Phân tích tỷ giá EUR/USD: Liệu lợi thế về tình hình COVID-19 ở Châu Âu sẽ giúp nới rộng xu hướng tăng?
Đỗ Duy Đạt
Associate Manager, FX G7
EUR/USD đang trong đà tăng khi các nhà đầu tư bỏ qua các tin tức xung quanh lo ngại về tình hình COVID-19 đang gia tăng ở Mỹ. Châu Âu đã tương đối thành công trong việc kiềm chế COVID-19 và chỉ số lạm phát. Biểu đồ H4 đang cho thấy một bức tranh tích cực cho cặp tỷ giá này.
COVID-19 đang hoành hành ở Mỹ - Tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở Texas đã tăng trên 14%, Arizona và Georgia đã báo cáo một số lượng kỷ lục các trường hợp nhiễm mới, và Florida cũng theo sát phía sau. California, tiểu bang lớn nhất và giàu nhất, sẽ đóng cửa các quán bar và nhìn chung - các trường hợp lây nhiễm ở Mỹ đã chạm mốc 2.5 triệu.
Phó Tổng thống Mike Pence dường như đã thay đổi suy nghĩ về việc đeo khẩu trang, nói vào Chủ Nhật rằng “đó là một ý tưởng hay” sau khi từ chối bình luận về vấn đề này vào thứ Sáu tuần trước. Tổng thống Donald Trump vẫn chưa lên tiếng ủng hộ phương pháp phòng chống giá rẻ này để giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Nếu không lấy bản thân ra làm gương, những người ủng hộ ông có thể sẽ tiếp tục không đeo khẩu trang và lan truyền virus COVID-19.
Tin tức xấu đã đẩy đồng Dollar trú ẩn lên cao hơn nhưng sau khi tăng giá vào Thứ Sáu, đồng tiền dự trữ của thế giới đang không thể đứng vững trước áp lực bán, một phần là qua đồng EUR. Liệu đó có phải là lợi thế của Châu Âu? Các đợt bùng phát nhỏ đã được ghi nhận ở nhiều nơi trên lục địa già, nhưng nhìn chung tình hình đã được kiểm soát tốt.
Tỷ lệ lây nhiễm mới ở đã giảm ở bốn quốc gia lớn của Châu Âu, trong khi nó vẫn đang gia tăng rõ ràng ở Mỹ.
Một lời giải thích thực tế hơn cho đà tăng giá của EUR/USD là các thị trường đã ổn định hơn sau đợt bán tháo vào Thứ Sáu, cho phép đồng Bạc Xanh giảm trở lại. Các động thái tiếp theo chủ yếu phụ thuộc vào làn sóng tin tức mới trong buổi chiều và tối nay.
Ở lục địa già, số liệu lạm phát sơ bộ của Đức cho tháng 6 mang theo kỳ vọng về sự phục hồi sau khi giảm đáng kể trước đó. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Tây Ban Nha gây bất ngờ với mức giảm hàng năm là 0.3% so với mức -0.9% dự kiến. Isabel Schnabel của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho rằng lạm phát có thể giảm xuống dưới 0%, có khả năng kích hoạt mở rộng các chính sách tiền tệ.
Về mặt chính sách tài khóa, các nhà lãnh đạo đang tiến tới một cuộc thảo luận khác về Quỹ phục hồi Châu Âu, sau khi không thể đi đến đồng thuận trước đó. Emmanuel Macron - Tổng thống Pháp và là người đề xuất kế hoạch đầy tham vọng này - đã phải chịu thất bại trong cuộc bầu cử ở chính đất nước của mình, phần nào làm suy yếu ảnh hướng chính trị của ông.
Ủy ban Châu Âu chuẩn bị phát hành hướng dẫn di chuyển mới vào thứ Hai hoặc thứ Ba, có lẽ không bao gồm du khách đến từ Mỹ giữa bối cảnh lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai tăng cao. Điều đó sẽ làm gia tăng căng thẳng xuyên Đại Tây Dương, sau khi cả hai bên không thể thống nhất về một số vấn đề thương mại.
Vào cuối ngày hôm nay, Doanh số bán nhà của Mỹ được dự báo sẽ tăng phục hồi trong tháng 5 sau khi giảm vào tháng Tư, theo sau “dấu chân” của Doanh số bán lẻ và Số liệu đơn đặt hàng lâu bền.
Nhìn chung, có một số yếu tố có thể gây tác động lên EUR/USD, nhưng cho đến nay COVID-19 vẫn là yếu tố quan trọng nhất.
Phân tích kỹ thuật
Cặp tiền tệ được giao dịch nhiều nhất thế giới một lần nữa đã phục hồi từ đường hỗ trợ xu hướng tăng, củng cố tầm quan trọng của nó và đóng vai trò là một tín hiệu “bullish”. EUR/USD cũng đã tăng lên trên đường MA 50 kỳ trên khung H4.
Bức tranh toàn cảnh đang được cải thiện nhưng cặp EUR/USD vẫn chưa ra khỏi vùng nguy hiểm.
Kháng cự đang chờ ở mức 1.1290, đã từng là đỉnh vào giữa tháng Sáu. Trên đó là vùng 1.1350, theo mô hình đỉnh đôi (double top). Các mức kháng cự tiếp theo nằm ở 1.1385 và 1.1420.
Hỗ trợ trong ngắn hạn là 1.1250, đã từng là mức đỉnh trong tuần trước. Dưới đó là vùng 1.1190, đã là tấm đệm đỡ cho cặp tỷ giá này trong những ngày gần đây. Các mức hỗ trợ tiếp theo nằm ở 1.1175 và 1.1075.