Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng lên mức lớn nhất trong gần một năm
Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng trong tháng 2 lên mức 68.9 tỷ USD, đây là tháng thứ 3 liên tiếp Mỹ ghi nhận thâm hụt thương mại tăng do giá trị nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu.
Dữ liệu của Bộ Thương mại cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ ở lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ tăng 1.9% so với tháng trước lên 68.9 tỷ USD, mức thâm hụt lớn nhất trong gần một năm. Các nhà kinh tế trước đó đã dự báo con số này ở mức 67.6 tỷ USD.
Nhập khẩu tăng lên gần 332 tỷ USD do các lĩnh vực như điện thoại di động, thực phẩm và xe có động cơ. Xuất khẩu tăng lên 263 tỷ USD nhờ việc bán máy bay dân sự và dầu thô. Các số liệu này không được điều chỉnh theo lạm phát.
Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong gần 1 năm
Thâm hụt thương mại tăng dự kiến sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ lần đầu tiên kể từ đầu năm 2022. Theo kết quả mới nhất, dự báo GDPNow của Fed Atlanta cho thấy thâm hụt thương mại sẽ khiến tăng trưởng quý I của Mỹ chậm lại 0.5%.
Mặc dù cán cân thương mại của Mỹ đã được cải thiện kể từ năm 2022, nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu có thể vẫn tăng do chi tiêu tiêu dùng ổn định và nhu cầu tiêu dùng cao. Hơn nữa, rủi ro suy thoái ở thị trường nước ngoài đang hạn chế việc xuất khẩu của Mỹ.
Trên cơ sở điều chỉnh theo lạm phát, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng lên 87 tỷ USD trong tháng 2, mức lớn nhất kể từ tháng 7.
Xuất khẩu du lịch tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2019 đồng thời nhập khẩu du lịch đã tăng lên mức cao kỷ lục mới.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc giảm xuống còn 21.9 tỷ USD, mức nhỏ nhất trong 3 tháng, phản ánh sự sụt giảm giá trị hàng hóa nhập khẩu.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Mexico đã tăng lên mức kỷ lục 15.3 tỷ USD trong khi nhập khẩu đạt đỉnh mới.
Bloomberg