Tại sao thị trường phản ứng giật “kinh dị” sau FED?

Tại sao thị trường phản ứng giật “kinh dị” sau FED?

00:13 28/08/2020

Đầu tiên, đồng USD giảm và vàng tăng mạnh khi Powell công bố cách tiếp cận mới, FED sẽ hướng tới mục tiêu lạm phát trung bình 2%, tức là sẵn sàng cho lạm phát vượt 2% đề bù đắp cho những giai đoạn lạm phát thấp. Sự thay đổi trong chiến lược chính sách tiền tệ của Fed có phần hơi bất ngờ cho thị trường, vì nhiều người đã dự đoán rằng điều này sẽ chỉ đến sớm nhất vào cuộc họp tháng 9. Hành động này đã làm tăng đồn đoán rằng Fed sẽ tăng cường “định hướng chính sách” (Forward Guidance) và QE.

Tuy nhiên, các thị trường đã nhanh chóng đảo ngược phản ứng ban đầu đối với phát biểu của ông Powell, với việc đồng đô la và lợi suất của Mỹ phục hồi, trong khi vàng giảm trở lại. Trên thực tế, bức tranh rộng là lãi suất sẽ ở gần mức 0% trong vài năm tới, điều mà thị trường vốn đã được chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng.

Trong mọi trường hợp, khung chính sách mới nhấn mạnh rằng chức năng phản ứng của ngân hàng trung ương đối với cả thất nghiệp và lạm phát là không đối xứng. Đường cong Phillips và quy tắc Taylor bây giờ có lẽ đã trở nên ít hữu ích hơn trong cách tiếp cận của Fed.

Quyết định về lãi suất của Fed sẽ dựa trên các đánh giá về “sự thiếu hụt việc làm so với mức tối đa”, thay vì “độ lệch chuẩn so với mức tối đa”. “Sự thiếu hụt” chỉ hướng đến một chiều, trong khi “độ lệch chuẩn” bao gồm hai chiều. Nói cách khác, Fed sẽ phản ứng (cắt giảm lãi suất hoặc giữ lãi suất ở mức thấp) khi tỷ lệ thất nghiệp cao hơn mong muốn, đồng thời ngồi yên khi thị trường lao động nóng lên.

Đây là sự thay đổi mang tính lịch sử trong chiến lược của Fed. Trong nhiều thập kỷ, ngân hàng trung ương hoạt động với suy nghĩ rằng tỷ lệ thất nghiệp thấp dẫn đến lạm phát. Nhưng logic đó chưa bao giờ xảy ra trong suốt thời kỳ phát triển kinh tế kéo dài kỷ lục của Mỹ, từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc do đại dịch ập đến, lạm phát vẫn tiếp tục ở dưới mức mục tiêu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. 

Tuyên bố sửa đổi nêu rõ rằng “sau những giai đoạn lạm phát duy trì dai dẳng ở mức dưới 2%, chính sách tiền tệ thích hợp có thể sẽ nhằm đạt được mức lạm phát vừa phải trên 2% trong một thời gian.” Fed chỉ nhấn mạnh một hướng - giai đoạn lạm phát thấp dai dẳng, thay vì giai đoạn lạm phát cao, hàm ý rằng khả năng lạm phát tăng mạnh là không cao, điều đã gây áp lực cho giá vàng giảm sau đó?

Sẽ có những người nghĩ rằng tuyên bố của Powell đã phần nào thừa nhận những thách thức đối với chính sách tiền tệ do môi trường lãi suất thấp dai dẳng thống trị. Phải chăng niềm tin vào chính sách, vào Fed phần nào bị hoài nghi? Fed “chào đón” lạm phát nhưng niềm tin về tính khả thi lại không thật sự chắc chắn?

Phản ứng của thị trường hôm nay khá kỳ dị, nhưng ở góc nhìn đơn giản hơn, dường như điều đó chỉ phản ánh sự điều chỉnh vị thế của thị trường trong điều kiện thanh khoản kém, sự bối rối và không chắc chắn của số đông. Thị trường vẫn đang Short USD và hành động đóng vị thế xuất hiện trong phiên. Với giới đầu tư vàng, những phản ứng thận trọng của cả ETF và Money Manager trong thời gian trở lại đây là minh chứng cho sự không chắc chắn. Có lẽ chúng ta cần chờ giá vàng đóng cửa ngày ngoài biên độ 1900/1975 cho một xu hướng rõ rệt hơn, và cần những bằng chứng sáng tỏ hơn trong cuộc họp FOMC 17/9, bởi vàng đang cực kỳ nhạy cảm với lợi suất thực của Mỹ.

Broker listing

Cùng chuyên mục

Gió đã xoay chiều với Fed?
Đức Nguyễn

Đức Nguyễn

FX Strategist

Gió đã xoay chiều với Fed?

Các nhà giao dịch hợp đồng tương lai lãi suất của Fed đang định giá khoảng 2/3 cơ hội tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, tăng từ mức khoảng 15% một tuần trước.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ