quốc nói chung. Nhưng đó là câu chuyện của phần 3....