Sau một phiên biến động giật với nhiều cảm xúc trái chiều, Trader nên hướng sự chú ý vào đâu?
Lê Bảo Khánh
Founder
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đang mang lại nhiều cung bậc cảm xúc trái chiều cho giới đầu tư và những người yêu thích 2 ứng viên.
Với hầu hết các cuộc thăm dò ban đầu đều cho thấy Biden dẫn trước áp đảo trước ngày bầu cử, các thị trường tài chính khi đó cũng định vị cho một “làn sóng xanh” (Blue Wave) có thể đổ bộ. Tuy nhiên trong ngày hôm qua, Trump đã bất ngờ chiến thắng ở các bang chiến trường quan trọng như Florida, Ohio và Texas. Cả hai ứng cử viên đều tuyên bố mình đang trên đà chiến thắng nhưng khi đến chiều tối hôm qua, cuộc đua đã bị đảo ngược. Các cuộc bỏ phiếu qua thư đã “lật ngược” tình thế ở Michigan và Wisconsin để ủng hộ cho Biden và giúp ông gần như sẽ đánh bại Trump (hiện tại chỉ còn cách chiến thắng 6 phiếu đại cử tri của bang Nevada). Trump sau đó đã đệ đơn kiện ở Georgia và Pennsylvania để ngừng kiểm phiếu, cũng như cáo buộc về yếu tố gian lận. Cho đến khi kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Hoa Kỳ được hoàn tất, có khả năng những biến động giật sẽ tiếp tục tồn tại. Rủi ro của cuộc bầu cử kéo dài (kiểm phiếu chậm) thậm chí có thể kích hoạt tâm lý e ngại rủi ro.
Đồng đô la Mỹ đã thoái lui khỏi mức cao nhất trong 5 tuần khi việc kiểm phiếu nghiêng về chiến thắng của đảng Dân chủ và Joe Biden, trong khi đảng Cộng hòa sẽ duy trì quyền kiểm soát tại Thượng viện. Thị trường tài chính cũng giảm mạnh đặt cược rằng một gói tài khóa lớn sẽ được thông qua, với việc lợi suất TPCP 10 năm của Mỹ giảm mạnh 13 điểm cơ bản trong ngày hôm qua xuống mức 0.77% và đường cong lợi suất trở nên phẳng hơn, khi bối cảnh Quốc hội bị chia rẽ sẽ làm hạn chế thời gian và quy mô của việc thông qua gói kích thích mới.
Trong ngày hôm qua, báo cáo việc làm của ADP công bố thất vọng, cùng việc dữ liệu PMI dịch vụ của ISM không đạt kỳ vọng, và số ca tử vong do Covid-19 trong một ngày trên toàn cầu tăng lên mức kỷ lục hơn 9,000 ca, trong khi diễn biến virus tại Mỹ và châu âu vẫn đang rất trầm trọng. Sự không chắc chắn về tâm lý rủi ro có thể vẫn sẽ duy trì trong ngắn hạn.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã hồi sinh trở lại, dẫn đầu bởi các cổ phiếu công nghệ đã đẩy Nasdaq tăng gần 4%. Cổ phiếu tăng cao hơn đáng kể với quan điểm rằng Quốc hội bị chia rẽ sẽ hạn chế nỗ lực đánh thuế các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Kết thúc phiên hôm qua, chỉ số Nasdaq tăng tới 3.85%, trong khi SP500 tăng 2.2% và Dowjones tăng 1.34%. Chỉ số DXY giảm nhẹ 0.1% (đánh mất toàn bộ đà tăng trước đó trong phiên), trong khi giá dầu tăng mạnh gần 4% và vàng giảm nhẹ 0.2%. Một điều đáng chú ý là VIX, chỉ số đo lường biến động kỳ vọng thị trường giảm mạnh xuống 29.57 – tương đương mức trung bình của 100 ngày. Trong khi đó, đồng Nhân Dân Tệ tăng tới 0.9% so với USD – mức cao nhất kể từ tháng 7/2018.
Quyết định của Ngân hàng Trung ương Anh sẽ được theo dõi chặt chẽ vào ngày hôm nay. BOE có thể sẽ đẩy mạnh chương trình kích thích mua trái phiếu thêm 100 tỷ Bảng tại cuộc họp tháng 11. Thị trường cũng sẽ theo dõi chặt chẽ để xem liệu các nhà hoạch định chính sách có cung cấp thêm manh mối nào về những công cụ mà họ có nhiều khả năng sẽ triển khai tiếp theo hay không, và cũng không loại trừ chính sách lãi suất âm có thể áp dụng trong những tháng tới, đặc biệt nếu đàm phán giữa Anh và EU thất bại.
Do cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, quyết định cuộc họp của Fed sẽ chuyển sang công bố vào rạng sáng ngày mai giờ Việt Nam và sẽ đi kèm với một cuộc họp báo của chủ tịch Powell. Cùng với việc áp dụng mục tiêu lạm phát trung bình và nhấn mạnh vào vấn đề tối ưu hóa việc làm, FOMC tháng 9 đã xác nhận một cách hiệu quả việc chuyển sang thời kỳ lãi suất thấp kéo dài. Thị trường kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên chính sách lãi suất quanh 0% cho đến ít nhất là năm 2023. Tôi nghĩ Fed sẽ không muốn sử dụng lãi suất âm. Tuy nhiên, trong bối cảnh một kết quả chia rẽ trong quốc hội sẽ cản trở một gói kích thích của chính phủ, áp lực kích thích tăng trưởng kinh tế sẽ đè nặng lên vai Fed, và thị trường kỳ vọng Fed sẽ có những động thái “bồ câu” (dovish) mạnh mẽ hơn bao gồm việc tăng thời gian nới lỏng hoặc thậm chí là tăng quy mô QE.
Cuối cùng, thị trường sẽ chờ đợi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp ngày mai (được dự báo ở mức +600k) và tỷ lệ thất nghiệp tháng 10 (được dự báo giảm từ 7.9% xuống 7.6%). Các dữ liệu kinh tế chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xem xét động lượng phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19 diễn biến xấu trong vòng 2 tuần trở lại đây.
Đánh giá chung, với việc Đảng Dân chủ lên nắm quyền trong tình trạng quốc hội chia rẽ, và số liệu kinh tế tại Mỹ và châu âu có thể đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng thứ hai của Covid-19, biến động kỳ vọng của thị trường cũng có xu hướng đi xuống thì thị trường Currencies G-10, chứng khoán Mỹ/châu âu và vàng có thể tiếp tục diễn biến đi ngang trong biên độ thời gian tới. Thị trường có thể sẽ cần thêm manh mối mới về chính sách nới lỏng tiền tệ tại các NHTW lớn, thời gian và quy mô của các gói kích thích tài khóa, cũng như phát triển mới về vắc xin và virus, bức tranh phục hồi kinh tế tại Mỹ và Châu âu để có thể đưa ra kỳ vọng rõ ràng về xu hướng tiếp theo! Trong khi đó, kỳ vọng về căng thẳng địa chính giảm thời Biden, việc kiểm soát Covid-19 tốt hơn và mặt bằng lợi suất cao hơn, cũng như đà phục hồi kinh tế tích cực hơn có thể hỗ trợ cho dòng tiền vào thị trường mới nổi tại các quốc gia châu Á.