Stablecoin là gì? Tại sao các cơ quan quản lý muốn kiểm soát stablecoin?

Stablecoin là gì? Tại sao các cơ quan quản lý muốn kiểm soát stablecoin?

Đức Nguyễn

Đức Nguyễn

FX Strategist

14:12 02/11/2021

Nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng trong thế giới điên rồ và hỗn loạn của tiền ảo, thứ khiến những cơ quan quản lý lo lắng nhất lại là những đồng tiền được thiết kế để trở nên an toàn nhất.

Ngay cả cái tên “stablecoin” cũng đã nói lên đây là những đồng tiền ổn định. Nhưng các đồng stablecoin, đặc biệt là đồng stablecoin lớn nhất, Tether, đang thu hút rất nhiều sự chú ý rằng chúng có thể gây nguy hiểm cho các nhà đầu tư tiền ảo và cả hệ thống tài chính toàn cầu. Các cơ quan tài chính Mỹ đã yêu cầu áp đặt hệ thống pháp lý để quản lý các công ty stablecoin như cách các ngân hàng được quản lý.

Stablecoin là gì?

Stablecoin là một loại tài sản ảo được tạo ra để lưu trữ giá trị. Điều này có nghĩa rằng loại tiền ảo này giống như những đồng tiền pháp định thông thường, thay vì biến động mạnh như Bitcoin. Tether là một đồng stablecoin tiêu biểu. Công ty quản lý Tether bán đồng tiền này với giá 1 USD, và hứa sẽ hoàn trả lại 1 USD nếu người mua muốn quy đổi lại.

Sao họ có thể làm vậy?

Các đồng stablecoin có thế chấp thường được neo với một tài sản khác, như USD, và người phát hành nói rằng với mỗi đồng stablecoin, họ sẽ có đủ tài sản an toàn để thế chấp. Một số stablecoin khác được gắn với các đồng tiền khác như Ether, hoặc một số loại tiền ảo khác trong các ứng dụng tài chính phi tập trung (DeFi). Một số khác sử dụng thuật toán để kiểm soát cung cầu.

Có bao nhiêu đồng stablecoin?

Có hàng chục đồng stablecoin lưu hành trên thị trường, với tổng vốn hóa lên tới 130 tỷ USD, và còn rất nhiều nữa đang được phát hành. Phần lớn stablecoin được gắn với USD. Tether (USDT), được phát hành bởi Tether Holdings, là stablecoin lớn nhất. Hiện tại có hơn 69 tỷ USDT lưu hành, và ít nhất 48 tỷ được phát hành trong năm 2021.

Tại sao stablecoin lại phổ biến như vậy?

Stablecoin là cầu nối giữa tiền ảo và tài chính truyền thống, hai thế giới vốn không được thiết kế để dung hòa với nhau. Stablecoin giúp giới đầu tư chốt lời nhanh chóng nếu họ nghĩ sắp có một pha điều chỉnh mạnh. Chúng cũng giúp người dùng dễ dàng nạp tiền vào các sàn giao dịch tiền ảo hơn. Nhiều sàn giao dịch không liên kết với các ngân hàng để có thể nạp rút trực tiếp, nhưng vẫn chấp nhận thanh toán bằng stablecoin như USDT. Và cuối cùng, stablecoin có thể giảm thời gian và chi phí giao dịch nhờ việc sử dụng blockchain, thay vì hệ thống tài chính thông thường.

Các cơ quan quản lý nói gì?

Trong một báo cáo rất được mong chờ từ Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Liên bang, họ đang thúc giục các nhà làm luật cho phép họ quản lý stablecoin như cách các nhà băng được quản lý, với yêu cầu vốn và giám sát chặt chẽ. Nhưng theo kế hoạch B, nhóm làm việc về thị trường tài chính của tổng thống Biden đã nói rõ rằng họ sẽ sử dụng một quyền hạn đặc biệt để kiểm tra xem liệu stablecoin có là mối nguy hại tới thị trường tài chính hay không.

Nỗi lo ở đây là gì?

Các cơ quan quản lý nói rằng quy mô lớn dần của stablecoin đã tạo ra một tình huống mà một lượng lớn tiền có giá trị như USD, mà không có liên quan gì tới hệ thống ngân hàng tại Mỹ, che mắt các cơ quan quản lý khỏi tài chính phi pháp. “Chúng như các quỹ tiền tệ, hay gửi tiền ngân hàng, và đang tăng trưởng rất nhanh mà không có luật lệ gì cả,” chủ tịch Fed Jerome Powell nói trong một buổi tường trình trước Quốc hội. Họ cũng lo ngại sự hoảng loạn trên thị trường tiền ảo có thể khiến nhà đầu tư rút sạch tiền. Các quỹ tiền tệ đã phải nhờ đến hành động nhanh chóng của Fed trong khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch Covid mới đây để không bị đánh sập do nhà đầu tư thoái vốn.

Những gì đang được đề xuất?

Hiện tại các đồng stablecoin được đề xuất nên được quản lý như một sản phẩm ngân hàng, báo cáo của nhóm làm việc nhấn mạnh rằng Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC), Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) và các cơ quan khác có thể quản lý việc giao dịch và vay mượn. Các cơ quan quản lý cũng phản đối việc stablecoin được hỗ trợ bởi các công ty công nghệ lớn. Báo cáo đã yêu cầu có một giới hạn giữa tiền ảo và các hoạt động phi tài chính. Điều này có thể dập tắt nỗ lực phát hành tiền ảo, hoặc dịch vụ ví tiền ảo của Meta - cái tên mới của Facebook - và các cộng sự. Facebook gần đây cũng đã thử nghiệm một dịch vụ ví tiền ảo mới với đồng stablecoin Paxos.

Có vấn đề gì với Tether?

Có rất nhiều hoài nghi về Tether, đồng stablecoin lớn nhất với tổng tài sản lên tới 69 tỷ USD. Một nhóm chỉ trích đã nói rằng dù với rất nhiều lời đảm bảo, các công ty đứng sau Tether không có đủ tài sản để giữ tỷ giá USDT/USD ở mức 1, hay nói đơn giản hơn, Tether là một đồng tiền lừa đảo. Tether đã phản bác lại bằng giấy tờ xác minh từ một công ty kế toán, nhưng chỉ làm dấy thêm nhiều câu hỏi. Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã vào cuộc điều tra về vấn đề Tether.

Tether được bảo trợ bởi gì?

Một nghiên cứu của Bloomberg đã phát hiện dự trữ của Tether gồm các khoản vay ngắn hạn trị giá hàng tỷ USD cho các công ty lớn tại Trung Quốc, một điều các quỹ tiền tệ luôn cố tránh. Nghiên cứu cũng phát hiện Tether cũng đã cho các công ty tiền ảo khác vay hàng tỷ USD, với thế chấp là Bitcoin. Tether nói thêm phần lớn thương phiếu của họ đều được đánh giá cao bởi các công ty xếp hạng tín dụng, và các khoản vay có rủi ro thấp, vì người vay phải thế chấp bằng Bitcoin có giá trị lớn hơn khoản vay.

Bloomberg

Broker listing

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ