Tại sao 2 mũi tiêm vắc-xin không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chúng ta trước Covid-19?
Tú Đỗ
Senior Economic Analyst
Sự xuất hiện của các ca dương tính trên những người đã được tiêm chủng đầy đủ đang làm dấy lên lo ngại về tác dụng thực sự của vắc-xin trước virus SARS-CoV-2
Những người được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc-xin có thể sẽ được bảo vệ ở mức độ cao trước những triệu chứng hiểm nghèo gây ra bởi virus SAR-CoV-2. Tuy nhiên, các ca nhiễm mới gần đây cho thấy những người này vẫn có khả năng bị lây nhiễm Covid-19. Các chuyên gia y tế nhận định rằng điều này xảy ra bởi một số nguyên nhân đằng sau.
Đầu tiên, không có một loại vắc-xin được triển khai tại Mỹ hay Châu Âu có khả năng ngăn lây nhiễm 100%. Điều này còn chưa kể tới sự xuất hiện của các biến chủng virus mới với khả năng lây lan mạnh mẽ hơn. Những số liệu về thời gian duy trì miễn dịch của vắc-xin sau tiêm chủng cũng không rõ ràng.
Lo ngại về các ca nhiễm sau tiêm chủng bắt đầu dấy lên từ số liệu của Israel, một trong những nước có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất trên thế giới. Số liệu công bố vào tháng 7 của nước này cho thấy vắc-xin của Pfizer-BioNTech chỉ có hiệu quả trung bình 40.5% trong phòng chống lại các triệu chứng Covid-19. Ngoài ra, hiệu quả của loại vắc-xin này cũng chỉ còn 16% đối với những người đã tiêm 2 mũi vào hồi tháng 1. Tỷ lệ này đối với những người tiêm vào tháng 4 vẫn duy trì ở mức 79%.
Số liệu trên của Israel trái ngược với một nghiên cứu tại Anh tiến hành từ tháng 4 đến tháng 5 khi cho thấy vắc-xin Pfizer-BioNTech có hiệu quả 88% trong ngăn ngừa các triệu chứng gây ra bởi biến chủng Delta.
Rất khó có thể so sánh 2 kết quả trên, tuy nhiên có một số điểm khác biệt có thể chỉ ra liên quan tới quy trình tiêm vắc-xin (Israel sử dụng hoàn toàn vắc-xin Pfizer cho người trưởng thành, còn Anh sử dụng hỗn hợp thêm các loại vắc-xin khác), thời điểm lấy mẫu, độ tuổi và phương pháp xét nghiệm Covid-19 được sử dụng.
Giáo sư Lawrence Young, một nhà virus học tại đại học y Warwick, Anh chia sẻ rằng những ca nhiễm bệnh trên những người đã được tiêm chủng đầy đủ là một bằng chứng cho thấy không có loại vắc-xin nào có hiệu quả 100% trước dịch bệnh.
"Sẽ luôn có một tỷ lệ những người nhạy cảm với lây nhiễm và các triệu chứng" Ông nhận định. "Có 2 yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới hiệu quả của vắc-xin. Thứ nhất đó là sự suy giảm của hệ miễn dịch, thường xảy ra ở người cao tuổi. Thứ hai đó là sự xuất hiện của các chủng virus mới như delta". Điều này củng cố thêm lý do cho việc đề xuất triển khai chương trình tiêm vắc-xin bổ sung cho người dân tại Mỹ và Anh.
Tình hình lây nhiễm sau tiêm chủng tới hiện tại
Rất khó có thể thống kê chính xác số ca nhiễm Covid-19 sau tiêm chủng bởi phần lớn những người nhiễm đều không biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Hãng tin NBC cho biết đã phát hiện ít nhất 125 nghìn người Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ dương tính với Covid và 1.4 nghìn trong số đó đã tử vong. Tuy nhiên, con số này mới chỉ chiếm chưa tới 0.08% trong số hơn 164 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi tại Mỹ tính tới hiện tại.
Biểu đồ số ca nhiễm mới và tử vong mỗi ngày do Covid-19 tại Mỹ
Về phần mình, CDC Mỹ đã nói rằng các ca nhiễm sau tiêm chủng đã được lường trước và sẽ có một tỷ lệ nhỏ số người đã tiêm chủng vẫn sẽ bị lây nhiễm, nhập viện hay thậm chí tử vong bởi Covid-19. Tuy vậy, cần phải nhấn mạnh rằng những nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng những người được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin sẽ giảm thiểu đáng kể khả năng xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm nếu bị mắc Covid. Những người này cũng có ít khả năng lây nhiễm virus cho người khác hơn so với những người chưa được tiêm.
Steven Riley, một giáo sư chuyên ngành lây nhiễm tại Cao đẳng Hoàng gia London cho rằng những ca nhiễm sau tiêm chủng cần được nghiên cứu thêm, đặc biệt tại các khu vực nơi biến chủng delta lây lan mạnh nhất. "Biến chủng delta hiện đang có sức lây lan mạnh nhất tính tới hiện tại và thực tế chúng ta đang chứng kiến những ca nhiễm bệnh ở những người đã được tiêm chủng đầy đủ. Việc nghiên cứu kỹ càng hơn những ca nhiễm bệnh trên sẽ giúp ích cho việc kiểm soát tình hình trong thời gian tới và góp phần mang tới bức tranh toàn cảnh hơn về diễn biến dịch bệnh."
CNBC