RBA giữ nguyên lãi suất lần thứ tư liên tiếp trong cuộc họp đầu tiên của tân thống đốc Bullock
Đức Nguyễn
FX Strategist
Ngân hàng Dự trữ Úc giữ nguyên lãi suất điều hành trong khi duy trì thiên hướng thắt chặt vào thứ Ba khi tân thống đốc Michele Bullock đánh giá tác động của việc tăng lãi suất 4%.
Ngân hàng Dự trữ đã giữ lãi suất ở mức 4.1% trong cuộc họp lần thứ tư, đúng như kỳ vọng của cả các nhà kinh tế và thị trường tiền tệ. Chuỗi tạm dừng thắt chặt cho thấy cần có sự thay đổi bất ngờ về dữ liệu kinh tế để thúc đẩy bất kỳ hành động nào.
“Có thể cần phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để đảm bảo lạm phát quay trở lại mục tiêu trong một khung thời gian hợp lý, nhưng điều đó sẽ tiếp tục phụ thuộc vào dữ liệu và đánh giá rủi ro”, thống đốc Bullock cho biết trong tuyên bố sau cuộc họp.
AUDUSD giảm 0.4% xuống 0.6338 sau quyết định. Lợi suất trái phiếu chính phủ Úc kỳ hạn 3 năm thoái lui, hiện tăng 2 điểm cơ bản lên 4.10% so với đóng cửa hôm qua.
RBA đã hành động từ tốn hơn so với hầu hết các ngân hàng trung ương khác để tính đến sự lan truyền nhanh chóng của việc thắt chặt đối với những người đi vay ở Úc, những người chủ yếu vay thế chấp bằng lãi suất thả nổi.
RBA vẫn lo ngại rằng lạm phát dịch vụ dai dẳng - và giá dầu tăng đột biến - có thể khiến kỳ vọng lạm phát mất kiểm soát. Số liệu tuần trước cho thấy CPI hàng tháng tăng nhanh trong khi thị trường việc làm Úc, giống như nhiều nước phát triển khác, vẫn mạnh mẽ đến bất ngờ.
Theo thống đốc, “cho đến nay, kỳ vọng lạm phát trung hạn vẫn nhất quán với mục tiêu lạm phát và điều quan trọng là điều này vẫn đúng.”
Bà nhấn mạnh “những điều không chắc chắn” xoay quanh triển vọng kinh tế. Những điều đó bao gồm:
- Lạm phát giá dịch vụ dai dẳng một cách đáng ngạc nhiên ở nước ngoài và điều tương tự có thể xảy ra ở Úc
- Độ trễ trong tác động của chính sách tiền tệ
- Các quyết định về thiết lập giá và tiền lương của doanh nghiệp phản ứng thế nào trước tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn trong một thị trường lao động thắt chặt
- Triển vọng tiêu dùng hộ gia đình
- Nền kinh tế Trung Quốc do những căng thẳng đang diễn ra trên thị trường bất động sản
Độ trễ dài và biến động liên quan đến chính sách tiền tệ là lý do chính khiến RBA hành động thận trọng. Việc một loạt các khoản cho vay mua nhà liên tục đáo hạn với lãi suất thấp kỷ lục trong thời kỳ đại dịch cũng là một vấn đề trước mắt.
Hơn 90% các khoản vay mua nhà mới ở Úc có lãi suất thả nổi, tức lãi suất thế chấp thực đã tăng từ 2.75% lên 5.6% tại Úc - trong khi tại Mỹ, lãi suất mới tăng từ 3.3% lên 3.6% - trong chu kỳ thắt chặt hiện tại.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải thận trọng, các hộ gia đình Úc vẫn nằm trong số những hộ gia đình có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao nhất ở các nước phát triển, với tỷ lệ nợ trên thu nhập gần 187%.
Ngoài ra, còn có những lo ngại ở nước ngoài khi Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc và là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu, đang chìm trong cuộc khủng hoảng nhà đất và chật vật để đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Dù vậy, các nhà kinh tế kỳ vọng RBA sẽ cần tăng lãi suất ít nhất một lần nữa lên 4.35%, do tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát vẫn ở mức cao. CPI chỉ được dự báo sẽ quay trở lại mục tiêu 2-3% của RBA vào cuối năm 2025 - và bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy khung thời gian có thể bị trì hoãn hơn nữa sẽ thúc đẩy phản ứng chính sách.
RBA đã nhắc lại rằng con đường dẫn để hạ cánh mềm là “hẹp”, đồng thời ngân hàng sẽ làm những gì cần thiết để đưa lạm phát trở lại mục tiêu. Nền kinh tế được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng dân số nhảy vọt, giúp giảm bớt tình trạng thiếu lao động và cung cấp thêm nhu cầu.
Theo Pradeep Philip, giám đốc Deloitte Access Economics, “trong tương lai, số liệu lạm phát quý tháng 9 sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc họp tiếp theo. Mọi con mắt sẽ theo dõi xem số liệu lạm phát có là dấu chấm hết cho chu kỳ thắt chặt của RBA hay không.”
Bloomberg