Sự suy yếu của đồng Dollar sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng của thị trường chứng khoán.
Anh Tùng, CFA
Senior Analyst
Goldman Sachs cho biết: đồng dollar suy yếu sẽ là xúc tác lớn nhất đối với nhu cầu đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng dollar suy yếu đã hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian vừa qua và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khi chỉ số S&P 500 tăng lên mức kỷ lục.
Vào tháng 3/2020, đồng dollar tăng vọt khi đại dịch COVID-19 xuất hiện làm rung chuyển cả thị trường tài chính, do nhà đầu tư tìm kiếm các tài sản trú ẩn an toàn và các công ty hướng đến việc tích trữ tiền mặt để tồn tại qua cuộc khủng hoảng. Kể từ khi đồng dollar thiết lập đỉnh ngày 20/3, chỉ số DXY đã giảm tới 10.3%. Vào tháng 7, chỉ số này đã chính thức giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm và chưa thể phục hồi kể từ đó.
Việc đồng USD giảm sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, những người sẽ chi khoảng 300 tỷ USD vào thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay, biến họ trở thành những “tay to” thực sự trên thị trường, theo Goldman Sachs.
Trong những năm trước, các tập đoàn tại Hoa Kỳ là những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường chứng khoán thông qua các chương trình mua lại cổ phiếu quy mô lớn, nhưng trong năm nay, họ đã cắt giảm dòng tiền này để bảo toàn tiền mặt trong bối cảnh đại dịch.
David Kostin, chiến lược gia trưởng trong lĩnh vực cổ phiếu của Goldman Sachs cho biết: “Trong lịch sử, những lần đồng dollar suy yếu đều là chất xúc tác lớn nhất cho nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài đối với chứng khoán Mỹ.”
Michael Kelly, giám đốc đa tài sản toàn cầu tại PineBridge Investments, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài thường không hedge các vị thế của họ đối với cổ phiếu Mỹ giống như cách họ hedge đối với trái phiếu vì sự tăng giá của thị trường có xu hướng áp đảo các biến động trên thị trường ngoại hối. "Nếu họ thích thị trường, họ sẽ muốn đầu tư."
Mặt hàng xuất khẩu chiếm 1/3 tổng số sản phẩm của các công ty trong nhóm S&P 500, và việc đồng dollar yếu đi khiến xuất khẩu được kích thích, dẫn đến doanh thu của các công ty này tăng lên. Theo Goldman Sachs, cứ mỗi 10% đồng USD giảm, lợi nhuận của S&P 500 tính trên mỗi cổ phiếu (EPS) sẽ tăng 3%.
Đối với các cổ phiếu có tỷ trọng sở hữu nước ngoài lớn, chúng cũng được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế ở châu Âu và châu Á, trong khi Hoa Kỳ phải vật lộn với sự gia tăng các ca bệnh tại một số bang trong nước vào tháng 6 và tháng 7, các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết. Họ cũng nhấn mạnh sự phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc trong tháng này, cũng như hoạt động kinh doanh trên toàn khu vực EU được cải thiện.
Các cổ phiếu thuộc lĩnh vực công nghệ của Hoa Kỳ đã tăng trưởng tốt nhất trong năm nay, đưa S&P 500 lên mức kỷ lục trong tháng này, bởi nó nằm trong số những lĩnh vực được hưởng lợi. Hơn một nửa doanh thu của các công ty công nghệ đến từ yếu tố nước ngoài, và tỷ trọng doanh thu nước ngoài của nhóm công nghệ cao hơn hẳn so với các lĩnh vực khác trong những tháng chứng kiến đồng dollar giảm ít nhất 1.25%, theo Goldman Sachs.
Ông Kelly nói: “Các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm đến thị trường Mỹ để “tìm kiếm những công ty tiên phong trong các công nghệ đột phá, vốn dễ tìm kiếm ở Mỹ hơn những nơi khác ”.
Jared Woodard, người đứng đầu bộ phận đầu tư nghiên cứu tại Bank of America, cho biết sự suy yếu của đồng tiền cũng sẽ tạo thêm sức hút cho các công ty ngoài lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn như các công ty vật liệu và năng lượng.
Ông nói thêm: “Một đồng dollar có giá trị hợp lý chắc chắn là điều tốt cho nền kinh tế Hoa Kỳ. “Biến động của đồng dollar sẽ trở nên đáng chú ý hơn trong những quý sắp tới."