Quyền chọn là gì?
Đức Nguyễn
FX Strategist
Quyền chọn là một công cụ tài chính phái sinh cho phép người nắm giữ nó có quyền mua hoặc bán (nhưng không bắt buộc) tài sản cơ sở tại một mức giá và ngày đã được định trước.
Quyền chọn là gì?
Quyền chọn (Options) là một công cụ tài chính phái sinh cho phép người nắm giữ nó có quyền mua hoặc bán (nhưng không bắt buộc) tài sản cơ sở tại một mức giá và ngày đã được định trước. Tài sản cơ sở của quyền chọn ở đây có thể là một cổ phiếu, hoặc trái phiếu, tỷ giá, hàng hóa,…
Hợp đồng quyền chọn có mối liên hệ với thị trường giao chậm về hàng hóa và công cụ tài chính, khi giá cả của những hàng hóa này biến động mạnh và hợp đồng quyền chọn có thể được coi là phương tiện hữu hiệu để tự bảo vệ hay đầu cơ.
Các nhà đầu tư sử dụng các hợp đồng quyền chọn (Options contact) này để giao dịch theo hình thức dự phòng giá của loại tài sản đó tại một thời điểm nhất định trong tương lai mà không bắt buộc phải mua/bán trực tiếp.
Hợp đồng quyền chọn như một chiến lược để "bảo hiểm" giá trị tài sản của họ, giúp giảm thiểu rủi ro mà còn mở ra cơ hội tạo lợi nhuận từ các diễn biến trên thị trường tài chính.
Một ví dụ để bạn dễ hiểu hơn về quyền chọn hay hợp đồng quyền chọn là: cụ thể trong lĩnh vực tiền điện tử, một số nền tảng cung cấp các hợp đồng quyền chọn cho Bitcoin. Bạn mở một hợp đồng quyền chọn mua Bitcoin ở mức giá 29,000 USD và dự đoán rằng giá sẽ tăng.
Tuy nhiên, tại ngày hợp đồng đáo hạn, giá BTC thời điểm đó tụt xuống mức còn 20,000 USD. Trong trường hợp này, bạn có quyền có thể không thực hiện quyền chọn của mình. Tuy nhiên, khoản phí mà bạn bỏ ra để mở hợp đồng sẽ không được trả lại.
Về cơ bản, Options có nhiều điểm tương đồng với hợp đồng tương lai (Futures) đều cho phép bạn giao dịch tài sản cơ sở trong tương lai. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn và dễ phân biệt nhất giữa hai dạng hợp đồng này nằm ở quyền mua/bán tài sản.
Ở Futures, những người nằm giữ vị thế có nghĩa vụ mua hoặc bán tài sản cơ sở theo giá hợp đồng khi hết hạn, ngược lại với Options không phải có nghĩa vụ. Điều này cho thấy hợp đồng tương lai có rủi ro cao hơn quyền chọn.
Các thuật ngữ liên quan đến quyền chọn
Giá thực hiện (strike price hay exercise price): là mức giá mà tài sản cơ sở được giao dịch khi thực hiện quyền. Giá thực hiện được xác định sẵn từ thời điểm quyền chọn được phát hành.
Kỳ hạn: là khoảng thời gian từ thời điểm phát hành đến thời điểm đáo hạn. Quyền chọn chỉ được giao dịch trên thị trường trong khoảng thời gian này. Ngay sau thời điểm đáo hạn, toàn bộ quyền chọn trên thị trường đều không thể được giao dịch và những người nắm giữ có thể thực hiện quyền (hoặc không thực hiện, khi đó hợp đồng quyền chọn sẽ mất hiệu lực).
Người mua quyền (holder): Người bỏ ra chi phí để nắm giữ quyền chọn và có quyền yêu cầu người bán có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ theo ý mình.
Người bán quyền (writer): Người nhận chi phí mua quyền của người mua quyền, do đó, có nghĩa vụ phải thực hiện quyền chọn theo yêu cầu của người mua quyền.
ATM (At The Money) – hòa vốn: là tình huống mà giá thực hiện của một hợp đồng quyền chọn mua bằng với giá thị trường hiện tại của tài sản cơ sở.
ITM (In The Money) – có lời: là tình huống mà giá thực hiện của một hợp đồng quyền chọn mua cao hơn giá thị trường hiện tại của tài sản cơ sở. Khi này người mua sẽ thực hiện quyền mua để kiếm lời.
OTM (Out The Money) – thua lỗ: là tình huống mà giá thực hiện của một hợp đồng quyền chọn mua thấp hơn giá thị trường của tài sản cơ sở. Trong trường hợp hợp đồng quyền chọn đáo hạn rơi vào vùng này thì hợp đồng đó vô nghĩa. Nói cách khác hợp đồng quyền chọn mua sẽ kết thúc mà không có giao dịch xảy ra.
Tỷ giá hợp đồng: là tỷ giá được áp dụng khi khách hàng thực hiện quyền chọn.
Phí quyền chọn: là giá giao dịch của hợp đồng quyền chọn và là số tiền mà người mua quyền trả cho người bán quyền. Giá trị phí quyền chọn sẽ thay đổi theo các điều kiện thị trường như thay đổi về giá, biến động của tài sản cơ sở, thay đổi về thời gian đáo hạn hay lãi suất. Giá thực hiện của quyền chọn càng gần với giá tài sản cơ sở thì Phí quyền chọn càng cao.
Phân loại quyền chọn
Quyền chọn kiểu Mỹ và kiểu Châu Âu
Xét về thời điểm thực hiện quyền của người mua quyền thì được chia ra làm 2 loại: Quyền chọn kiểu Mỹ và quyền chọn kiểu Châu Âu.
Quyền chọn kiểu Mỹ (American Option): Cho phép người sở hữu nó, quyền thực hiện hợp đồng vào bất cứ thời điểm nào trong thời hạn hợp đồng.
Quyền chọn kiểu Châu Âu (European Option): Cho phép người sở hữu nó, quyền thực hiện hợp đồng vào thời điểm hợp đồng đáo hạn.
Xét về mục đích phân thành 2 loại đó là: quyền chọn mua (call option) và quyền chọn bán (put option)
Quyền chọn mua (call option)
Quyền chọn mua (call option) là một loại hợp đồng trong đó người nắm giữ quyền chọn có quyền (nhưng không bị bắt buộc) mua một loại tài sản cơ sở với một giá xác định trước (strike price) trong một thời gian đã định.
Người mua trả cho người bán Phí quyền chọn để nhận được quyền này, đó là giá của quyền chọn.
Người nắm giữ quyền chọn mua (call option holder) sẽ quyết định thực hiện quyền của mình khi thấy có lợi nhuận và người bán quyền chọn mua có nghĩa vụ phải bán tài sản đó cho người nắm giữ quyền chọn mua. Trong trường hợp cảm thấy không có lợi vì lý do nào đó (giá trên thị trường giảm...), người nắm giữ quyền chọn có thể không thực hiện quyền (hủy hợp đồng).
Biểu đồ lợi nhuận gộp của người mua quyền chọn mua, được minh họa sau đây:
Lợi nhuận gộp của người mua Quyền chọn mua
Tỷ giá hợp đồng: tỷ giá kỳ hạn bán (FO)
Tỷ giá thực tế mua (FOR) là tỷ giá khi khách hàng thực hiện quyền chọn = Tỷ giá hợp đồng (Fo) + Phí quyền chọn (f)
Tỷ giá bán giao ngay tại thời điểm đáo hạn : SOF
4 trường hợp xảy ra vào thời điểm đáo hạn:
SOF < FO: Khách hàng không thực hiện hợp đồng, quyền chọn sẽ ở trạng thái lỗ (OTM).Mức lỗ là tổng phí quyền chọn.
FO < SOF < FOR: Khách hàng chọn thực hiện hợp đồng, quyền chọn sẽ ở trạng thái lỗ (OTM). Mức lỗ là chênh lệch âm của (SOF - FOR) và nhỏ hơn f.
SOF = FOR: Khách hàng chọn thực hiện hợp đồng, quyền chọn sẽ ở trạng thái hòa vốn (ATM).
SOF > FOR: Khách hàng chọn thực hiện hợp đồng, quyền chọn sẽ ở trạng thái có lãi (ITM). Mức lãi là chênh lệch dương của (SOF - FOR).
Như vậy, lợi nhuận của những người nắm giữ quyền chọn này không giới hạn. Nguyên nhân là do không có một giới hạn nào định sẵn cho sự tăng giá của tài sản. Vì vậy, hợp đồng quyền chọn mua có thể giống như một khoản tiền gửi tiết kiệm. Nó cho phép người sở hữu có thể mua một sản phẩm với một mức giá đã xác định dù nó có thể tăng giá trong tương lai.
Ví dụ về Call options: Bạn mua một Quyền chọn mua cho 1 BTC với ngày đáo hạn là 15/5, giá thực hiện là 30.000 USD và bạn trả phí quyền chọn là 100 USD. Điều này cho phép bạn có quyền mua 1 BTC với giá 30.000 USD vào ngày 15/5, nhưng không có nghĩa vụ.
Vào ngày đáo hạn, giá BTC là 30.500 USD. Bạn quyết định sử dụng quyền chọn mua của mình để mua 1 BTC với giá 30.000 USD và ngay lập tức bán nó với giá thị trường là 30.500 USD. Giả sử tất cả các giao dịch được tự động hoàn tất.
Lợi nhuận gộp của bạn từ giao dịch này là:
30.500 - 30.000 = 500 USD
Phí thực hiện (giả định áp dụng mức phí thấp nhất giữa một tỷ lệ cố định của giá bán và một phần trăm của lợi nhuận quyền chọn) là:
Min[0,01% * 30.500, 10% * 500] = 3,05 USD
Vậy, lợi nhuận ròng của bạn sau khi trừ đi phí quyền chọn và phí thực hiện là:
500 - 100 - 3,05 = 396,95 USD
Nhìn chung, lợi nhuận gộp của người nắm giữ Quyền chọn mua khi thực hiện là:
Max(Giá thanh toán - Giá thực hiện, 0)
Quyền chọn bán (put option)
Tương tự quyền chọn mua, quyền chọn bán cho phép chủ sở hữu khóa một mức giá tối thiểu để bán tài sản cơ sở nhất định và không có nghĩa vụ phải thực hiện quyền.
Các nhà đầu tư thường ưu tiên quyền chọn bán khi họ kỳ vọng giá của tài sản cơ sở sẽ giảm xuống. Trong trường hợp giá thị trường cao hơn giá thực hiện, người nắm giữ quyền có thể bán tài sản cơ sở theo giá thị trường và không thực hiện quyền chọn.
Người mua loại hợp đồng quyền chọn này sẽ thanh toán một khoản phí cho người bán. Nếu như giá tài sản giảm thì nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận từ sự chênh lệch giá. Hợp đồng quyền chọn bán có thể được coi là bảo hiểm cho nhà đầu tư khi giao dịch.
Tỷ giá hợp đồng: tỷ giá kỳ hạn bán (FB)
Tỷ giá thực tế bán (FBR) là tỷ giá khi khách hàng thực hiện quyền chọn = Tỷ giá hợp đồng (FB) - Phí quyền chọn (f)
Tỷ giá bán giao ngay tại thời điểm đáo hạn : SBF
4 trường hợp xảy ra vào thời điểm đáo hạn:
SBF < FBR: Khách hàng thực hiện hợp đồng, quyền chọn sẽ ở trạng thái có lãi (ITM). Mức lãi là chênh lệch dương của (FBR - SBF).
FBR < SBF < FB: Khách hàng chọn thực hiện hợp đồng, quyền chọn sẽ ở trạng thái lỗ (OTM). Mức lỗ là chênh lệch âm của (FBR - SBF) và nhỏ hơn phí quyền chọn f.
SBF = FBR: Khách hàng chọn thực hiện hợp đồng, quyền chọn sẽ ở trạng thái hòa vốn (ATM).
SBF > FB: Khách hàng không thực hiện hợp đồng, quyền chọn sẽ ở trạng thái lỗ (OTM). Mức lỗ là tổng phí quyền chọn.
Minh họa bằng đồ thị sau đây:
Lợi nhuận gộp của người mua Quyền chọn bán
Ví dụ về Put options: Một nhà xuất khẩu của Mỹ sau 3 tháng nữa sẽ nhận được 800,000 EUR tiền hàng xuất khẩu sang Pháp. Dự đoán tỷ giá EUR/USD có thể sẽ giảm trong 3 tháng tới nên nhà xuất khẩu đó đã ký với ngân hàng một hợp đồng quyền chọn bán 800,000 EUR lấy USD với tỷ giá hợp đồng là 1.3259; phí quyền chọn là 0,005 USD cho 1 EUR. Khi đó tỷ giá thực tế bán (FBR)là:
1.3259 – 0.005 = 1.3209
Giả sử, tại thời điểm đáo hạn của hợp đồng, tỷ giá giao ngay của EUR/USD trên thị trường là: EUR/USD = 1.3110/50 nên SBF = 1.3150
Ta thấy SBF < FBR nên nhà xuất khẩu thực hiện hợp đồng, quyền chọn sẽ ở trạng thái có lãi (ITM) và số lãi bằng:
800,000 * (1.3209 - 1.3150) = 4720 USD
Bảng so sánh giữa Call options và Put options:
Hình thức loại
Call options
Put options
Bên mua quyền
- Trả một khoản phí
- Có quyền nhưng không bắt buộc phải mua
- Có quyền huỷ hợp đồng mua
- Lỗ tối đa bằng khoản phí phải trả, lãi thì vô hạn
- Trả một khoản phí
- Có quyền bán nhưng không bắt buộc bán
- Có quyền hủy hợp đồng bán
- Lỗ tối đa bằng khoản phí đã trả, lãi thì vô hạn
Bên bán quyền
- Nhận được một khoản phí
- Có nghĩa vụ bán
- Không có quyền huỷ hợp đồng
- Lãi tối đa bằng khoản phí thu được, lỗ thì vô hạn
- Thu được một khoản phí
- Có nghĩa vụ mua
- Không có quyền hủy hợp đồng
- Lãi tối đa bằng khoản phí thu được, lỗ thì vô hạn
Một số chức năng của quyền chọn
Đầu Cơ
Đầu cơ với quyền chọn là quá trình đặt cược vào hướng di chuyển của giá tài sản trong tương lai. Các nhà đầu cơ sử dụng quyền chọn mua để đặt cược vào việc giá cổ phiếu sẽ tăng lên dựa trên phân tích hoặc dự đoán.
Điểm thu hút của việc đầu cơ qua quyền chọn là khả năng sử dụng đòn bẩy: giá của quyền chọn thường nhỏ hơn rất nhiều so với tài sản cơ sở như một quyền chọn có thể được mua với chi phí thấp hơn nhiều so với việc mua trực tiếp cổ phiếu.
Điều này sẽ giúp bạn có thể đầu cơ vào xu hướng của tài sản cơ sở một cách dễ dàng hơn rất nhiều, thay vì bỏ ra số tiền lớn để mua tài sản đó, bạn chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ mà vẫn có thể hưởng lợi từ chênh lệch giá của tài sản cơ sở..
Tuy nhiên, sự hấp dẫn này cũng đi kèm rủi ro tương ứng bởi đòn bẩy là con dao hai lưỡi. Để thành công, nhà đầu cơ phải dự đoán chính xác không chỉ xu hướng giá mà còn mức độ và thời gian của sự biến động.
Phòng Vệ
Chức năng phòng vệ của quyền chọn như một chiếc dù an toàn cho những ai muốn bảo vệ danh mục đầu tư của mình khỏi bão tố thị trường. Quyền chọn giống như một hợp đồng bảo hiểm cho nhà đầu tư giúp giảm thiểu tổn thất nếu dự đoán sai lệch mà không đánh mất cơ hội tăng trưởng.
Quyền chọn đóng vai trò quan trọng đối với các tổ chức lớn và cả nhà đầu tư cá nhân, giúp tối ưu hóa lợi nhuận và bảo vệ vốn.
Ưu, nhược điểm của giao dịch quyền chọn
Ưu điểm
Hợp đồng quyền chọn cho phép NĐT có thể kiếm lợi nhuận ngay cả trong thị trường giá xuống. Điều này về cơ bản làm gia tăng cơ hội sinh lời cho NĐT.
Hợp đồng quyền chọn chủ yếu cung cấp quyền chọn mà không đặt ra bất cứ nghĩa vụ nào, hoạt động như một loại "bảo hiểm" linh hoạt trong thị trường tài chính. Điểm nổi bật là mức độ rủi ro liên quan đến hợp đồng quyền chọn được xác định rõ từ trước, với tổn thất tối đa không vượt quá khoản phí bảo hiểm đã thanh toán để mua quyền.
Sử dụng đòn bẩy, nhà đầu tư có thể mở vị thế quyền chọn có giá trị tương đương với việc sở hữu tài sản trực tiếp mà chỉ cần một lượng vốn ký quỹ ít ỏi.
Có nhiều chiến lược hơn trên thị trường quyền chọn để giao dịch. Các giao dịch có thể được kết hợp để tạo ra một vị thể chiến lược với sự trợ giúp của quyền chọn mua và quyền chọn bán với các kỳ hạn và giá thực hiện khác nhau.
Nhược điểm
So với các hình thức giao dịch truyền thống khác thì giao dịch quyền chọn có phần phức tạp hơn với nhiều ngôn ngữ kỹ thuật cùng các quy định liên quan. Do đó, nó sẽ không phải là một lựa chọn phù hợp với những nhà đầu tư mới.
Một trong những chi phí lớn nhất liên quan đến giao dịch quyền chọn là yêu cầu ký quỹ, số tiền phải gửi cho nhà môi giới của bạn để mở một vị thế quyền chọn. Thông thường, chi phí giao dịch quyền chọn đắt hơn so với giao dịch tương lai hoặc chứng khoán.
Người bán quyền chọn đối mặt với rủi ro tổn thất không giới hạn, điều này khác biệt so với người mua quyền chọn. Người bán có nguy cơ mất số tiền lớn hơn nhiều so với giá trị ban đầu của hợp đồng, bởi họ có thể phải thực hiện giao dịch mua hoặc bán tài sản với giá không lý tưởng do hợp đồng quy định, ngay cả khi điều đó không có lợi cho họ.
dubaotiente.com