Tại sao Fed không nên can thiệp chống lại dịch bệnh corona virus
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Vào thời điểm thị trường đã phản ánh kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ngay trong kỳ họp tháng 3, chúng tôi giải thích cho các bạn nguyên nhân tại sao Fed, riêng lần này, không nên can thiệp
Vào cuối tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jay Powell đã trấn an thị trường một cách đầy ẩn ý rằng ngân hàng trung ương sẽ thực hiện điều chỉnh phù hợp để chống lại bệnh dịch Covid-19. Đây là một lời hứa được phát biểu rất cẩn thận để không bao hàm điều gì cụ thể, đảm bảo rằng Fed có thể làm bất cứ điều gì họ muốn.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư lại coi đó là sự đảm bảo không chỉ rằng lãi suất ngắn hạn của Mỹ sẽ giảm ít nhất 1%, mà còn rằng Fed sẽ làm tất cả những gì có thể, hứa hẹn là nguồn hỗ trợ không giới hạn với thị trường cổ phiếu.
Kể cả khi nếu Fed can thiệp, cú hồi phục vô vọng (dead-cat-bounce) mà trong đó giá chỉ hồi phục trong một thời gian ngắn, không nên và không thể bị nhầm lẫn thành tâm lý lạc quan thị trường hồi sinh. Không có mức cắt giảm lãi suất nào có thể chữa khỏi một bệnh nhân coronavirus, và cũng sẽ không có ai sợ bệnh tật sẽ quyết định mua một ngôi nhà mới, một chiếc xe hơi, hoặc thậm chí là ăn một bữa tối ở nhà hàng. Các thị trường phản ánh kỳ vọng về một cuộc giải cứu của Fed bỏ qua thực tế rất nguy hiểm, và các ngân hàng trung ương cho phép thị trường làm như thế thậm chí còn gặp rủi ro lớn hơn.
Vấn đề trước hết của việc một ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất như là biện pháp phục hồi cho thị trường là nó sẽ không hiệu quả.
Lý do rất đơn giản: các ngân hàng trung ương sử dụng vũ khí trên thị trường tài chính và rủi ro coronavirus không phải là tài chính: tất nhiên, đó là rủi ro y sinh ban đầu đi kèm với rủi ro lây nhiễm - theo nghĩa đen - cho toàn bộ phía cung sản xuất và dịch vụ.
Một lý do khiến thị trường tăng cao vào cuối tháng trước là do thị trường tin rằng Trung Quốc đã kiểm soát Covid-19. Đây không phải là đầu tư giá trị, hướng tới tương lai, mà đơn thuần là đầu cơ. Giải cứu các nhà đầu cơ không phải là điều mà các ngân hàng trung ương có thể làm, hoặc nên làm.
Tất nhiên, giờ đây có thể đúng là hậu quả của Covid-19, đang trở thành vấn đề kinh tế vĩ mô thực sự, khiến cho sự can thiệp của ngân hàng trung ương trở nên hợp lý hơn. Tuy nhiên, niềm hy vọng rằng Fed hoặc bất kỳ ngân hàng trung ương nào khác có khả năng chống lại sự thiếu hụt nguồn cung hàng hóa thực sự và sự gián đoạn của ngành dịch vụ với việc cắt giảm lãi suất, chỉ là ảo tưởng.
Năm 2008, một cú hích từ Fed làm dịu thị trường vì cuộc khủng hoảng tài chính biểu thị qua cái tên của nó: tài chính. Một ngân hàng trung ương có thể truyền thanh khoản vào một thị trường bị thiếu thanh khoản hoặc, trong những thời điểm nhẹ nhàng hơn, thúc đẩy nhu cầu bằng cách hạ lãi suất để thúc đẩy vay và sau đó, tiêu dùng. Nhưng khi dân chúng đã sơ tán lên núi để tránh thảm họa, không có chính sách nới lỏng nào có thể dụ dỗ được họ xuống.
Thêm vào đó, khi các ngân hàng trung ương can thiệp vào sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, họ không còn là ngân hàng trung ương và trở thành những kẻ độc tài về tài khóa. Rủi ro kinh tế vĩ mô coronavirus không đến từ thiếu tiền mà thiếu khả năng điều trị và chữa bệnh. Hiệu ứng thứ hai của đại dịch - sự gián đoạn chuỗi cung ứng - cũng không liên quan gì đến việc thiếu vốn rẻ. Thay vào đó, vấn đề là nỗi sợ: sợ rằng lãi suất thấp hơn không thể bình ổn thị trường. Giống như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và hàng hóa đang phản ứng với tin tức tức thời. Các ngân hàng trung ương tự tin rằng họ có thể thay đổi tâm lý thị trường với việc cắt giảm lãi suất đã quá kiêu ngạo.
Chính sách tài khóa từ lâu đã được sử dụng trong trường hợp này và người ta nhận ra rằng nỗi sợ thiếu hụt chuỗi cung ứng được giải quyết tốt nhất bằng bổ sung chuỗi cung ứng. Trong lịch sử, các quốc gia đã giải quyết vấn đề thiếu hụt hàng hóa do hoảng loạn với các kho dự trữ nhà nước như Kho Dự trữ Chiến lược Hoa Kỳ, một mạng lưới hầm khổng lồ tại bốn địa điểm dọc theo bờ biển Vịnh Mexico.
Việc thiếu các kho dự trữ tương đương cho các phòng khách sạn trống rỗng, phụ tùng ô tô bị thiếu hụt và các loại thuốc thiết yếu, không thể được giải quyết bằng bất kỳ chính sách kích thích tiền tệ nào.
Fed tất nhiên có thể dùng trực thăng để rải tiền, mua hàng tấn đồng hoặc các mặt hàng khác hoặc thậm chí mua Disneyland trong một hoặc hai ngày. Điều đó có thể có tác dụng, ít nhất là trong một thời gian. Mặc dù vậy, nới lỏng định lượng do đại dịch là một khái niệm mới lạ tiềm tàng nhiều hậu quả. Fed sẽ mua gì và tại sao nó lại quan trọng? Mua thêm trái phiếu có thể làm giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế, nhưng một nền kinh tế bị cách ly kiểm dịch không thể hoạt động.
Việc cắt giảm lãi suất, bơm tiền kiểu mới hoặc một số can thiệp thị trường khác của Fed sẽ có hai lỗ hổng dễ thấy. Đầu tiên, chúng sẽ không có hiệu quả lâu nếu coronavirus tồn tại, bởi vì cuộc khủng hoảng không liên quan gì đến tiền, thứ được coi là cổ phiếu của Fed trong lưu thông. Thứ hai, ngay cả khi Fed tìm cách giữ được giá cổ phiếu không giảm để khôi phục niềm tin thị trường và sau đó làm giảm nỗi lo về đại dịch một cách kỳ diệu, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ thay đổi theo cách không thể sửa chữa – và theo hướng tồi tệ hơn
Sau cuộc khủng hoảng tài chính, các ngân hàng trung ương đã nói về kế hoạch chấm dứt tình trạng các tổ chức tài chính quá lớn để sụp đổ (too-big-to-fail). Nếu Fed thực hiện bơm tiền một lần nữa, nó sẽ xác nhận chiều theo những người mong muốn việc cắt giảm lãi suất, củng cố niềm tin rằng rủi ro đạo đức là nguyên tắc thị trường của thời kỳ hậu khủng hoảng. Các ngân hàng quá lớn để sụp đổ sẽ được kế thừa bằng các cổ phiếu có giá quá cao để giảm. Đó là một cách chắc chắn để tạo ra một cuộc khủng hoảng mới.