Thăng trầm của thứ văn hóa crypto - Tâm thư từ bố già Defi Andre Cronje
Tùng Trịnh
CEO
Sau một thời gian tuyên bố "nghỉ hưu" và vắng bóng trên thị trường tiền điện tử, đêm qua Andre Cronje đã xuất hiện trở lại bằng một bức tâm thư với những nội dung đáng để chúng ta phải suy nghĩ
Tôi ước gì mình già đi, đủ để chứng kiến sự ra đời của chính sách tiền tệ. Tôi ước mình có thể nhìn thấy những sai lầm mà họ (những nhà hoạch định chính sách) đã mắc phải, bởi vì tôi tin rằng chúng ta đang lặp lại chúng.
Tôi thường cảm thấy rằng rất nhiều thứ trong thế giới tiền điện tử đang được dựng lên bởi những người đọc một bài viết về trái phiếu, nợ chính phủ, hoặc công cụ nợ trên Wikipedia, và sau đó tự nghĩ rằng “mình có thể tạo ra một thứ tốt hơn”.
Điều đó cũng thường xuyên xảy ra trong công việc lập trình, bạn tìm thấy một đoạn code được viết bởi một tổ chức nào đó, bạn bắt đầu tìm ra lỗ hổng của chúng, “đoạn này không cần thiết”, “đoạn này vẫn có thể làm tốt hơn”, “tại sao họ lại làm như vậy cái này? Nó hoàn toàn vô nghĩa”, và sau đó bạn bắt đầu ý nghĩ “Tôi có thể làm điều này tốt hơn”.
Vì vậy, bạn dành vài ngày, vài tuần, thậm chí hàng tháng để thiết kế lại đoạn code, sau đó bạn chạm vào bức tường đầu tiên và phải điều chỉnh vài chỗ, rồi bức tường thứ hai, rồi thứ ba... và cuối cùng mã của bạn tạo ra giống hệt với những gì họ đã làm, và trong bạn reo lên khoảnh khắc “ồ, đúng, hóa ra là thế”, khi cuối cùng bạn hiểu tại sao nó lại được tạo ra theo cách như vậy.
Chính sách tiền tệ cũng giống như vậy, bạn không thể tách biệt những định nghĩa như cung tiền, nợ, trái phiếu, tiền gửi, hàng hóa, chứng khoán, các công cụ phái sinh...Chúng tồn tại vì một lý do. Còn tiền điện tử là một thế hệ mới, thế hệ “chúng ta có thể làm tốt hơn”.
Từ lâu tôi đã coi thường văn hóa tiền điện tử, nhưng trân trọng các đặc tính của tiền điện tử. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đây là hai thứ hoàn toàn khác biệt, "đặc tính" của tiền điện tử là những khái niệm như quyền tự chủ, quyền tự quản, tự trao quyền. Còn "văn hóa" tiền điện tử là các khái niệm như sự giàu có, quyền lợi, và bản ngã.
Văn hóa tiền điện tử đã bóp nghẹt các đặc tính của tiền điện tử.
Một giáo sư đã từng nói với tôi "các hợp đồng được làm ra để đề phòng những kịch bản xấu, chứ không phải những kịch bản tốt". Quy định và pháp luật cũng vậy. Chúng ở đó để bảo vệ bạn khi điều xấu xảy đến, đó là lúc bạn cần chúng nhất. Chúng không dành cho những ngày đẹp trời, khi tất cả đều ngọt ngào như tuần trăng mật và rượu sâm panh.
Hơn bao giờ hết, tôi thấy sự cần thiết của việc có hệ thống quy định đối với crypto. Không phải là một cơ chế ngăn chặn, mà là một cơ chế để bảo vệ. Giống như một đứa bé cố gắng thọc ngón tay vào ổ điện, bạn ngăn chúng lại, khi chúng chưa đủ thông minh để tìm hiểu lý do tại sao không nên làm vậy. Một ngày nào đó chúng sẽ hiểu, nhưng không phải hôm nay.
Crypto nào đã chết. Crypto nào sẽ trường tồn?
Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, những thứ crypto xấu đang diễn ra hôm nay, những chiếc ví bí ẩn núp trong bóng tối, sẽ chỉ còn chỗ đứng ở vùng đất cằn cỗi. Chúng ta sẽ thấy sự trỗi dậy của một nền kinh tế blockchain mới, không xuất phát từ lòng tham mà từ lòng tin. Thật nực cười khi chính tôi cũng đã đi hết một vòng tròn trong giới crypto, nhưng tôi vẫn thấy mình phấn khích hơn bao giờ hết. Tôi sẽ không đặt chân quay trở lại vùng đất chết kia nữa, và vô cùng háo hức đón chờ tương lai sắp tới.
Andre Cronje