Quan điểm vĩ mô: Một con bướm vỗ cánh ở Trung Quốc tạo ra lốc xoáy ở bên kia địa cầu
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
[Quan điểm vĩ mô] Một con bướm vỗ cánh ở Trung Quốc tạo ra lốc xoáy ở bên kia địa cầu
Thật trớ trêu, câu chuyện lý thuyết đó đã trở thành chính xác những gì đang diễn ra với hiện thực kinh tế. Các nỗ lực từ chính phủ Trung Quốc nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan đã và đang toả ra những gợn sóng thông qua chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Hiện tại, nền kinh tế thế giới vẫn tương đối ổn. Nhưng điều đó sẽ không kéo dài lâu nếu virus tiếp tục nảy nở sinh sôi.
Các chính trị gia đã thất bại trong việc tách Trung Quốc ra khỏi phương tây, nhưng Mẹ Thiên Nhiên lại thành công. Việc Donald Trump áp thuế và gây chiến thương mại nhằm kéo chuỗi sản xuất trở lại và kéo các doanh nghiệp về Mỹ thực ra chưa hẳn thành công. Ngoại trừ một số công ty di chuyển sang các nước Châu Á khác như Việt Nam, xu hướng giao thương và phụ thuộc Trung Quốc gần như không đổi, mặc dù kim ngạch thương mại Mỹ-Trung có giảm.
Giờ đây, kỳ nghỉ năm mới kéo dài hơn kế hoạch của nền kinh tế lớn thứ 2 (nhưng có lẽ là tầm ảnh hưởng số 1) thế giới có thể sẽ khiến các nhà máy phụ thuộc vật tư đầu vào từ Trung Quốc phải đóng cửa. Nỗ lực của Bắc Kinh hạn chế virus bao gồm cấm di chuyển không rõ mục đích ra khỏi Vũ Hán và các vùng dịch, và đóng cửa các nhà máy lân cận. Điều này đã làm suy giảm sản xuất ở phía bên kia địa cầu. Nhà sản xuất xe hơi Anh Quốc, Jaguar Land Rover, đang sản xuất rất cầm chừng. Công ty sản xuất máy đào JCB đã cắt giảm sản lượng và giờ công lao động cơ sở tại Anh. Fiat Chrysler cảnh báo tháng này về việc một cơ sở sản xuất ở Châu Âu sắp phải đóng cửa. Những doanh nghiệp phương tây sản xuất tại Trung Quốc, ví dụ như Apple, gần đây cũng khiến thị trường chao đảo khi cảnh báo nhà đầu tư về việc lợi nhuận dự kiến suy giảm.
Nền kinh tế Nhật và Úc đã cho thấy dấu hiệu suy thoái rõ, trong khi Châu Âu vẫn đang bị lừa phỉnh bởi số liệu PMI của Đức tốt hơn kỳ vọng công bố hôm 21/1 vừa qua. Một phần nguyên nhân của PMI tốt đến từ việc thời gian giao hàng vật tư đầu vào bị kéo dài lại (trớ trêu thay) được coi là dấu hiệu tích cực của nhu cầu tăng, giúp kéo chỉ số lên. Một phần khác nguyên nhân đến từ nhu cầu nội khối. Trong khi đó, nhu cầu xuất khẩu đã giảm mạnh nhất trong 3 tháng, thể hiện rõ ảnh hưởng của dịch bệnh. Tương tự, nhiều cơ sở sản xuất đang phải dùng nốt hàng tồn kho thay vì dừng hoàn toàn sản xuất, nhưng hàng tồn kho sẽ hết nếu Trung Quốc tiếp tục đóng băng. Đại sứ Trung Quốc tại Nga nói rằng Trung Quốc sẽ giải quyết xong dịch bênh vào tháng 4. Nhưng thời điểm đó có thể là đã muộn với nhiều doanh nghiệp.
Sự gián đoạn này có thể khiến doanh nghiệp gia tăng nỗ lực rời khỏi Trung Quốc. Song cũng không có nhiều lựa chọn thay thế. Việt Nam cũng nằm sâu trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc, và cũng dễ bị ảnh hưởng nếu dịch bệnh căng thẳng. Một số quan chức Mỹ đang muốn sử dụng cơ hội này để phi toàn cầu hoá. Peter Navaro, một quan chức Nhà trắng, đã thúc giục các công ty dược phẩm “mua hàng Mỹ” và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu kể cả từ các đồng minh.
Nếu virus tiếp tục hoành hành, chuỗi cung ứng chắc chắn sẽ bị phá vỡ và các nhà máy sẽ bắt đầu đóng cửa. Khi đó, hy vọng phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ càng mong manh. Kịch bản tốt nhất cho nền kinh tế toàn cầu là chú bướm Corona dừng đập cánh.