Thanh khoản là gì?

Thanh khoản là gì?

Đức Nguyễn

Đức Nguyễn

FX Strategist

11:43 03/04/2024

Tính thanh khoản (Liquidity) là một thuật ngữ kinh tế đề cập đến khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của một loại tài sản mà không ảnh hưởng đến giá thị trường của tài sản đó.

Tính thanh khoản là gì?

Tính thanh khoản là khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của tài sản 

Tính thanh khoản (Liquidity) hay tính lỏng, là một thuật ngữ kinh tế, đề cập đến khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của một loại tài sản mà không ảnh hưởng đến giá trị thị trường của tài sản đó. 

Thông qua việc đánh giá tính thanh khoản của tài sản, doanh nghiệp có thể quản lý hiệu quả dòng tiền, tăng tính thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả các khoản vay đúng hạn, tăng cơ hội vay vốn hay tiếp nhận đầu tư, đồng thời tối ưu hóa nguồn tài chính, đặc biệt là trong thời điểm tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn.

Đối với ngân hàng, tính thanh khoản là một yếu tố rất quan trọng để ra quyết định cho doanh nghiệp vay vốn và khả năng thanh toán cho khách hàng của ngân hàng. Chỉ số thanh khoản có thể được sử dụng để đánh giá khả năng thanh toán của khách hàng, từ đó đưa ra được quyết định đúng đắn về việc cấp vốn và giải ngân các khoản vay. 

Đối với các chủ nợ và nhà đầu tư, đánh giá được tính thanh khoản của một doanh nghiệp sẽ giúp họ nắm bắt tình hình tài chính của doanh nghiệp, từ đó cân nhắc và đưa ra quyết định cho vay hoặc đầu tư một cách đúng đắn nhằm đảm bảo khả năng thanh toán nợ đúng hạn của doanh nghiệp.

Tính thanh khoản cao hay thấp phụ thuộc vào thời gian và chi phí

Tính thanh khoản cao hay thấp phụ thuộc vào thời gian và chi phí để chuyển đổi tài sản thành tiền mặt. Một tài sản được xem là có tính thanh khoản cao khi nó được chuyển đổi thành tiền mặt một cách dễ dàng, nhanh chóng mà giá trị thị trường của nó không bị chênh lệch đáng kể, và ngược lại. 

Tiền mặt sẽ là tài sản có tính thanh khoản cao nhất vì tiền được dùng làm phương tiện mua bán trao đổi, cũng như thanh toán các giao dịch ngay lập tức. 

Chứng khoán cũng được xem là tài sản có tính thanh khoản cao trong điều kiện thường (không có xu hướng bán quá mạnh) vì chúng có thể được mua bán một cách nhanh chóng. 

Các tài sản khác như bất động sản, nhà máy, máy móc và hàng tồn kho có tính thanh khoản thấp hơn vì phải mất thời gian cũng như chi phí để chuyển đổi thành tiền mặt.

Ví dụ: Anh A cần mua ô tô 1 tỷ đồng, nếu có tiền mặt thì anh A có thể mua ngay, có thể thấy tiền có tính thanh khoản rất cao. Nếu không có tiền mặt nhưng có miếng đất trị giá 2 tỷ đồng, thì anh A cần bán miếng đất để lấy tiền mua xe. Tuy nhiên việc này sẽ mất thời gian cũng như chi phí, buộc anh A phải chờ đến khi tìm được người sẵn sàng mua miếng đất với giá 2 tỷ hoặc hạ giá miếng đất để bán nhanh hơn, lúc này miếng đất được coi là tài sản có tính thanh khoản kém.

Tính thanh khoản trong chứng khoán là gì?

Cổ phiếu là loại chứng khoán có tính thanh khoản cao 

Tính thanh khoản trong chứng khoán đề cập tới khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của một loại chứng khoán và ngược lại từ chứng khoán thành tiền mặt.

Chứng khoán có tính thanh khoản cao nếu có thể dễ dàng mua đi, bán lại, và giá cả ổn định theo thời gian. Chính vì vậy, cổ phiếu là loại chứng khoán có tính thanh khoản cao, đặc biệt là những cổ phiếu đã được niêm yết trên thị trường. Các thị trường chứng khoán có tính thanh khoản cao thường hoạt động sôi động và thu hút nhiều nhà đầu tư. 

Rủi ro trong thanh khoản chứng khoán xảy ra khi chứng khoán có thanh khoản kém

Bên cạnh những lợi ích từ tính thanh khoản cao, thị trường chứng khoán cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định mà nhà đầu tư cần lưu ý. Cụ thể, rủi ro của thanh khoản chứng khoán chính là rủi ro chứng khoán có tính thanh khoản kém. 

Nhà đầu tư và ngân hàng thường rất quan tâm đến tính thanh khoản của chứng khoán vì đây là yếu tố quan trọng quyết định khả năng thu hồi vốn của họ. Khi một nhà đầu tư mất nhiều chi phí và thời gian để có thể thu hồi vốn của mình thì đó được gọi là rủi ro chứng khoán có thanh khoản kém. 

Nói cách khác là nhà đầu tư không thể bán chứng khoán hay phải chấp nhận bán với giá thấp hơn khi khó tìm được người mua với mức giá kỳ vọng. Khi đó, nhà đầu tư sẽ phải chịu tổn thất về mặt tài chính.

Đặc biệt, rủi ro thanh khoản lớn nhất trong chứng khoán là khi nhà đầu tư nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu mà không thể bán ra được và phải chịu lỗ từng ngày, tệ hơn là khi cổ phiếu mà nhà đầu tư nắm giữ có khả năng cao bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, khiến cổ phiếu mất hẳn thanh khoản trên thị trường.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tính thanh khoản trong chứng khoán

Thị trường chứng khoán biến động kéo theo sự biến động của tính thanh khoản. Trong đó, kết quả kinh doanh và tình hình tài chính, chính sách kinh tế của chính phủ và tâm lý của các nhà đầu tư là 3 tiêu chí chính đánh giá thanh khoản của một loại chứng khoán.

Kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp: Các chỉ số tài chính phản ánh trực tiếp hiệu quả kinh doanh và sức khỏe tài chính và của doanh nghiệp. Thông thường các doanh nghiệp lớn, hoạt động kinh doanh tốt, phát triển ổn định thì tính thanh khoản cổ phiếu sẽ cao, do nhu cầu đầu tư vào doanh nghiệp cao, và ngược lại.

Trong một số trường hợp doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả nhưng tính thanh khoản vẫn cao, nguyên nhân là do thực tế thị trường bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên về dài hạn, hiệu quả kinh doanh và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp sẽ phản ánh đúng thực tế qua tính thanh khoản và giá cổ phiếu.

Chính sách kinh tế của chính phủ: Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán sẽ phải chịu sự quản lý và bị tác động bởi các chính sách, quy định của cơ quan nhà nước. Do đó, chính sách của Nhà nước có thể gián tiếp ảnh hưởng tới tính thanh khoản của cổ phiếu.

Ví dụ, khi chính phủ quyết định thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt bằng cách tăng lãi suất, chi phí vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng lên, dẫn đến nhu cầu đầu tư vào thị trường chứng khoán giảm. Điều này có thể làm giảm tính thanh khoản của thị trường.

Tâm lý của nhà đầu tư: Nhiều nhà đầu tư mắc phải tâm lý FOMO. Khi thị trường khởi sắc họ có xu hướng tích cực tham gia vào thị trường hơn, thậm chí là ồ ạt mua vào, vì sợ bỏ lỡ cơ hội khi đứng ngoài xu hướng của đám đông. Ngược lại, khi thị trường ở trạng thái downtrend, nhà đầu tư thường có tâm lý sợ hãi, cẩn trọng hơn và có nhu cầu bán mạnh.

Tâm lý trên thường thấy ở nhà đầu tư F0 chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm đầu tư. Chính tâm lý FOMO này tạo ra sự biến động mạnh về cung cầu cổ phiếu, từ đó làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản thị trường chứng khoán.

Khối lượng giao dịch và chênh lệch giá mua bán là 2 yếu tố giúp xác định tính thanh khoản của cổ phiếu

Khối lượng giao dịch trên thị trường: Khối lượng giao dịch của một cổ phiếu lớn cho thấy nhu cầu mua bán cổ phiếu đó cao, do đó, tính thanh khoản của cao, và ngược lại.

Mức độ chênh lệch giữa giá mua và giá bán: Nếu mức giá mà bên mua đề xuất và mức giá bên bán đồng ý bán ít chênh lệch, đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu mua lớn và người mua sẵn sàng bỏ tiền để sở hữu cổ phiếu đó. Điều này thể hiện tính thanh khoản của cổ phiếu này cao, và ngược lại.

Một số chỉ tiêu đo lường khả năng thanh khoản

Tỷ số thanh toán hiện hành

Tỷ số thanh toán hiện hành (Current ratio) là chỉ tiêu đo lường phản ánh khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn từ nguồn tài sản ngắn hạn của công ty như tiền mặt, hàng tồn kho hay các khoản phải thu.

Rc = Tỷ số khả năng thanh toán hiện hành = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn  

Nếu Current ratio > 1: Tỷ số thanh toán hiện hành cao, có nghĩa là tài sản ngắn hạn mà công ty hiện có đủ để đáp ứng thanh toán hết các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn. Mặt khác, nếu tỷ số này quá cao cũng không phải là một dấu hiệu tốt vì nó cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng tài sản chưa thực sự hiệu quả.

Nếu Current ratio < 1: Tỷ số thanh toán hiện hành của doanh nghiệp thấp, điều này cho thấy hiện tại, doanh nghiệp không đủ khả năng để trả hết các khoản nợ đến hạn. Tỷ số này càng sát về 0 cho thấy doanh nghiệp đang cạn kiệt nguồn tài chính, nhưng không đồng nghĩa với nguy cơ phá sản vì doanh nghiệp vẫn còn có thể huy động thêm vốn. 

Tỷ số thanh toán nhanh 

Chỉ số khả năng thanh toán nhanh (Quick Ratio hay Acid-test Ratio) là chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn bằng những tài sản có tính thanh khoản cao như tiền và các khoản tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn và các khoản phải thu.

Tỷ số khả năng thanh toán nhanh = (Tiền và các khoản tương đương tiền + Đầu tư tài chính ngắn hạn + Các khoản phải thu) / Nợ ngắn hạn 

        = (Tài sản ngắn hạn - Hàng tồn kho) / Nợ ngắn hạn

Nếu Quick ratio > 1:  Tỷ số thanh toán nhanh cao,  đồng nghĩa với việc doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng thanh toán tức thời các khoản nợ ngắn hạn.

Nếu Quick ratio < 1:  Tỷ số thanh toán nhanh thấp, đồng nghĩa với việc tài sản có tính thanh khoản cao của doanh nghiệp đang ở mức thấp và khó có thể ngay lập tức thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.

Ngoài ra, nếu tỷ số này nhỏ hơn hẳn so với tỷ số thanh toán hiện hành thì tức là tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào hàng tồn kho. Các doanh nghiệp bán lẻ là những ví dụ điển hình của trường hợp này.

Tỷ số thanh toán tiền mặt

Tỷ số thanh toán tiền mặt (Cash Ratio) là chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán ngay lập tức các khoản nợ ngắn hạn thông qua tiền và các khoản tương đương tiền. 

Tỷ số thanh toán tiền mặt = (Các khoản tiền và tương đương tiền) / (Nợ ngắn hạn)

Nếu Cash Ratio > 1: Tỷ số thanh toán tiền mặt cao, chứng tỏ doanh nghiệp có khả năng chi trả cho tất cả các khoản nợ ngắn hạn và vẫn còn thừa tiền mặt để đầu tư vào các khoản khác. Tuy nhiên, tỷ số thanh toán tiền mặt quá cao có thể cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng nguồn tiền kém hiệu quả hoặc không tối đa hóa lợi ích tiềm năng của các khoản vay. 

Nếu Cash Ratio < 1: Tỷ số thanh toán tiền mặt thấp, điều này cho thấy tiền mặt trong hệ thống của công ty không đủ để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.

dubaotiente.com

Broker listing