Phe cực hữu lên ngôi: Nhà đầu tư đối mặt với những rủi ro nào?
Quỳnh Chi
Junior Editor
Liệu sự thành công của phe cực hữu có đe dọa nền kinh tế châu Âu và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế?
Đó là câu hỏi các nhà đầu tư dường như đang đặt ra sau chiến thắng áp đảo của đảng cực hữu Rassemblement National của Marine Le Pen trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, quyết định bất ngờ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc tổ chức bầu cử sớm, và tin gây sốc về một liên minh bất thường giữa các đảng tại Pháp.
Chỉ số CAC 40 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm sau khi cuộc bầu cử được công bố và xóa sạch phần lớn mức tăng của năm, trong khi lợi suất trái phiếu tăng vọt. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Pháp và Đức đã mở rộng lên mức chưa từng thấy trong bảy năm qua. Đồng thời, Bộ trưởng Tài chính Pháp cảnh báo rằng Pháp đang đứng trươc một cuộc khủng hoảng tài chính.
Sẽ là quá cực đoan khi kết luận rằng Pháp đang đứng trước một thảm họa kinh tế, và sai lầm khi cho rằng sẽ có những tác động nghiêm trọng lan rộng khắp lục địa. Tuy nhiên, có những rủi ro ở cả cấp quốc gia và EU có thể có hậu quả lâu dài đối với các công ty và thị trường.
Các nhà đầu tư Pháp đã phản ứng tức thời. Ngay sau quyết định chính trị bất ngờ, họ đã chuyển sang né tránh rủi ro trong khi họ cân nhắc các hệ quả có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu cuộc bầu cử cho thấy cánh tả đạt kết quả tốt, sẽ có nhiều đợt bán tháo tài sản Pháp hơn. Cả cương lĩnh của cực hữu và cực tả đều kêu gọi hủy bỏ các cải cách của Macron và đưa ra những lời hứa mị dân khó mà phù hợp với các quy tắc tài khóa của EU. Phe cánh tả mạnh cũng báo hiệu một sự chuyển hướng đáng lo ngại theo xu hướng hoài nghi châu Âu, chống lại doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Đây là những rủi ro tiềm ẩn thực sự cho Pháp.
Kể từ kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu, nhiều người đã so sánh Pháp với Italy dưới thời Thủ tướng Giorgia Meloni, cho rằng đảng cánh hữu của bà không quá tiêu cực đối với kinh doanh và nền kinh tế nước Ý. Tuy nhiên, đây không phải là so sánh thích hợp nhất.
Tình hình này tương tự hơn với Italy năm 2018, khi cuộc bầu cử tạo ra một liên minh bất thường giữa hai đảng dân túy. Chính phủ Ý năm 2018 gắn kết với nhau bởi cùng không ưa Brussels, sau đó đã sụp đổ sau chưa đầy một năm, tuy nhiên cũng tồn tại đủ lâu để mở ra một cuộc tranh cãi với Ủy ban Châu Âu về ngân sách quốc gia, dẫn đến sự gia tăng chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Ý.
Thị trường tài chính hiệu quả trong việc đóng vai trò thẩm phán, bồi thẩm đoàn và người thi hành án đối với các chính phủ có kế hoạch chi tiêu liều lĩnh và có thể áp dụng biện pháp kiềm chế. Anh dưới thời Thủ tướng Liz Truss là một ví dụ điển hình khác, và biến động thị trường trong tuần qua cho thấy các nhà đầu tư có thể bắt đầu định giá rủi ro của một kịch bản tương tự ở Pháp.
Ở cấp độ EU, nguy cơ Chủ nghĩa hoài nghi châu Âu tại Pháp trở nên nghiêm trọng hơn khi Đức dần yếu thế. Kết quả bầu cử tồi tệ của Thủ tướng Olaf Scholz sẽ làm suy yếu chính phủ Đức trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, cả ở trong nước và trên trường châu Âu. Do đó, "động cơ hội nhập Pháp - Đức" mạnh mẽ có thể mất đà, để lại cho cánh hữu quyền thiết lập chương trình nghị sự.
Mặc dù cánh hữu đã từ bỏ kêu gọi rời khỏi EU sau Brexit, họ vẫn có quan điểm khác về tương lai châu Âu. Các cuộc thăm dò ý kiến trên toàn châu Âu cho thấy chính sách về biến đổi khí hậu không phải là ưu tiên của cử tri cánh hữu. Thay vào đó, họ muốn tập trung nhiều hơn vào quốc phòng. Phe cánh hữu châu Âu mạnh mẽ hơn có thể tận dụng các điều khoản sửa đổi trong Thỏa thuận Xanh để trì hoãn hoặc làm yếu đi một số quy định. Điều này không chỉ rõ ràng là có hại cho môi trường, mà còn có thể làm giảm sức hấp dẫn của châu Âu đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ xanh và năng lượng sạch.
Từ góc độ nhà đầu tư, những cuộc tranh luận quan trọng cần theo dõi trong ngắn hạn sẽ xoay quanh ngân sách EU tiếp theo, đặc biệt là việc tiếp tục kế hoạch chi tiêu "Thế hệ Tiếp theo" của EU và về nguồn lực riêng của EU. Trước tình hình không chắc chắn này, các nhà đầu tư toàn cầu có thể sẽ thận trọng hơn khi đầu tư vào châu Âu.
Trong một bài phát biểu gần đây, Tổng thống Macron cảnh báo rằng châu Âu không "bất tử", sự sống còn của EU phụ thuộc vào lựa chọn của chúng ta. Lựa chọn của ông cho đến nay đã đặt Pháp dưới tình thế khó khăn về kinh tế. Ông không nghĩ rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy nhất thiết là mối đe dọa kinh tế nghiêm trọng đối với EU hoặc Pháp, mặc dù lịch sử cho thấy sự bất ổn và có thể làm nản lòng các nhà đầu tư.
Rủi ro đối với châu Âu còn tinh vi hơn. Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đã khơi lại câu chuyện về một châu Âu bị chia rẽ, nơi quan điểm kinh tế xã hội dường như đang đi ngược lại với các ưu tiên chính sách đã tuyên bố của EU. Tương lai của châu Âu sẽ phụ thuộc vào những lựa chọn mà nó sẽ thực hiện để hàn gắn sự chia rẽ sâu sắc này và giải quyết nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sự thành công của cực hữu.
Financial Times