Phe mua vàng tạm thời chiếm thế thượng phong, đỉnh lịch sử 2,450 USD đã không còn quá xa. Vậy, những yếu tố nào đang chi phối giá vàng?
Thành Duy
Junior editor
Giá vàng đã tăng vọt hơn 80 USD/ounce chỉ sau khoản một tuần khi loạt dữ liệu kinh tế ảm đạm từ Mỹ cho thấy áp lực lạm phát đang hạ nhiệt cùng với báo cáo NFP tháng 6 mặc dù ghi nhận số lượng việc làm mới khả quan, nhưng điểm nhấn đáng chú ý là tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ tăng lên 4.1%.
Kỳ vọng Fed sớm hạ lãi suất tăng không ngừng, đồng USD "đỏ ngầu"
Giá vàng hiện giao dịch quanh mức 2,384 USD/ounce tại thời điểm viết bài. Niềm tin của nhà đầu tư vào việc Fed hạ lãi suất sớm hơn dự kiến đang ngày càng gia tăng, đặc biệt sau khi chứng kiến hàng loạt dữ liệu kinh tế Mỹ yếu kém. Dấu hiệu hạ nhiệt của thị trường lao động và lĩnh vực dịch vụ càng củng cố cho kỳ vọng này.
Theo công cụ CME FedWatch, khả năng Fed hạ lãi suất 25 bps trong cuộc họp tháng 9 đã tăng lên 72%, so với mức 60% vào đầu tuần. Nguyên nhân chính cho sự thay đổi này là do thị trường tin rằng Fed cần phải hành động để kích thích tăng trưởng kinh tế. Việc hạ lãi suất sẽ làm giảm chi phí vay, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và người tiêu dùng chi tiêu, qua đó thúc đẩy nền kinh tế.
Kỳ vọng nêu trên đang khiến đồng USD trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời đẩy giá vàng lên cao. Bên cạnh đó, một số đồng tiền chủ chốt khác như EUR hay GBP đang dần ổn định cũng góp phần làm suy yếu thêm đồng USD. EUR được hỗ trợ khi rủi ro chính trị đã thuyên giảm sau kết quả bầu cử Pháp cho thấy đảng cực hữu có khả năng cao sẽ không giành được thắng lợi Tương tự với GBP sau chiến thắng áp đảo của Đảng Lao động trong cuộc tổng tuyển cử, hứa hẹn mang lại sự ổn định và tăng trưởng cho nền kinh tế.
Vàng còn được hưởng lợi bởi nhiều yếu tố khác
Ngoài nền kinh tế Mỹ, giá vàng còn được hỗ trợ bởi các yếu tố địa chính trị và kinh tế vĩ mô toàn cầu. Các cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông, Ukraine, cũng như rủi ro gia tăng về việc ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ vẫn là những yếu tố khiến các nhà đầu tư lo ngại và trú ẩn vào vàng.
Sự mở rộng của khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) với mục tiêu giảm vai trò của đồng USD trong thương mại quốc tế cũng làm gia tăng nhu cầu đối với vàng. Vàng được coi là phương án thay thế thực tế, hợp lý nhất cho các quốc gia bị cấm giao dịch bằng đồng USD do các lệnh trừng phạt.
Dù vậy, rủi ro chính trị giảm bớt ở châu Âu (mặc dù vẫn có sự dịch chuyển đáng kể sang phe cánh hữu) có thể sẽ hạn chế đà tăng của vàng. Bên cạnh đó, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương (vốn chiếm khoảng 1/4 tổng nhu cầu) dường như đang giảm và khả năng cũng kìm hãm phần nào sự hưng phấn của phe mua bởi trước đây, các ngân hàng trung ương châu Á gom vàng để bảo vệ đồng nội tệ khi USD tăng mạnh vào đầu năm nhưng giờ đây, có lẽ họ sẽ không phải quá căng thẳng với vấn đề này.
Phân tích kỹ thuật
Hiện tại, vàng đã vượt qua đường SMA 50 cùng với đỉnh 2,368 USD của ngày 21/06 một cách dứt khoát, đây là tín hiệu kỹ thuật quan trọng đối với kim loại quý này, củng cố thêm niềm tin cho xu hướng tăng giá. Nếu đà tăng tiếp diễn, mục tiêu gần nhất là mức 2,388 USD (đỉnh ngày 07/06) và sau đó là đỉnh lịch sử 2,450 USD.
Mẫu hình vai đầu vai được hình thành trong khoảng tháng 4 đến tháng 6 đã bị vô hiệu hóa bởi đà phục hồi gần đây, nhưng không loại trừ khả năng một vai phải khác đang được hình thành. Nếu điều này xảy ra và giá đột ngột giảm thủng đường viền cổ của mẫu hình ở khoảng 2,277 USD thì mục tiêu thận trọng sẽ là mức 2,165 USD, ứng với ngưỡng Fibonacci 0.618 đo theo chiều cao của sóng tăng từ đầu năm và trendline. Mặc dù vậy, về dài hạn, vàng vẫn sẽ duy trì xu hướng tăng.
XAU/USD đồ thị ngày
FXStreet