RBA - Ngân hàng Dự trữ Úc
Đức Nguyễn
FX Strategist
Ngân hàng Dự trữ Úc là ngân hàng trung ương của Úc, có nhiệm vụ ban hành chính sách tiền tệ và kiểm soát đồng đô la Úc.
Ngân hàng dự trữ Úc là gì?
Ngân hàng dự trữ Úc (RBA) là ngân hàng trung ương của chính phủ
Ngân hàng dự trữ Úc (RBA - Reserve Bank of Australia) là ngân hàng trung ương của Úc, có nhiệm vụ điều tiết chính sách tiền tệ và quản lý hệ thống ngân hàng tại Úc. RBA có ba nhiệm vụ trọng tâm là ổn định giá trị đồng tiền, toàn dụng lao động và góp phần vào sự thịnh vượng chung của người dân Úc.
Ban đầu, Ngân hàng dự trữ Úc là một phần của Ngân hàng Commonwealth (thành lập vào năm 1911). Nhưng theo thời gian, RBA ngày càng nhận được nhiều trọng trách của một ngân hàng trung ương, đòi hỏi Chính phủ phải thiết lập một cơ quan riêng với quyền hạn chính thức vào cuối Thế chiến thứ II.
Hiện nay, trụ sở chính của RBA được đặt tại thành phố Sydney, Úc.
RBA độc lập thiết lập chính sách tiền tệ
Mặc dù thuộc quyền sở hữu của Chính phủ, Ngân hàng dự trữ Úc vẫn độc lập trong việc thiết lập và thực thi chính sách tiền tệ để đảm bảo hệ thống tài chính hoạt động vững mạnh và đáp ứng các mục tiêu kinh tế chung của Chính phủ.
Kể từ năm 1996, RBA sẽ phải điều trần trước Ủy ban Thường vụ Kinh tế của Hạ Viện để giải trình về việc thực hiện chính sách tiền tệ và các nghĩa vụ khác. Từ năm 2013, báo cáo hàng năm sẽ được gửi tới Bộ Ngân khố để trình bày trước Quốc hội Úc.
Thống đốc RBA Michele Bullock
Ngoài ra, Thống đốc đương nhiệm của RBA có trách nhiệm cập nhật tiến trình thực thi chính sách tiền tệ cho Bộ trưởng Ngân khố Úc. Nếu có sự trái chiều trong quan điểm giữa hai bên và không thể đi đến một thỏa thuận chung, Bộ trưởng sẽ đệ trình lên Hội đồng Điều hành Liên bang để tham vấn ý kiến và chờ thông qua.
Ngoài chức năng hoạt động như một cơ quan chính sách, RBA còn có nhiệm vụ quản lý vàng, dự trữ ngoại tệ quốc gia và phát hành tiền giấy tại Úc. .
RBA đang thí điểm tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương
Vào ngày 08/09/2022, Ngân hàng dự trữ Úc đã thông báo sẽ kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Tài chính Kỹ thuật số (DFCRC - Digital Finance CRC) để triển khai nghiên cứu đồng tiền kỹ thuật số CBDC (Central Bank Digital Currency), kéo dài 1 năm nhằm chuyển đổi số thị trường tài chính trong nước.
Khác với tiền điện tử truyền thống, các đối tượng tham gia thanh toán (ngân hàng hay một số tổ chức tài chính) trong hệ thống sẽ chịu sự quản lý và giám sát của Chính phủ.
Nếu CBDC thành công ra mắt sẽ giúp Chính phủ Úc kiểm soát các giao dịch tiền tệ trong và ngoài nước, đồng thời giúp các gói cứu trợ với nền kinh tế nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đổi lại, RBA có thể kiểm soát chi tiêu và lạm phát của nền kinh tế một cách dễ dàng hơn.
Các công cụ điều tiết chính sách tiền tệ của RBA
Lãi suất điều hành là công cụ chính
Lãi suất RBA từ năm 2001 đến nay
Lãi suất điều hành của RBA (tên gọi chính thức là cash rate) là lãi suất các ngân hàng trả để vay từ các ngân hàng khác qua đêm. Lãi suất này sẽ chi phối tất cả các lãi suất khác, từ lãi suất thế chấp đến lãi suất tiền gửi.
Do một số yếu tố, bao gồm việc người dân sử dụng lãi suất thế chấp thả nổi, RBA đã hạn chế tăng lãi suất hơn so với các ngân hàng trung ương khác như Fed, RBNZ hay BoE, dù lạm phát cao tương đương, do nền kinh tế nhạy cảm với lãi suất hơn.
Chương trình cấp vốn có kỳ hạn (TFF) ra đời để kích cầu kinh tế trong đại dịch COVID-19
Ngày 19/03/2020, Ngân hàng dự trữ Úc đã cho ra mắt chương trình cấp vốn có kỳ hạn (TFF) để hỗ trợ nền kinh tế đương đầu với đại dịch COVID-19, sau khi loại bỏ kiến nghị lãi suất âm và lãi suất đã giảm đến mức thấp kỷ lục là 0.10% trong cuộc họp tháng 11/2020.
Đây là chương trình cho vay khẩn cấp có chi phí thấp tới các doanh nghiệp trong nước thông qua các tổ chức tín dụng. Chương trình khuyến khích cho vay đối với tất cả các doanh nghiệp, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các khoản vay được RBA quy định có mức lãi suất là 0.25% với kỳ hạn 3 năm.
Vào ngày 30/6/2021, Ngân hàng chính thức đóng lại chương trình cho vay ưu đãi này. Quy mô của chương trình TFF khi được công bố vào tháng 3/2020 là 52 tỷ AUD, sau đó được mở rộng lên 200 tỷ AUD trong cuộc họp tháng 9, trong bối cảnh làn sóng COVID-19 thứ 2 quay trở lại nước Úc.
RBA cũng áp dụng kiểm soát đường cong lợi suất để hỗ trợ kinh tế
Trong đại dịch COVID-19, thay vì áp dụng chương trình nới lỏng định lượng như đa số các ngân hàng trung ương khác thì Ngân hàng dự trữ Úc lại hướng đến áp dụng việc kiểm soát đường cong lợi suất (Yield Curve Control - YCC) để hỗ trợ nền kinh tế.
Cũng vào ngày 19/03/2020, Hội đồng RBA đã đồng thời công bố chính sách YCC giới hạn lợi suất trái phiếu Chính phủ Úc kỳ hạn 3 năm ở mức 0.25%, sau đó giảm xuống khoảng 0.10% vào tháng 11/2020 và ngừng mục tiêu lợi suất trên cơ sở nền kinh tế đang cải thiện và kết quả lạm phát cao hơn vào tháng 11/2021.
Cuộc họp chính sách RBA
RBA được cấu thành từ Hội đồng hệ thống thanh toán và Hội đồng ngân hàng dự trữ
RBA được tạo nên từ: Hội đồng Hệ thống Thanh toán, cơ quan thiết lập chính sách của hệ thống thanh toán ngân hàng và Hội đồng Ngân hàng Dự trữ, cơ quan thiết lập tất cả các chính sách tiền tệ và là ngân hàng của các ngân hàng.
Hội đồng RBA bao gồm 9 thành viên:
- 3 thành viên cố định: Thống đốc RBA (Chủ tịch), Phó Thống đốc (Phó Chủ tịch) và Bộ trưởng Ngân khố. Thống đốc và Phó Thống đốc do Bộ trưởng Ngân khố bổ nhiệm với 7 năm nhiệm kỳ.
- 6 thành viên khác (không phải người của RBA) được bổ nhiệm với nhiệm kỳ lên đến 5 năm. Các thành viên hội đồng do Bộ Ngân khố bổ nhiệm và không có giới hạn về số nhiệm kỳ phục vụ.
Thống đốc RBA có vị trí tối cao trong RBA. Thống đốc được Bộ trưởng Tài chính bổ nhiệm với nhiệm kỳ lên đến 7 năm và có thể tái bổ nhiệm vào cuối nhiệm kỳ. Thống đốc là chủ tịch của cả Hội đồng Hệ thống Thanh toán và Hội đồng Ngân hàng Dự trữ, chịu trách nhiệm giải quyết mọi tranh chấp xảy ra giữa hai bên.
Số lượng cuộc họp chính sách của RBA sẽ sớm được cắt giảm trong năm 2024
Trước đây, Ngân hàng dự trữ Úc sẽ tổ chức họp 11 lần/năm, vào ngày thứ Ba đầu tiên của mỗi tháng (ngoại trừ tháng 1). Các cuộc họp của Hội đồng được tổ chức tại Trụ sở chính của RBA tại Sydney, Úc.
Tuy nhiên, gần đây RBA đã quyết định cắt giảm số lượng các cuộc họp xuống còn 8 lần/năm, bắt đầu từ tháng 2/2024. Từ năm sau, RBA sẽ tập trung vào các cuộc họp diễn ra vào thứ Ba đầu tiên của tháng 2, 5, 8 và 11 với 4 cuộc họp khác sẽ được tổ chức xen kẽ và lên lịch sẵn.
Quyết định chính sách của Hội đồng sẽ được công bố vào lúc 14:30 chiều (theo giờ Sydney). Thống đốc RBA sẽ tổ chức họp báo 1 giờ sau đó để giải thích về quyết định và trả lời một số thắc mắc của báo giới. RBA thường công bố biên bản cuộc họp chính sách 2 tuần sau đó để làm rõ các điều kiện kinh tế và triển vọng tăng trưởng.
dubaotiente.com